1. Mục đích ủ chua thức ăn
- Duy trì chất dinh dưỡng có trong thức ăn, một số loại thức ăn thô xanh có thể bảo quản được trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.
- Làm cho thức ăn trở nên mềm hơn nhờ quá trình lên men yếm khí. Gia súc khi ăn sẽ tiêu hoá dễ dàng và ăn nhiều hơn.
- Tận dụng được nguồn thức ăn mùa vụ dồi dào, tiết kiệm được một lượng lớn thức ăn để dự trữ. Linh hoạt và chủ động trong việc đảm bảo nguồn cung thức ăn cho gia súc.
2. Kỹ thuật ủ chua thức ăn thô xanh cho lợn
Có thể sử dụng một hoặc nhiều loại thức ăn xanh như: Thân cây chuối, quả chuối, rau, cỏ voi... để ủ. Và dưới đây là kỹ thuật ủ chua thân cây chuối làm thức ăn chăn nuôi lợn gồm có các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu, gồm có:
- Thân cây chuối: 300kg
- Bột ngô hoặc cám gạo: 10 kg.
- Muối ăn: 1,5 kg
- Men vi sinh hoạt tính: 0,5 kg hoặc 1 lít men vi sinh bản địa.
* Nguyên liệu là thức ăn thô xanh trước khi đưa vào ủ phải có chất lượng tốt, còn tươi, không thối, mốc và được băm (thái) mỏng. Khi đưa vào ủ phải đảm bảo có độ ẩm khoảng 65 - 70%, trường hợp độ ẩm trên mức này cần phơi qua cho ráo bớt nước.
Bước 2: Chuẩn bị dụng cụ để ủ
Gồm có: Túi ủ, dây buộc, xô chậu và dụng cụ đảo trộn; trường hợp sử dụng bể hoặc thùng phuy để chứa nguyên liệu ủ thì phải có nắp đậy kín. Dụng cụ ủ có thể là hình vuông, chữ nhật hoặc hình trụ tròn, nhưng tốt nhất nên dùng dụng cụ ủ có hình trụ tròn để ủ sẽ dễ nén nguyên liệu được chặt hơn.
Chuẩn bị nơi ủ: Chọn vị trí ở nơi cao ráo, râm mát, thoát nước tốt và có mái che mưa, che nắng.
Bước 3: Cách ủ
Trộn đều 0,5 kg men vi sinh hoạt tính hoặc 1 lít chế phẩm men vi sinh bản địa với 1,5 kg muối và 10kg bột ngô hoặc cám gạo tạo thành hỗn hợp, tiếp theo dùng hỗn hợp trên rắc và trộn đều với 300 kg thân cây chuối đã thái mỏng.
- Ủ bằng túi nilon: Sau khi nguyên liệu ủ đã được chuẩn bị xong, đưa nguyên liệu thô xanh vào theo từng lớp dày từ 15- 20 cm, nén chặt đều rồi tiếp tục cho lớp nguyên liệu vào đến khi nguyên liệu đầy túi ủ tiến hành vuốt hết khí và buộc chặt miệng túi bằng dây cao su. Trong khi ủ, quá trình hô hấp của chất xanh vẫn hoạt động sẽ sinh khí và làm căng túi, do đó cần theo dõi thường xuyên để mở túi cho khí thoát ra rồi lại buộc chặt miệng túi lại.
- Trường hợp ủ bằng bể xây hoặc hố đất: Cũng tiến hành đưa nguyên liệu vào và thực hiện các bước như ủ bằng túi nilon và nén kỹ ở 4 góc bể chứa rồi dùng nilon hoặc bạt đậy kín miệng bể ủ, tránh không để nước xâm nhiễm vào nguyên liệu ủ. Sau khi ủ từ 3 đến 5 ngày là sử dụng nguyên liệu cho lợn ăn.
Lưu ý: Khi đưa nguyên liệu vào ủ phải tránh làm rách túi nilon hoặc che đậy bể ủ không kín. Vì nếu bị rách túi hoặc hở miệng bể ủ thì quá trình lên men Lactic sẽ bị trở ngại và việc ủ chua sẽ không thành công.
3. Cách sử dụng
Kiểm tra chất lượng và cách cho lợn ăn bằng thức ăn ủ chua
Nguyên liệu ủ có chất lượng tốt là khi mở ra thấy có màu vàng nhạt, mùi thơm chua nhẹ.
Trước khi cho ăn cần kiểm tra xem thức ăn có bị thối mốc hay có mùi lạ không, nếu thấy có dấu hiệu đó thì không nên cho gia súc ăn.
Khi lấy thức ăn từ bể hoặc túi ủ nên lấy gọn vào từng vị trí, túi hoặc bể nào ủ trước thì lấy trước, lấy lần lượt theo lớp thức ăn đã ủ, lấy xong phải buộc lại miệng túi hoặc che đậy lại ngay nhằm hạn chế không khí lọt vào.
Có thể cho ăn thức ăn ủ chua này theo nhu cầu của lợn hoặc phối trộn với cám viên để tăng cường chất dinh dưỡng.
Những ngày đầu khi mới cho lợn ăn bằng thức ăn ủ chua, nên cho ăn với lượng thức ăn từ ít tới nhiều để cho gia súc quen dần với thức ăn và phải cho uống đủ nước sạch.
Trên đây là kỹ thuật ủ chua thức ăn cho lợn bằng men vi sinh. Chúc người chăn nuôi áp dụng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao./.