Làng chài Bến Thủy ở huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Ngọc Tú.
Làng chài trên quê mới
Năm 2006, công trình hồ thủy điện Tuyên Quang được hoàn thiện đưa vào sử dụng. Lòng hồ rộng hơn 8.000ha chặn dòng, cá bỗng, cá lăng, cá dầm xanh, anh vũ… lớp lớp như dòng thác kéo về. Mỏ cá ấy đã níu chân những người làng Đồng Chương, xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương neo lại ở Bến Thủy, lập những gia đình nhỏ, sinh con đẻ cái gắn bó với quê mới.
Bà Trần Thị Cương là người phụ nữ nhiều tuổi nhất làng chài. Những năm đầu trên quê mới, vợ chồng bà Cương luôn nghĩ sẽ đánh thật nhiều cá, nhiều tôm, đủ vốn sẽ trở về Đồng Chương sum họp với các anh, các chị của mình. Thế mà con cá, con tôm theo những con sóng cứ lớp này nối tiếp lớp khác cuốn đi cơm áo, gạo tiền. Sông nước nơi này cũng chứng kiến những đứa trẻ con bà, cháu bà cất tiếng khóc chào đời. Rồi chúng lớn lên đứa nào cũng thạo sông nước, con đò.
Ông chồng bà đã yên nghỉ ở mảnh đất này. Bà đã già, cũng sắp hết cuộc đời. Những đứa con, đứa cháu bà đã gắn bó với vùng đất này với bao nhiêu kỷ niệm, chúng coi vùng Bến Thủy là quê hương. Bà Cương đã yêu mảnh đất này da diết.
Khu làng chài Bến Thủy có 10 hộ gia đình làm nghề chài lưới và nuôi cá lồng đặc sản. Nhà ít thì có khoảng 10 lồng, nhà nhiều có tới 60 lồng. Nghề cá đã giúp cuộc sống của họ ấm no, đổi thay.
Một quãng sông vào du lịch làng chài. Ảnh: Đào Thanh.
Sinh năm 1989, Trịnh Văn Hà trở thành ông chủ trẻ sở hữu nhiều lồng cá nhất ở khu làng chài Bến Thủy. Nhìn cách làm việc của Hà, ai cũng không dám theo nổi. Từ sáng tinh mơ, khi mặt trời còn chưa kịp treo mình trên ngọn núi Pắc Tạ Hà đã chèo thuyền đi chợ mua cá tôm để có đủ thức ăn cho 60 lồng cá của gia đình. Tiếng của Hà hòa vào tiếng sông nước vỗ rì rào, tiếng người lao xao xen lẫn tiếng trò chuyện, tiếng mặc cả nhộn nhịp náo nhiệt. Đi xong chợ sớm Hà về chăm cá, rồi lại chèo thuyền lên bờ đi giao cám cho khắp nơi ở trong, ngoài huyện.
Hà khởi nghiệp từ năm 2017, bởi 4 lồng cá. Để có 4 lồng cá ấy, Hà đã phải thế chấp bìa đỏ để vay ngân hàng cùng niềm tin của người mẹ. Bố Hà mất sớm, một mình mẹ nuôi 2 anh em khôn lớn. Sự thiếu thốn tình cảm của người cha khiến Hà tự lập từ nhỏ và luôn có ý chí khát vọng vươn lên mãnh liệt.
Những lồng cá bằng gỗ của Hà được dựng lên bằng kinh nghiệm làm trang trại chăn nuôi những ngày ở trên cạn. Lại thêm làm đại lý cung cấp thức ăn cho cá nhiều năm nên Hà rất thuận lợi trong việc hỏi tư vấn kinh nghiệm chăm sóc cá từ các mối quen. Sau dịch covid-19, giá cá tăng cao, Hà thu về những cọc tiền cao gấp mấy lần số tiền đã vay của ngân hàng. Anh lấy tiền đó mở rộng quy mô lồng nuôi. Từ 4 lồng cá ban đầu giờ số lồng cá đã tăng lên 15 lần. Mỗi lồng cá có giá trị trung bình hơn 100 triệu đồng, như vậy Hà sở hữu khối tài sản hơn 6 tỷ đồng.
Trịnh Văn Hà, người sở hữu nhiều lồng cá nhất ở làng chài Bến Thủy. Ảnh: Đào Thanh.
Toàn huyện Na Hang hiện có trên 100 hộ dân, 2 HTX và 3 doanh nghiệp tham gia nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Các loại cá đặc sản đem lại giá trị kinh tế cao được nuôi chủ yếu như cá chiên, cá lăng, cá bỗng... tổng sản lượng đạt trên 550 tấn/năm. Nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh nhất tại thị trấn Na Hang và xã Sơn Phú, Yên Hoa, Đà Vị, thị trấn Na Hang.
Của hồi môn là sông nước vời vợi
Để sang được khu nhà nổi ở làng chài, trước hết phải đi qua một chuyến đò đặc biệt. Chuyến đò ấy không có người lái. Muốn qua bến bên kia, du khách sẽ trở thành người lái thuyền, chỉ cần cầm chiếc dây thừng kéo nhẹ là thuyền sẽ lướt trên sóng nước để cập bến.
Khu nuôi cá lồng đặc sản của gia đình Vi Ngọc Anh. Ảnh: Ngọc Thú.
Qua chuyến đò đặc biệt, ở bên kia khu nhà nổi, cậu trai trẻ Vi Ngọc Anh đã nở nụ cười thân thiện chào đón. Ngọc Anh là người Phú Thọ, lên vùng lòng hồ Na Hang làm thuê cho một ông chủ làm nghề nuôi cá lồng. Ông chủ có khu nuôi cá lồng lớn nhất vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. Làm việc ở đây, Ngọc Anh học được các kỹ thuật chăm sóc cá, học được cách kết nối thị trường…
Ở vùng sông nước này, Ngọc Anh làm quen một cô gái đi giao cá mồi (loại cá nhỏ, cá tạp được mua về để làm thức ăn cho cá ăn đặc sản nuôi trong lồng). Cô gái trẻ ấy tên là Phạm Thị Hoài có làn da rám nắng của người vùng sông nước.
Những ánh mắt chạm vào nhau e thẹn, cái nắm tay khẽ khàng đã khiến trái tim hai đứa rung động. Thế là cuộc đời của họ níu vào nhau như những mắt lưới. Đám cưới được tổ chức không lâu sau đó.
Cá bỗng, một trong những loài cá đặc sản nổi tiếng ở lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Cưới Phạm Thị Hoài về làm vợ, mẹ của Hoài bảo với Ngọc Anh: “Của hồi môn là cả vùng sông nước vời vợi, con muốn bao nhiêu cũng có”. Nằm trong ngôi nhà nhỏ trên sông, Ngọc Anh biết rằng, thách thức với đôi vợ chồng anh cũng mênh mông như nước mặt hồ.
Đàn cá gặp mồi ríu rít cả lên. Ngọc Anh chia sẻ, nhìn đàn cá háu đói, khỏe mạnh như thế nhưng luôn tiềm ẩn rủi ro nếu không hiểu về nó. Có những lần chưa đủ kinh nghiệm, dù trời nắng nóng, anh vẫn đưa lồng cá lên mặt nước để kiểm tra sức khỏe. Ngay hôm sau, cả đàn cá nổi trắng mặt lồng. Hỏi chuyên gia mới biết nguyên nhân, do cá bị sốc nhiệt. Rồi chuyện tiếp cận vốn vay của Nhà nước cũng khó khăn. Nhà nổi với những bè cá nhiều đấy nhưng không phải là tài sản dễ dàng khi làm thủ tục thế chấp vay tiền ngân hàng…
Du khách trải nghiệm ở khu làng chài.
Được sự giúp đỡ của mẹ vợ và anh em họ hàng, chuyện khó khăn về nuôi cá được đôi vợ chồng trẻ từ từ tháo gỡ. Giờ thì gia đình Ngọc Anh đã có số vốn liếng kha khá với 20 lồng cá, chủ yếu nuôi cá lăng, cá bỗng và cá rô phi. Năm 2020, vợ chồng Ngọc Anh thành lập HTX du lịch Làng Chài. Anh bỏ tiền ra để xây dựng bãi đỗ xe nhỏ cùng các bậc lên xuống bến thuyền đi sang làng chài… Anh kéo các thành viên trong xóm vào một tập thể, cùng bàn nhau chuyện chăn nuôi cá lồng. Anh mở nhà hàng nổi rộng khoảng 500m2 gồm các nhà bằng tre trúc, có khuôn viên trồng hoa cây cảnh, có phòng nghỉ sạch sẽ. Cá thì dưới các lồng tươi ngon mang lên làm thịt theo yêu cầu của khách.
Ngọc Anh cũng liên kết với những người có thuyền, đặt cỗ cho khách để đón các tua tuyến. Mùa hè này khách về Bến Thủy rất đông, họ đi tham quan lòng hồ rộng mênh mông, nước trong xanh, ngắm những ngọn núi cao ngất chồng chất lên nhau trải dọc khu lòng hồ tựa như vịnh Hạ Long trên núi. Họ thích thưởng thức món cá nuôi trên lòng hồ tươi ngon, thích nghe một vài điệu then, điệu cọi của đồng bào dân tộc thiểu số giữa sóng nước mênh mang...
Con cá trắm đen nặng hơn 10kg tại khu du lịch làng chài của Vi Ngọc Anh: Ảnh: Đào Thanh.
Ở trên lòng hồ thủy điện, những ngày tháng 7, tháng 8 là mùa mưa bão về, có những hôm gió lớn nổi khắp trời. Gió ầm ầm chạy qua khe núi, lùa dưới đáy hồ tạo thành những đợt sóng thật mạnh. Ngôi nhà nổi chông chênh. Những cánh cửa vội đóng lại… Ngọc Anh bảo rằng: “Nuôi cá lồng và phát triển du lịch trên lòng hồ hiện đang khá thuận lợi đấy, nhưng khó khăn luôn có thể ập đến như những cơn bão của trời".
HTX Làng Chài hiện có 7 thành viên với gần 200 lồng cá, sản lượng gần 200 tấn/năm, trong đó nuôi cá lăng là chủ yếu, đầu ra tương đối ổn định, thị trường tiêu thụ chính ở Hà Nội. Khó khăn lớn nhất của HTX là được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển bởi các loài cá đặc sản thường có thời gian nuôi kéo dài hơn 2 năm, trong khi đầu ra không phải lúc nào cũng thuận lợi.