Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bắt đầu cuộc hội nghị chiều 16.5 tại Hà Nội, như sau: “Tôi đọc trên Người Đô Thị về anh Lê Hoàng Thế đi trồng rừng 10 năm nay để đạt chuẩn rừng FSC của thế giới rồi bắt đầu trồng nấm linh chi dưới tán rừng đạt chuẩn 100% Organic Reishi Mushroom của USDA Organic nhằm tăng sinh kế cho người trồng rừng. Xong anh lại cùng nhà máy dược phẩm Đồng Tháp làm ra sản phẩm đạt chuẩn FDA để bán rất chạy trên Amazon Global Selling ở Mỹ. Lại còn tính toán thêm về nền kinh tế trải nghiệm theo kiểu agritourism. Tôi nghĩ việc này có ích cho suy nghĩ của chúng ta ở nhiều khía cạnh…”.
Nền kinh tế xanh lam
Câu chuyện bắt đầu từ cuộc điện thoại giữa bộ trưởng và bà Nguyễn Thế Thanh, thành viên hội đồng biên tập Tạp chí Người Đô Thị để hỏi thăm bài viết Lê Hoàng Thế - Người mở đường tận tụy đăng trên số báo 131. Xong bộ trưởng gọi điện cho tiến sĩ Thế, nói vài câu thì hóa ra là hai người vừa đồng hương Cao Lãnh - Đồng Tháp, vừa gần nhà nhau mà đi một vòng trái đất mới tìm ra nhau. Vậy là họ hẹn nhau ở Cao Lãnh để cùng đi xem mô hình.
Tối đó, gỗ cây keo lai từ rừng Cà Mau của ông Thế được chở về. Phải là gỗ từ Cà Mau vì nó đảm bảo các tiêu chuẩn khai thác rừng quốc tế lẫn chuẩn trồng không can thiệp hóa chất. Sớm tinh mơ, khi những người nông dân trồng nấm vừa bắt đầu xuống những phôi tơ nấm đầu tiên vào đất thì bộ trưởng tới.
Ông hỏi từng chi tiết một, tất cả đều là câu hỏi “vì sao” rồi có vẻ suy nghĩ nhiều. Họ lại cùng nhau tới khu vực sản xuất phôi tơ nấm của ông Thế, nằm trong một căn nhà diện tích chưa đầy 200 mét vuông sau lưng nhà máy Dược phẩm Domesco Đồng Tháp. Bộ trưởng có vẻ hào hứng khi thấy phòng thí nghiệm, cấy ghép đều có vẻ đơn giản, phôi tơ nấm xếp thành hàng trong các thùng nhựa. Ông nói: “Đơn giản như vầy mới nhân rộng mô hình ra được”.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trong cuộc gặp TS. Lê Hoàng Thế (phải) tìm hiểu mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng.
Rồi mọi người quay về phòng họp. Tôi nghe lỏm, thấy ông bộ trưởng gọi điện, nhắn tin cho thêm nhiều người tới dự họp dù hôm đó là sáng Chủ nhật. Có phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp phụ trách kinh tế nông nghiệp, có lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Khởi nghiệp, có thêm tổng giám đốc doanh nghiệp dược phẩm…
Ông Thế trình bày rất ngắn về nông nghiệp tái sinh, một hợp phần quan trọng của nền kinh tế tuần hoàn. Ông bộ trưởng đưa đoạn video phỏng vấn GS-TS. Gunter Pauli - tác giả tập sách Nền kinh tế xanh lam để chiếu cho mọi người xem. Đây chính là quyển sách mà từ nhiều năm nay, hầu như ở phiên hội nghị nào, ông bộ trưởng cũng mang theo hơn chục quyển để tặng những người mà ông tin rằng họ cần đọc.
Trong lúc mọi người xem phần chia sẻ trên màn hình “Nếu chúng ta trồng được nấm thì từ phụ phẩm của cây cà phê chúng ta sẽ có nấm và cà phê. Nếu sau khi thu hoạch được nấm, chúng ta có thể dùng chất thải từ nấm để làm thực phẩm bổ sung cho động vật, thủy sản, thuốc phòng ngừa các bệnh về nấm cho thực vật… Như vậy, sẽ có đến 4 sản phẩm thay vì chỉ 1. Điều này chưa hẳn phải dùng công nghệ hiện đại gì cả. Vấn đề là Việt Nam cần nhìn về nền kinh tế xanh lam theo một cách mới mà thôi”, thì ông bộ trưởng đã nhắn tin ngược ra Hà Nội để trao đổi với nhiều đơn vị có liên quan.
Đi tìm giá trị đa dụng của rừng
Hơn 8 giờ sáng, bộ trưởng lấy từ trong cặp ra một tờ giới thiệu sản phẩm và một gói sản phẩm nho nhỏ. Ông nói ông mang về từ một cuộc gặp cấp bộ trưởng và lãnh đạo tỉnh của Nhật Bản, nơi mà lãnh đạo nào cũng mang theo gì đó để chào hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm của mình. Rồi ông kể hình ảnh ấn tượng nhất về việc cựu nguyên thủ quốc gia của Nhật khệ nệ khiêng một thùng quýt đến tặng Thủ tướng Việt Nam. Và điều này làm ông nhớ hoài, suy nghĩ hoài.
TS. Lê Hoàng Thế giới thiệu với Bộ trưởng Lê Minh Hoan quy trình sản xuất phôi tơ nấm linh chi ở Đồng Tháp.
Từ nền kinh tế xanh lam, ông bộ trưởng nói sang nền kinh tế trải nghiệm, và đưa ra vài đề nghị để đẩy nhanh tốc độ gia tăng giá trị của việc trồng nấm dưới tán rừng, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và tìm kiếm các tầng nấc khác nhau của nền kinh tế. Ông nói tuần sau ra Hà Nội tiếp tục câu chuyện này.
Hà Nội mùa này nóng kinh khủng. Ông Lê Hoàng Thế đã ngoài 60 tuổi, sau bao năm “chinh chiến” ở nhiều nơi trên thế giới đã chọn về Việt Nam làm “lâm dân”, như ông tự nhận. Ông Thế khệ nệ bưng bốn chậu nấm nặng khiếp từ Đồng Tháp ra, để lại dấu đất vương trên nền nhà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rồi bắt đầu trình bày 7 lợi ích từ một cục gỗ cây keo lai.
“Đây là một cục gỗ cây keo lai Thế trồng ở Cà Mau, giá bán hiện giờ là 1,5 triệu đồng một tấn vì mình chỉ lấy gỗ nhỏ từ cành. Cục này 2 ký nên giá chừng 3.000 đồng, mình biến nó thành phôi tơ nấm sau khi cấy meo nấm linh chi đã có tên trong bản đồ gene của thế giới, đưa lâm dân trồng dưới tán rừng sau chừng 4 tháng thì ra được sản phẩm dược liệu chuẩn thế giới…
Chúng ta có nguyên liệu hữu cơ sinh học làm ra nhiều sản phẩm khác nhau. Chúng ta có thêm gỗ lớn nhờ lâm dân có sinh kế nên tiếp tục trồng và giữ rừng. Rừng đạt chuẩn FSC thì giá trị cao hơn. Đất organic thì có thể tính chuyện carbon credit. Cộng đồng phát triển bền vững thì có thể làm kinh tế rừng theo hướng agri herbal heritage - di sản thảo dược nông nghiệp… Chỉ cục gỗ 3.000 đồng này, chúng ta có thể làm được nhiều điều thần kỳ như tên của cây nấm linh chi mà ông bà ta đặt cho nó từ ngàn xưa là tiên thảo dược…” - ông Thế nói.
TS. Lê Hoàng Thế trình bày về nông nghiệp tái sinh với mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng, tại hội nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiều 16.5.
Cuộc hội nghị ở Hà Nội có đủ các vụ trưởng, cục trưởng và viện trưởng liên quan đến nông lâm nghiệp y sinh. Mỗi người nhìn câu chuyện ở một góc khác nhau. Ông giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì đứng lên đề nghị làm ngay việc trồng nấm, bộ trưởng nói phải làm tour du lịch mùa tìm nấm chứ. Ông Cục trưởng Cục Kiểm lâm nói cái này anh em kiểm lâm và người giữ rừng làm rất tiện, ông bộ trưởng nói đúng rồi, một khoảnh đất nhỏ ngay chốt kiểm lâm trồng nấm cũng giúp được nhiều thứ. Giáo sư viện trưởng viện nghiên cứu nói thêm là mô hình gọn nhẹ đơn giản vầy ai cũng trồng được vì suất đầu tư thấp và trồng dược liệu dưới tán rừng sẽ cho dược tính cao hơn nhiều…
Chỉ có vài ngày chuẩn bị nhưng cuộc hội nghị khiến ai cũng hào hứng. Hơn 5 giờ chiều, bộ trưởng kết luận: “Hôm nay chúng ta tiếp cận mô hình này để làm chất liệu cho việc suy nghĩ về nền kinh tế nông nghiệp nhiều giá trị, về kinh tế rừng cộng hưởng từ công trình nghiên cứu khoa học, tiếp cận thế giới và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, lại khai thác được vòng tuần hoàn của sản phẩm. Nhiều ý tưởng, cần từng bước lên kế hoạch, có thể làm kết hợp công tư, thành lập một taskforce - nhóm hành động chủ chốt kết hợp nhiều bộ phận với nhau. Giá trị đa dụng của rừng Việt Nam là cần bảo tồn và khai thác. Mảnh ghép hôm nay là để chúng ta suy tư nhiều hơn về giá trị rừng vàng biển bạc của chúng ta”.