1. Về chăm sóc
1.1. Bón thúc cho ngô (tính cho 1 sào 360 m2):
- Tổng lượng phân bón thúc, gồm: Đạm urê từ 11 đến 13 kg, kali từ 4 đến 6 kg.
+ Bón thúc lần 1 khi ngô có 3 đến 4 lá: Sử dụng từ 5,5 kg đến 6,5 kg đạm urê + 2 đến 3 kg kali bón cho 1 sào; bón phân cách gốc từ 5 đến 10 cm, kết hợp xới phá váng, vun lấp kín phân; nếu đất khô nên hòa phân vào nước để tưới cho cây.
+ Bón thúc lần 2 khi ngô có từ 7 đến 9 lá: Sử dụng từ 5,5 đến 6,5kg đạm urê + 2 kg đến 3kg kali bón cho 1sào; bón vào giữa khoảng cách 2 cây ngô, kết hợp làm cỏ vun cao gốc lấp đất kín phân để tăng hiệu quả của phân bón.
1.2. Tưới nước: Đảm bảo độ ẩm cho ruộng ngô, chú ý tưới đủ nước khi ngô ở giai đoạn 3 đến 4 lá, 7 đến 9 lá, xoáy loa kèn, trỗ cờ, phun râu và chín sữa.
2. Phòng trừ sâu, bệnh hại:
Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời. Cần chú ý một số loại sâu, bệnh hại chính như sau:
2.1. Sâu keo mùa thu:
* Đặc điểm gây hại.
Sâu keo mùa thu có thể ăn hơn 300 loài thực vật, bao gồm cả ngô, đậu tương, lúa, mía, cây rau,... Tuy nhiên, sâu rất thích cây ngô, nhất là ngô ngọt, ngô nếp và ngô rau. Sâu non tuổi 1-2 ăn biểu bì ở mặt dưới của lá non gây ra các vết màu trắng. Sâu non tuổi lớn hơn ăn thủng lá, bẹ lá tạo thành các lỗ lớn.
* Biện pháp phòng trừ.
Phòng chống sâu keo mùa thu bằng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, gồm:
- Biện pháp canh tác: Làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng ngô đề hạn chế nơi trú ẩn của sâu...
- Biện pháp thủ công: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt ở giai đoạn ngô 2 đến 7 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy trước khi trứng nở. Sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virus NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ. Hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học để bảo vệ thiên địch của sâu keo mùa thu.
- Biện pháp bẫy, bả: Sử dụng bẫy dính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt con trưởng thành.
- Biện pháp hoá học:
Sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để phun trừ khi sâu non mới xuất hiện với mật độ trung bình từ 4 đến 8 con/m2 ở giai đoạn ngô có 4-6 lá, sâu ở tuổi 1 và tuổi 2 là tốt nhất, phun thuốc lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Có thể phun thuốc 2 lần, cách nhau 7 - 12 ngày. Phun theo hàng, phun ướt đều 2 mặt lá, nách lá và nõn ngô.
Để phòng trừ sâu keo mùa thu, nên sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hoá học: Indoxacarb, Lufenuron,... trong đó một số thuốc có tên thương phẩm như: Topzaza 9SE; Betakill 150SC; Tik-tot 60EC...
2.2. Sâu đục thân, đục bắp: Sử dụng một trong các loại thuốc như: Decis 2.5EC; Proclaim® 1.9 EC; Virtako® 40 WG..., phun thuốc khi sâu non mới nở.
2.3. Bệnh khô vằn: Khi bệnh phát sinh, ngừng bón đạm; dùng một trong các loại thuốc như: Tilt Super® 300EC; Evitin 50SC; Shiral 240SC;... phun thuốc khi bệnh mới xuất hiện, nếu bệnh nặng phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 5 đến 7 ngày.
Chú ý: Sử dụng thuốc BVTV theo hướng dẫn của nhà sản xuất và đảm bảo nguyên tắc: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp.
Trên đây là biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ một số sâu bệnh hại cây ngô. Đề nghị người sản xuất thực hiện tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao./.