Sản phẩm OCOP xứ Tuyên được ưa chuộng
Trở về từ Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2023 vào cuối tháng 11/2023, chị Minh Hà ở Minh Khai (Hà Nội) chở theo đầy một xe ô tô nào măng, miến, nấm hương, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa, chè Shan tuyết Hồng Thái rồi thịt trâu khô Tiến Thành, thịt lợn khô Sáng Nhung, mật ong bưởi Yên Sơn… Chị bảo thế là Tết Giáp Thìn yên tâm để có quà biếu Tết và gia đình sử dụng bởi đây là những sản phẩm đã được gia đình sử dụng nhiều năm nay và cảm thấy rất hài lòng.
Còn chị Phạm Minh Yến, một tiểu thương ở chợ Ngã Tư Sở (Hà Nội) có thể kể tên vanh vách một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của Tuyên Quang như: Chè Shan Tuyết 01 tôm 01 lá của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang; Chè Xanh Ngọc Thuý, Trà Ngọc Thuý của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (huyện Yên Sơn); Mật ong hương rừng của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ xã An Khang (thành phố Tuyên Quang); Trà đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá… Theo chị Yến, khách hàng của chị rất thích những sản phẩm này nên đều đặn hàng tháng người nhà chị ở Tuyên Quang đều chuyển xuống cho chị bán. Dịp gần Tết Giáp Thìn, số khách đặt mua trà cũng tăng mạnh.
Có thể kể đến một số sản phẩm OCOP của Tuyên Quang được người tiêu dùng rất ưa thích như: Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá - sản phẩm OCOP 4 sao; rượu ngô Na Hang; bánh gai Chiêm Hoá, thịt trâu Hùng Mỹ, rượu nếp cất 2 lần ông Chấp, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá; chè Tân Thái Dương 168, chè xanh Làng Bát (huyện Hàm Yên); chè Xanh Ngọc Thuý, trà Ngọc Thuý, bưởi đường Xuân Vân, bưởi đường đặc sản Phúc Ninh, thịt trâu khô Tiến Thành (huyện Yên Sơn); dầu lạc Trường Thịnh, trà Long Đài, trà cà gai leo Hợp Hoà; chè xanh Trung Long (huyện Sơn Dương); Mật ong hương rừng, cá lăng, mì khô Thuật Yến (thành phố Tuyên Quang)….
Toàn cảnh Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2023
Nhiều sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đã lọt vào top những sản phẩm "Chất lượng vàng nông nghiệp Việt Nam", tiêu biểu như: rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Khau Tinh, cá hồ thủy điện Na Hang, chè Shan tuyết Sinh Long, Hồng Thái; chè đặc sản Vĩnh Tân; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, bưởi Xuân Vân đứng top 10 thương hiệu/nhãn hiệu nổi tiếng…. Đặc biệt thương hiệu chè Shan tuyết Hồng Thái là 1 trong 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương năm 2022. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Hội đồng OCOP cấp Quốc gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao. Cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà được chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Riêng Cam sành Hàm Yên là một trong 50 loại trái cây ngon nhất Việt Nam.
Vào cuối tháng 12/2023, tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, Cơ quan thường trực OCOP tỉnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức kết nối giữa các đơn vị tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh với một số chủ thể OCOP để ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đó là thỏa thuận hợp tác hỗ trợ xúc xúc tiến thương mại sản phẩm thịt lợn Sáng Nhung của HTX sản xuất chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương với Công ty TNHH OCOP Việt Nam (Phú Thọ); Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Trà túi lọc Đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa của HTX Nông nghiệp Hữu cơ Hồng Phát, huyện Chiêm Hóa với Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp hữu cơ Hòa Bình, xã Phú Lai, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình; Hợp đồng phân phối và tiêu thụ các sản phẩm OCOP của các chủ thể trên địa bàn tỉnh tại Trung tâm phân phối và bán lẻ Nông sản xanh Sáng Nhung tại 02 điểm bán hàng ở thành phố Tuyên Quang với HTX dịch vụ sản xuất, chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hoà; Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương tại hệ thống phân phối nông sản an toàn Tâm Hương với sản phẩm Bún khô Đà Vị của HTX Nông nghiệp Đà Vị, huyện Na Hang và sản phẩm dưa lưới của Công ty TNHH MTV Sơn Dương Green Farm Sơn Dương.
Lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm OCOP
Với việc ký kết các hợp đồng tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm này sẽ giúp đưa các sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước nhanh hơn, thuận lợi tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn.
Các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Tuyên Quang và giúp tiêu thụ sản phẩm OCOP rất tốt. Đến nay, đã có 20 điểm: Sơn Dương 2 điểm, Hàm Yên 01 điểm, Chiêm Hoá 3 điểm, Na Hang 4 điểm và thành phố Tuyên Quang 08 điểm; Yên Sơn 01 điểm; có 01 điểm bán các sản phẩm OCOP Tuyên Quang tại thành phố Hà Nội; còn huyện Lâm Bình 1 điểm. Có những cửa hàng bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông sản tiềm năng khác có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi tháng.
OCOP thúc đẩy tái cơ cấu nền nông nghiệp
Sau 03 năm thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025 về thực hiện Chương trình OCOP, đây cũng là năm thứ 5 triển khai thực hiện kể từ khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện chương trình trên phạm vi toàn quốc, Tuyên Quang đã đạt kết quả khá tích cực. Tỉnh đứng thứ 4 trong số 14 tỉnh miền núi phía Bắc về tổng số lượng sản phẩm OCOP.
Toàn tỉnh đã có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, vượt 7,8% mục tiêu phấn đấu về số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025; trong đó: 208 sản phẩm đạt hạng 3 sao, có 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao của 179 chủ thể, trong đó: 133 Hợp tác xã, 12 doanh nghiệp, 06 tổ hợp tác và 28 hộ kinh doanh trên địa bàn 121/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 87,7% kế hoạch mục tiêu năm 2025, điển hình có 02 huyện: Sơn Dương và Na Hang đã có 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Tuyên Quang, Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân bởi được triển khai theo nguyên tắc dân biết, dân làm và dân thụ hưởng. Mỗi địa phương có một cách làm riêng nhằm khơi dậy và khuyến khích người dân phát triển theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng và đảm bảo thương hiệu cho sản phẩm của địa phương mình.
Qua việc thực hiện chương trình OCOP đã giúp cho các chủ thể sản phẩm hiểu biết hơn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về: điều kiện an toàn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, áp dụng các quy trình trồng và chăm sóc sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP, hữu cơ...; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; biết phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhiều sản phẩm OCOP chủ lực được liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Tuyên Quang. Các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ áp dụng ngày càng nhiều hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp sạch.
Phấn đấu có nhiều sản phẩm OCOP hạng 5 sao
Với nguồn kinh phí hạn chế, tỉnh đã có chỉ đạo các ngành, các cấp lồng ghép các cơ chế, chính sách hiện hành của Nhà nước và của tỉnh để hỗ trợ các chủ thể trong việc lập hồ sơ đánh giá, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế và in bao bì, mã vạch, tem truy xuất, chứng nhận VietGap, hữu cơ, ISO, máy móc, thiết bị, nhà xưởng chế biến... đạt tiêu chí tham gia thực hiện Chương trình OCOP; xây dựng các đề tài phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP.
Thực hiện Chương trình OCOP, trong giai đoạn 2021- 2023, bằng nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Ngân sách tỉnh thực hiện theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thiết kế bao bì nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 36 nhãn hiệu sản phẩm, với tổng kinh phí trên 3,35 tỷ đồng, trong đó có 25/36 nhãn hiệu chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; có 19 hợp tác xã đã được hưởng hỗ trợ lãi suất tín dụng, với tổng tiền vay trên 27 tỷ đồng, trong đó có 10/19 hợp tác xã có sản phẩm OCOP với tổng vốn vay trên 15 tỷ đồng. Hỗ trợ 30 tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng.
Nói về định hướng triển khai chương trình OCOP của tỉnh trong thời gian tới, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng OCOP tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm tỉnh sẽ tập trung thực hiện trong năm 2024 - 2025. Theo đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về Chương trình OCOP; tuyên truyền đến chủ thể OCOP để khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của đơn vị, trên cơ sở đó mới mạnh dạn đầu tư phát triển nâng cao được chất lượng, nâng hạng sao của sản phẩm OCOP của đơn vị, của địa phương.
Các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, lựa chọn, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chi tiết về nâng cao chất lượng sản phẩm, để tiêu chuẩn hoá phát triển sản phẩm 3 sao nâng lên hạng 4 sao và hạng 5 sao. Phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra theo Kế hoạch số 90/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh là đến năm 2025, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm hạng 5 sao.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Tuyên Quang cho biết: Ngành xác định việc tổ chức sản xuất sản phẩm OCOP phải gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị. Đồng thời sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất của từng địa phương và yêu cầu thị trường. Theo đó, ngành rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết lựa chọn lộ trình ưu tiên các sản phẩm tiềm năng đạt thứ hạng sao, lồng ghép các chương trình, chính sách tập trung hỗ trợ đạt tiêu chí sản phẩm OCOP theo thứ hạng, phấn đấu đến hết năm 2025 tất cả các xã, phường, thị trấn đều có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
Ngành Nông nghiệp và các địa phương sẽ tập trung thực hiện các dự án thí điểm sản phẩm OCOP và hỗ trợ phát triển nâng cấp sản phẩm, đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn hoá sản phẩm đạt hạng 5 sao: Ưu tiên các hoạt động, nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách của tỉnh hoặc các dự án phát triển sản xuất bằng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP, mô hình điểm về hợp tác xã kiểu mới và các cơ sở chủ thể đăng ký sản phẩm đánh giá phân hạng 5 sao. Các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, lựa chọn và xây dựng kế hoạch chi tiết tiêu chuẩn hoá sản phẩm nâng hạng 5 sao.
Một mùa xuân mới đang về với mọi miền Tổ quốc, mùa xuân ấm no và hạnh phúc đang gõ cửa từng nhà. Những sản phẩm OCOP dường như cũng đang mang lại "trái ngọt" sung túc, no ấm cho mỗi gia đình, làng bản và sự đổi thay cho quê hương vùng chiến khu xưa.