Để chủ động phòng chống sâu bệnh hại, đảm bảo năng suất, sản lượng cây chuối, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây chuối, như sau:
1. Chăm sóc, thu hoạch
- Thường xuyên phát quang, vệ sinh thu dọn sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng trong vườn chuối; chuối trồng trên đất vườn, đất bãi phải làm rãnh thoát nước để tránh ngập úng khi có mưa.
Thường xuyên tỉa định cây con, mỗi khóm chỉ nên để 1 cây mẹ và 2 - 3 cây con để tránh cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, giảm sâu bệnh gây hại vườn chuối. Đối với cây đã cho thu hoạch phải đốn sát mặt đất, đào bỏ gốc đưa ra khỏi vườn.
- Đối với các vườn chuối đã già cỗi, bị sâu bệnh hại nhiều nên trồng luân canh cây trồng khác từ 1 - 2 năm và trước khi trồng lại phải xử lý đất bằng vôi bột để hạn chế nguồn bệnh.
- Sử dụng các giống chuối sạch sâu bệnh, có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng của cây giống; giống chuối nhân dân tự khai thác ở địa phương phải được lấy từ những vườn chuối sinh trưởng phát triển khỏe, không bị nhiễm các đối tượng sâu bệnh. Tuyệt đối không trồng cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng.
2. Phòng trừ sâu bệnh
2.1. Nguyên tắc chung:
- Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) như: Biện pháp canh tác, sinh học, vật lý, hóa học....
- Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam khi cần thiết; tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Sử dụng thuốc phải đảm bảo “nguyên tắc 4 đúng” để phòng trừ sâu bệnh hại.
2.2. Biện pháp phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh hại
a) Bệnh đốm lá (black sigatoka)
* Triệu trứng:
Vết bệnh thường xuất hiện ở mặt dưới của phiến lá thứ 3 và thứ 4. Bệnh hình thành 1 đốm sọc nhỏ màu nâu đỏ song song với gân lá, rộng khoảng 1-10mm, thường tập trung ở phía bên trái và ở chóp lá. Về sau đốm mọc loang ra, trở màu đen, đồng thời xuất hiện ở mặt trên của lá làm lá sớm bị héo chết. Bệnh gây hại ở tất cả giai đoạn sinh trưởng của cây.
* Biện pháp phòng trừ:
Cắt tỉa các lá già và lá bị bệnh tiêu hủy, thoát nước tốt cho vườn trong mùa mưa, không trồng mật độ dày.
Khi phát hiện bệnh có thể phun các thuốc: Trobin plus 400SC; Quilt 200SE; Tilt Super 300EC; Ensino 400SC; Ortiva 600SC; Agronil 75WP, Daconil 75WP…
b) Bệnh héo vàng lá (héo rũ Panama)
* Triệu trứng:
Bệnh do nấm gây ra, cây bị bệnh có hiện tượng vàng từ lá già bên dưới sau đó lan dần lên các lá non. Lá bị bệnh thường héo, cuống gãy và lá treo trên thân giả, đôi khi cuống lá cũng bị gãy ở phần giữa phiến lá. Cắt ngang thân giả bị bệnh sẽ thấy các bó mạch bị đổi màu nâu vàng, cắt ngang thân thật (củ chuối) các mạch có màu đỏ nâu và bốc mùi hôi. Bệnh biểu hiện rõ nhất ở giai đoạn cây chuối ra hoa và phát triển quả non.
* Biện pháp phòng trừ:
- Bón vôi, phân chuồng mục ủ hoai mục cùng với chế phẩm nấm Trichoderma vào các hố trước khi trồng. Cắt sạch rễ và đất ở gốc cây giống rồi nhúng vào dung dịch bóocđô hoặc các thuốc bảo vệ thực vật có gốc đồng như: Champion 57.6 DP, Norshield 58WP… trong thời gian 10 -15 phút để diệt trừ nấm bệnh trước khi trồng.
- Thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các lá già, lá vàng nghi bị bệnh đem tiêu hủy (phơi khô rồi đốt).
- Sử dụng thuốc có hoạt chất Zineb, Propiconazole, Difenoconazole, Hexaconazole như các thuốc: Zin 80 WP; Zithane Z 80WP; Tiptop 250 EC, Lunasa 25 EC; Score 250EC; Anvil 5SC … để phòng trừ nấm gây bệnh.
c) Nhóm bệnh do virus (Chùn ngọn, khảm sọc lá)
* Triệu trứng:
- Bệnh chùn ngọn: Cây bị bệnh lá mọc chụm lại ở ngọn thân giả, lá nhỏ, bìa bị vàng, mép lá uốn cong, cuống lá ngắn lại. Trên phiến lá có các sọc xanh lợt chạy song song với các gân phụ.
- Bệnh khảm sọc lá: Vết khảm sáng gần như thủng lá, sau vết bệnh chuyển sang màu nâu đen, một số chủng virus gây hiện tượng thối ngọn, thân, quả nhỏ, biến dạng.
* Biện pháp phòng trừ:
Đối với nhóm bệnh này hiện nay chưa có thuốc trừ bệnh do vậy phòng bệnh là chính và áp dụng một số biện pháp sau:
- Sử dụng giống sạch bệnh, cây khỏe, có độ đồng đều cao. Đối với những vườn hết chu kỳ khai thác (4-6 năm sau trồng) nên luân canh với cây trồng khác từ 1-2 vụ trước khi trồng lại.
- Khi phát hiện cây bệnh cần phải hủy bỏ cây bị bệnh, rắc vôi, đem đốt bỏ …
- Rệp là môi giới truyền bệnh, cần thường xuyên thăm vườn, khi thấy mật độ rệp xuất hiện cao thì tiến hành phun trừ rệp bằng một trong các loại thuốc sau: Actara 25WG; Sherpa 25EC; Trebon 10EC… để phòng trừ môi giới truyền bệnh.
d) Sâu đục thân
* Triệu trứng, tác hại:
- Sâu non đục vào thân giả cây chuối thành các lỗ hình tròn hoặc hình chữ nhật không giống nhau.
- Khi ăn sâu đục vào thân giả, phá hoại dần các bẹ lá, làm cho thân giả cây chuối có lỗ nhỏ và xì mủ, bị hại nặng có nhiều vết đục làm cho thân cây chuối bị thối nhủn, bốc mùi thối.
- Khi mật độ sâu cao, có thể:
+ Phá hại cả giai đoạn cây còn non, hoặc có thể phá hại cả phần thân ngầm nhất là ở điểm sinh trưởng của thân ngầm làm cho cây thối dần và chết rụi.
+ Phá hại vào giai đoạn cây chuối đã trưởng thành có thể cho cây chuối dễ bị gãy, đổ, nhất là giai đoạn đang mang buồng.
* Biện pháp phòng trừ:
- Thường xuyên vệ sinh, thu gom những bẹ lá già, cây đã thu hoạch xong đưa ra khỏi vườn. Định kỳ tỉa bỏ bớt mầm, chỉ để 1-2 mầm cây con trên cây mẹ, tạo cho vườn luôn được thông thoáng. Những vườn đã bị sâu hại nặng cần phải chặt bỏ sát gốc, đào bỏ hết cả phần củ rồi đưa ra khỏi vườn tiêu hủy.
- Sử dụng một số loại thuốc dạng hạt rắc vào gốc để phòng trừ như: Padan 4GR; Regent 0.3GR; Dogent 3GR; Oncol 5GR; Afudan 3GR.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề nghị các đơn vị thực hiện tốt các nội dung trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời thông tin về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Điện thoại: 02073.817.303) để phối hợp giải quyết./.