Anh Nguyễn Văn Thế Anh, thôn 1 Minh Phú - Hàm Yên chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ đã giúp sản phẩm chè của gia đình tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn với nhiều đối tượng khách hàng đến từ mọi miền tổ quốc. Nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh, thành cũng đã đặt sản phẩm của gia đình anh vì chỉ dùng thao tác nhỏ trên điện thoại, người tiêu dùng dễ dàng nhận diện sản phẩm cần mua trong quá trình sản xuất từ chăm sóc thu hái đến chế biến, sao, sấy đóng gói sản phẩm của gia đình màu sắc, xuất sứ sản phẩm….. Ứng dụng công nghệ này, không những giúp người bán không tốn chi phí mở cửa hàng, mà vẫn bán được sản phẩm. Nhiều kênh bán hàng trực tuyến còn hiển thị cả những đánh giá của người mua, giúp khách hàng dễ dàng hơn khi lựa chọn. Nhờ áp dụng công nghệ số sản phẩm chè của gia đình anh làm ra đến đâu, xuất bán đến đấy. Ngoài 2 ha chè của gia đình, anh Thế đứng ra liên kết với hơn 20 hộ trồng chè trong và ngoài xã để bao tiêu sản phẩm. Sản lượng bán ra mỗi tháng đạt từ 3 - 5 tấn sản phẩm.
Với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Kim Bình (Chiêm Hóa), những năm gần đây cũng tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất như: Hệ thống tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm…, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh. Anh Cao Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết: “Với những người nông dân như chúng tôi, bước đầu tiếp cận với công nghệ số cũng gặp một số khó khăn nhất định. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, HTX đã từng bước tiếp cận và mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ngày càng biết đến nhiều hơn, có đầu ra và giá thành ổn định, các thành viên HTX vô cùng phấn khởi, yên tâm phát triển sản xuất”.
Anh Phạm Văn Hợi - Giám đốc HTX chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) cho biết. Anh yêu cầu các thành viên trong HTX đều cài đặt ứng dụng zalo, việc trao đổi kinh nghiệm hay triển khai các công việc của HTX được thông qua nhóm riêng. Việc giao dịch, mua bán của các bạn hàng, đối tác trong chăn nuôi và tiêu thụ gà thương phẩm cũng được trao đổi qua ứng dụng.
Theo anh Hợi ứng dụng công nghệ vào trong công việc, cũng như trong cuộc sống hàng ngày mang đến nhiều thuận lợi. Đối với công việc chăn nuôi gà thì việc tiêm vắc xin cho gà theo đúng quy trình là rất quan trọng. Thay vì trước đây anh phải ghi lịch tiêm vào sổ theo dõi thì nay thông qua chiếc điện thoại thông minh anh có thể đặt lịch hẹn tiêm cho đàn gà đúng ngày và đúng loại vắc xin. Nhờ việc ứng dụng công nghệ, các ứng dụng thông minh đã giúp việc chăn nuôi của anh Hợi và các thành viên trong HTX trở nên đơn giảm.
Với sự năng động, nhạy bén và cần cù chịu khó, những nông dân đang nỗ lực từng ngày để bắt kịp với xu thế phát triển kinh tế, không ngừng học hỏi để thực hiện những mô hình mới, cách làm hay, đem lại thu nhập ổn định cho bản thân, gia đình và lao động địa phương. Góp phần quan trọng để các xã thực hiện nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Để hỗ trợ nông dân bắt nhịp với chuyển đổi số, ngành nông nghiệp đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố tăng cường tổ chức tập huấn cho bà con nông dân những kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số, mua bán trực tuyến, giúp nông dân, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân, góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất cũ, quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung hàng hóa, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tiếp tục ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần thúc đẩy Nông nghiệpmột cách hiệu quả và bền vững./.
Trung tâm Khuyến nông