Nuôi nhím mang lại hiệu quả kinh tế cao

07/10/2024 - 10:23
54

Ông Phan Văn Chiến (70 tuổi), được biết đến là người đầu tiên nuôi nhím và phát triển nghề nuôi nhím ở thôn 1 xã Lưỡng Vượng (TP. Tuyên Quang), nhờ chăn nuôi nhím mà gia đình ông cùng bà con trong thôn có cuộc sống khấm khá và phát triển nghề chăn nuôi nhím sinh sản và thương phẩm tại địa phương.

Trước đây thu nhập chính của gia đình ông chủ yếu từ nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi bò. Năm 2009, khi bò rớt giá và không còn nhiều diện tích đất đồi để chăn thả. Ông nhận thấy cần tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu ở các trại nuôi nhím trên địa bàn tỉnh, ông Chiến nhận thấy, mặc dù nuôi nhím không phải là mô hình mới nhưng tại nhiều nơi chăn nuôi nhím phát triển có hiệu quả, nên ông quyết định học kinh nghiệm chăn nuôi nhím và mua giống về nuôi. 

Tháng 2 năm 2009, ông mua 5 con nhím giống với giá 8 triệu đồng/đôi. Ông bảo rằng thời điểm đó ông bán 6 con bò trưởng thành mới mua được 5 con nhím giống. Ông tận dụng khu chuồng nuôi lợn cũ của gia đình, cải tạo ngăn ô để làm chuổng nuôi nhím vừa nuôi ông vừa tự mày mò, rút kinh nghiệm. Chỉ sau 1 năm chăm sóc, ông đã bán được 14 triệu đồng/đôi nhím con và lấy lại được vốn đầu tư. Có tiền, ông tiếp tục đầu tư mua nhím cái và nhân giống, mở rộng khu chăn nuôi. Hiện nay, ông đã phát triển được 4 khu chuồng nhím với 26 ô nuôi, tổng đàn nhím của gia đình ông có thời điểm lên đến hơn 70 con, hiện nay ông luôn duy trì nuôi 50 con, trong đó có 24 nhím cái đang sinh sản. Sau quá trình chăn nuôi ông nhận thấy, nhím dễ nuôi, thức ăn đa dạng, dễ kiếm như: rau, ngô, sắn, lạc, đu đủ,... không mất nhiều thời gian chăn nuôi và hầu như không bị bệnh.  Do nhím là loài động vật hoang dã nên khi xác định chăn nuôi ông đã xin cấp giấy phép chăn nuôi động vật hoang dã của Chi cục Kiểm lâm và hàng năm tham gia các lớp tập huấn chăn nuôi do các cơ quan chuyên môn tổ chức tại xã.

KN2.B4..jpg

Ông chiến tận dụng thời gian cuối buổi chiều chăm sóc đàn nhím

 Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, ông Chiến cho biết: Chuồng nuôi nhím khá đơn giản ông xây dựng thành dãy chuồng nuôi với mỗi ô nuôi có chiều cao 0,8 m, chiều rộng 1,1m chiều dài 1,5m để thuận tiện chăm sóc; có rãnh thoát nước và luôn bảo đảm nền chuồng sạch sẽ, khô thoáng. Hàng ngày, ông chỉ cần cho ăn 1 lần vào chiều tối, ông thường cho ăn các thức ăn xanh như rau củ tươi trước, sau đó cho nhím ăn thức ăn tinh: ngô, lạc hoặc hỗn hợp trộn (hỗn hợp phối trộn gồm: Bột sắn, ngô + thóc nghiền + nước sau đó nắm lại), cho ăn với lượng 150 gam/con. Đối với nhím sinh sản ông cho ăn bổ sung thêm thức ăn như: Ngô non, đu đủ chín, lạc… mùa hè tắm cho nhím kết hợp với việc rửa sạch chuồng 2-3 ngày/lần; định kỳ phun thuốc diệt khuẩn khu vực chuồng trại.  Nhím đẻ 2 lứa/năm, tập trung vào 2 thời điểm đó là từ tháng 1 đến tháng 3 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm và mỗi lần sinh ra từ 1 đến 3 nhím con; nuôi nhím khoảng từ 2 - 3 tháng thì xuất giống; nhím con từ lúc sinh ra đến khi trưởng thành và lên giống sinh sản từ 8 đến 12 tháng, nhím trưởng thành có trọng lượng trung bình khoảng 10 - 17kg. Với giá bán trên thị trường 2.700.000 - 3.000.000 đồng/cặp nhím giống, giá nhím thịt thương phẩm 200.000 - 250.000 đồng/kg. Hiện nay ông chủ yếu chăn nuôi bán nhím giống, năm 2023, ông bán hơn 30 cặp giống thu về gần 100 triệu đồng, từ đầu năm 2024 đến nay ông đã thu gần 60 triệu đồng tiền bán nhím. 

Ông Chiến chia sẻ: Nuôi nhím đến nay được gần 15 năm, có thời điểm giá nhím cao như năm 2011 giá lên đến 18 triệu đồng/cặp nhím giống, nhưng cũng có thời điểm giá nhím xuống thấp, khó tiêu thụ chỉ vài trăm nghìn/kg. Nhưng ông vẫn xác định phải nuôi duy trì, vì theo ông nhím là con vật hoang dã số lượng trong tự nhiên ngày càng ít mà nhu cầu của thị trường vẫn có nhiều và chăn nuôi nhím đơn giản ai cũng có thể làm được lại không cần nhiều công chăm sóc có thể tận dụng thời gian rảnh vào cuối ngày, thức ăn đơn giản, dễ kiếm và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả. 

Thôn1- Lưỡng Vượng có trên 90 hộ là người dân tộc Cao Lan, sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Sau khi thấy ông Chiến chăn nuôi nhím có hiệu quả, nhiều hộ dân trong thôn đã đến học hỏi kinh nghiệm và mua giống về phát triển chăn nuôi.  Đến nay, thôn đã có 20 hộ chăn nuôi nhím, trong đó có nhiều hộ đã phát triển nuôi nhím như gia đình ông Đỗ Văn Bộ hiện nay có nuôi 100 con, hộ gia đình ông Vương Văn Thông nuôi 50 con… Từ chăn nuôi nhím, nhiều hộ đã có của ăn của để kinh tế phát triển ổn định. 

Tháng 8 - 2021, ông Chiến vận động các hộ cùng tham gia thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi nhím sinh sản và thương phẩm với 11 thành viên tham gia và ông Chiến được bầu làm tổ trưởng. Đến nay, đã có 18/20 hộ tham gia Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi nhím. Ông liên hệ với các khách hàng giúp các hộ tiêu thụ nhím giống và nhím thịt. Ông Chiến cho biết thêm, hiện nay đầu ra cho sản phẩm đã ổn định, tuy nhiên vẫn chưa đủ nguồn cung cấp thường xuyên theo nhu cầu của khách hàng. Tới đây, ông sẽ tiếp tục vận động các thành viên mở rộng quy mô chăn nuôi. Không chỉ nuôi nhím, ông Chiến còn trồng 2 ha keo, 8 sào ruộng, duy trì nuôi ong lấy mật xung quanh vườn nhà và nuôi thêm 3 con bò sinh sản, trong đó có 2 con chuẩn bị đẻ. Thu nhập mỗi năm của ông đạt hơn 120 triệu đồng.

Ông Vũ Duy Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Lưỡng Vượng cho biết: Mô hình nuôi nhím của gia đình ông Chiến không những giúp nâng cao thu phập, phát triển kinh tế gia đình mà còn phát triển nghề nuôi nhím tại thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở
Giấy phép hoạt động số: 14/GP-TTĐT ngày 04/03/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 108, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822.637 - Fax: (0207) 3822.704 - Email:nongnghiepptnt@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang