Nỗ lực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

30/03/2024 - 08:29
60

Xác định rõ vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tỉnh không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, cụ thể hoá các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh gắn với nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Qua đó góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung đổi mới phương thức hoạt động; Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hội nghị quán triệt, tuyên truyền nghị quyết bằng hình thức trực tiếp, kết hợp với trực tuyến đến chi hội trưởng và hội viên nông dân.

Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới, tập trung tuyên truyền theo chủ đề, chủ điểm thông qua sinh hoạt chi hội, các câu lạc bộ, trang thông tin điện tử, trang fanpage, nhóm facebock, zalo; các ấn phẩm Báo Tuyên Quang; Báo Nông thôn ngày nay; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các hoạt động văn hóa, văn nghệ.

Lãnh đạo tỉnh tham quan gian hàng bán các sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Một số hoạt động lớn của Hội được truyền hình trực tiếp trên trên các nền tảng mạng xã hội của Báo Tuyên Quang online. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập các chi hội/tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật, thúc đẩy sản xuất sản phẩm hàng hoá liên kết theo chuỗi giá trị.

Đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập trên 300 chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản. Trong đó, có gần 50 tổ hội nghề nghiệp tham gia hoạt động tổ chức sản xuất sản phẩm hàng hóa liên kết theo chuỗi giá trị và sản xuất sản phẩm OCOP của địa phương. Ngoài ra, các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn thành lập được trên 100 hợp tác xã, tổ hợp tác, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển kinh tế tập thể ở địa phương.

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là then chốt của các phong trào thi đua. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động, các cấp Hội đã tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.

Qua đó, hằng năm tỉnh có hàng chục nghìn hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có trên 209.170 lượt hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng năm 2023, toàn tỉnh có trên 35.000 hộ hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, 2 nông dân được tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, 1 Hợp tác xã được biểu dương “Hợp tác xã tiêu biểu”; 3 hội viên được vinh danh “Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang” năm 2023...

Điển hình, như: mô hình Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương); mô hình Hợp tác xã nông nghiệp cao Việt Bắc, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang); sản xuất và chế biến sản phẩm từ cây chanh, mô hình chăn nuôi lợn của hội viên Bế Văn Huy, xã Phù Lưu (Hàm Yên)...

Các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi các cấp của Hội không chỉ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn là những hạt nhân tích cực trong việc tương thân, tương ái đóng góp xây dựng địa phương. Từ đó, góp phần tạo nền tảng quan trọng giúp các địa phương hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Nhờ cần cù và mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, hội viên Trần Mạnh Thắng, thôn An Ninh, xã Vinh Quang (Chiêm Hoá) đã phát triển thành công mô hình kinh tế VACR. Hiện gia đình ông có 2 trang trại với tổng diện tích trên 23 ha. Trong đó có 4 ha trồng chuối, 14 ha bưởi, 3 ha chè, 2 ha cây keo và 1,5 ha ao chăn nuôi cá.

Ngoài ra, hàng năm ông nuôi thêm hơn 200 con gà thịt. Bình quân doanh thu từ mô hình kinh tế đạt từ 600 đến 800 triệu đồng/năm. Trang trại của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 20 lao động thời vụ, với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là tấm gương điển hình đầu tàu trong các hoạt động xã hội ở địa phương. Thực hiện chương trình bê tông hoá đường nông thôn, gia đình ông Thắng đã hiến 70m2 đất và 1 triệu đồng làm đường; tích cực đóng góp, ủng hộ các loại quỹ.

Ngoài ra, các cấp hội còn tổ chức quản lý tốt các Chương trình cho vay trâu, bò theo các Quyết định của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của Uỷ ban nhân dân tỉnh, luân chuyển 203 con trâu, bò. Đến nay tổng số hộ hưởng lợi từ chương trình là 4.978 hộ.

Song song với việc khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, tạo điều kiện vay vốn, cung ứng vật tư phân bón trả chậm, tập huấn khoa học kỹ thuật, kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và chuyển đổi số, phối hợp mở các gian hàng OCOP...

Đến nay, tổng vốn quỹ hỗ trợ nông dân đạt trên 37 tỷ đồng; nguồn vốn vay qua các Ngân hàng trên 2.700 tỷ đồng. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh hướng dẫn hội viên lập trên 9.000 tài khoản trao đổi mua bán hàng hoá, đưa 44 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn...

Bà Triệu Thị Duyên, thôn 5, xã Quý Quân (Yên Sơn) chia sẻ: các hoạt động tư vấn, hỗ trợ vay vốn, khoa học kỹ thuật đã giúp người nông dân có thêm nguồn vốn, kiến thức thực hiện mô hình kinh tế hiệu quả. Từ đó, giúp người nông dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. 

Qua các hoạt động đã từng bước góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá, giảm nghèo bền vững cho hội viên nông dân, đồng thời, nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực gắn với xây dựng nông thôn mới.

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở
Giấy phép hoạt động số: 14/GP-TTĐT ngày 04/03/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 108, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822.637 - Fax: (0207) 3822.704 - Email:nongnghiepptnt@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang