Thành lập Hợp tác xã để thực hiện liên kết
Gặp chúng tôi anh Phạm Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thành Đạt cho biết: Năm 2007, anh tốt nghiệp ngành Điện công nghiệp của trường Cao đẳng công nghiệp Việt Đức và được nhận vào làm việc ở một công ty giấy với mức thu nhập khá ổn định. Nhưng anh vẫn nuôi mơ ước trở về quê hương làm giàu từ đồng ruộng. Nhận thấy thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật, mảnh đất nằm sát bên bờ sông Phó Đáy được phù sa bồi đắp rất thuận lợi để trồng cây rau màu nên anh quyết định nghỉ việc ở công ty về nhà đầu tư làm nông nghiệp.
Anh Tuấn hướng dẫn người dân thu hoạch rau A-Uk tại xã Kháng Nhật (Sơn Dương)
Ban đầu, anh đầu tư trồng 3.600 m2 ớt, dưa chuột và bí đỏ, có vụ thu hoạch, anh thu lãi tới gần trăm triệu đồng. Khi có hiệu quả kinh tế khá, anh đã tuyên truyền, vận động một số hộ dân xung quanh cùng trồng. Anh thành lập nhóm cùng sở thích trồng rau màu rồi đứng ra nhận thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Thế nhưng, ban đầu chưa có kinh nghiệm, hầu hết nông sản của gia đình và nhân dân chỉ được mang đi tiêu thụ ở những chợ đầu mối trong tỉnh hoặc bán cho tiểu thương nhỏ.
Từ trăn trở, suy nghĩ làm sao để mở rộng diện tích, ổn định đầu ra cho nông sản của nhân dân nếu như sản xuất quy mô lớn. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền các cấp anh trực tiếp đến một số công ty như Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền ở Bắc Ninh, Nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc tại cụm công nghiệp Phúc Ứng để tìm hiểu về con đường liên kết tiêu thụ nông sản.
Anh Tuấn nhận thấy, nếu chỉ là nhóm sở thích và tiêu thụ ở các chợ đầu mối và bán lẻ thì sẽ không ổn định, bền vững. Anh quyết định thành lập HTX Thành Đạt với 12 thành viên rồi chia nhau đi đến các xã để liên kết với các hộ nông dân mở rộng diện tích trồng bí đỏ, dưa chuột… Khi kết nối được khâu tiêu thụ với Công ty TNHH Dưa leo quê vùng miền ở Bắc Ninh, Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc, HTX đã vận động các thành viên trồng thử nghiệm rau A-Uk để cung cấp cho nhu cầu xuất khẩu của Nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu của Công ty TNHH JW Nông sản Hàn Quốc.
Anh Tuấn chia sẻ: “Mình luôn tin rằng, có nhiều cách để làm giàu nhưng làm giàu ở mảnh đất quê hương là lựa chọn đúng đắn nhất với mình. Tuy vất vả nhưng đổi lại mình thấy vui vì đã mở ra hướng đi mới cho người dân quê mình, con đường nào cũng đòi hỏi phải dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại”.
Chắp cánh cho nông sản vươn xa
Vùng nguyên liệu trồng rau A - Uk, Neng-I, bí đỏ và dưa chuột của HTX Thành Đạt lên tới 200 ha tại các xã Kháng Nhật, Phúc Ứng, Hào Phú, Đông Lợi, Vân Sơn, Quyết Thắng, Đông Thọ (Sơn Dương) và hai xã Minh Quang, Phúc Sơn (Lâm Bình), trong đó chủ yếu là dưa chuột, bí đỏ; rau A-Uk diện tích 7 ha tại xã Kháng Nhật. Ở mỗi xã, HTX thuê người dân bản địa có trình độ chuyên môn để bổ sung thêm kiến thức và đứng ra hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hợp tác xã còn cung cấp hạt giống, phân bón cho người dân thực hiện liên kết, ký cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường.
Theo tính toán của anh Tuấn, bình quân mỗi năm, HTX thu 2 vụ bí đỏ, 3 vụ dưa chuột; mỗi vụ thu hoạch bình quân 1 nghìn tấn dưa chuột, 500 tấn bí đỏ để cung cấp cho các nhà máy, doanh nghiệp mà HTX liên kết tiêu thụ. Đối với rau A-Uk trồng từ tháng 9 năm trước đến tháng 3 năm sau và thu hoạch từ 3 đến 4 lứa, bình quân một vụ rau, các hộ thành viên của HTX thu hoạch được trên 300 tấn rau cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Hiện nay, HTX đang thu mua bí đỏ của nhân dân với giá 5.000 đồng/kg, rau A-Uk với giá 4.100 đồng/kg, dưa chuột với giá 6.000 đồng/kg.
Bà Đinh Thị Nga, thôn Đèo Mon, xã Kháng Nhật trồng 2 sào (720 m2) rau A-Uk, mỗi vụ rau, gia đình bà thu hoạch từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa thu từ 4 - 4,5 tạ rau/sào, với giá bán cho công ty 4.100 đồng/kg, mỗi vụ rau gia đình bà Nga thu từ 5 - 7 triệu đồng/sào. Bà Nga cho biết, trước kia khi nghe đến chủ trương liên kết trồng rau xuất khẩu, bà cũng băn khoăn, do dự lắm. Nhưng được anh Tuấn động viên, bà đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau xuất khẩu. Trong suốt quá trình trồng, bà được cán bộ khuyến nông trực tiếp đến hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái. Từ chỗ chỉ biết cấy 2 vụ lúa, đến nay, gia đình bà đã trồng thêm một vụ rau xuất khẩu, có thêm thu nhập cải thiện đời sống.
Tại huyện Lâm Bình, HTX Thành Đạt đã tổ chức liên kết với 320 hộ gia đình thuộc xã Phúc Sơn, Minh Quang trồng cây dưa chuột với diện tích 15 ha. Chị Ma Thị Khuyên, thôn Nà Pết, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cho biết, năm 2023 gia đình chị liên kết với HTX Thành Đạt trồng 700 m2 cây dưa chuột, qua một vụ sản xuất chị nhận thấy cây dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao, được bao tiêu sản phẩm nên năm 2024, gia đình chị mở rộng diện tích trồng trên 1.500 m2. Nếu như trước đây, nhân dân chỉ trồng cây lúa, ngô… thuần túy thì nay đã chuyển diện tích sang liên kết trồng cây dưa chuột. Bình quân mỗi ha dưa chuột, người dân thu được 30 tấn quả, với giá thu mua từ 6.000 - 7.000 đồng/kg như hiện nay, người dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng/ha. Cũng theo chị Khuyên mô hình liên kết trồng dưa chuột của HTX Thành Đạt với người dân đang mang lại hiệu quả thiết thực. Đây thực sự là hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng./.