Vai trò của cộng đồng trong công tác phòng, chống thiên tai là vô cùng quan trọng.
Cộng đồng chung tay phòng, chống thiên tai
Ngày 13/7/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” (Đề án 1002).
Theo báo cáo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), thực hiện hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chuyên môn ở Trung ương, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân.
Cụ thể, các địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phổ biến rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng bằng nhiều hình thức, nhất là mạng xã hội. Tính đến hết tháng 12/2020, đã tổ chức 930 buổi biểu diễn, hội thi có lồng ghép nội dung giảm nhẹ rủi ro thiên tai và hơn 1,6 triệu các hoạt động truyền thông khác về phòng, chống thiên tai.
Trong công tác tổ chức diễn tập và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, các địa phương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn, các tổ chức trong và ngoài nước (bao gồm lực lượng Quân sự, Công an, Hội chữ thập đỏ tỉnh, lực lượng dân quân tự vệ, đội xung kích các xã,…); tổ chức được 983 đợt diễn tập tình huống tại 301 xã trên cả nước. Lắp đặt 2.914 hệ thống, thiết bị truyền tin, cảnh báo thiên tai tại cộng đồng; xây dựng 5.324 công trình quy mô nhỏ kết hợp phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại cộng đồng.
Trong năm 2020, các địa phương đã nhận bàn giao 4.000 căn nhà kiên cố cho nhân dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ, ngập lụt.
Trong việc xây dựng mô hình điển hình về nâng cao năng lực cộng đồng, mô hình câu lạc bộ truyền thông “sống chung với lũ” đã được thực hiện tại các ấp của 24 xã thuộc tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp và một số tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu giảm nhẹ thiệt hại do đuối nước trong mùa thiên tai.
Mô hình lập kế hoạch phòng, chống thiên tai và phát triển sinh kế có sự tham gia của cộng đồng, với sự hướng dẫn trực tiếp của Hội phụ nữ, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên. Mô hình trông giữ trẻ tập trung; mô hình đưa rước trẻ trong mùa mưa lũ đã được thực hiện tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp vào mỗi mùa lũ. Mô hình chủ động thực hiện nâng cao lực cộng đồng tại địa phương được tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện rất tốt.
Các địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và phổ biến rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng bằng nhiều hình thức. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN.
Qua hơn 10 năm thực hiện Đề án, năng lực của người dân đã từng bước nâng cao, chủ động hơn trong phòng ngừa, ứng phó với các tình huống thiên tai, đồng thời nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, nhờ đó giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.
Năng lực, nhận thức của cộng đồng là nền tảng
Tăng cường xây dựng năng lực cho cộng đồng để nâng cao khả năng chống chịu và ứng phó với các rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu toàn cầu là nhiệm vụ mang tính chiến lược trong công tác phòng, chống thiên tai.
Ngày 6/4/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” (Đề án 553).
Mục tiêu chung của Đề án 553 là nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai; góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai gây ra.
Đề án 553 được phê duyệt đã điều chỉnh với nhiều nội dung, nhiệm vụ mới để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình thiên tai hiện nay. Đồng thời, kế thừa nhiều bài học kinh nghiệm cũng như mô hình điển hình về nâng cao nhận thức cộng đồng, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện từ giai đoạn trước để các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng ngày càng được triển khai rộng rãi, hiệu quả và bền vững.
Cần hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia
vào công tác phòng chống thiên tai của đại đa số người dân
Ngay sau khi Đề án 553 được ban hành, chỉ trong thời gian ngắn, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tham mưu, trình Bộ NN-PTNT ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án. Phê duyệt kế hoạch hàng năm và 5 năm thực hiện Đề án 553 của Bộ NN-PTNT, gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Ký kết Chương trình hợp tác với Hội Người cao tuổi Việt Nam trong việc triển khai thực hiện Đề án 553 đến năm 2025. Kêu gọi một số nhà tài trợ, tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nguồn lực thực hiện Đề án. Xây dựng các tài liệu kỹ thuật, tuyên truyền về công tác phòng tránh và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các đối tượng cụ thể.
Tổ chức cuộc thi “Sáng tác lời mới về công tác phòng chống thiên tai theo các làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền”; tiếp tục tổ chức Giải báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai lần thứ 2; Gameshow “Đội xung kích phòng chống thiên tai”, phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc, hướng dẫn xây dựng kế hoạch Phòng chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 với gần 1.000 điểm cầu tham dự của các cấp ở 63 tỉnh/thành phố.
Trong thời gian tới, để việc triển khai Đề án 553 đạt được hiệu quả, cần phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cộng đồng trong phòng chống thiên tai, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; hướng dẫn các địa phương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các nội dung của Đề án.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ chính quyền, cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai các cấp; giáo viên, học sinh, sinh viên; trưởng thôn, già làng, trưởng bản, người có uy tín tại cộng đồng; doanh nghiệp; đội ngũ phóng viên; các tổ chức hội, đoàn thể; cư dân các vùng miền; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua nâng cao nhận thức cộng đồng.
Triển khai thí điểm các dự án cảnh báo sớm lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt tại một số vùng thường xuyên bị thiên tai.