Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc lúa mùa.
Theo kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện nay trên mạ và lúa mới cấy vụ mùa 2024 đã xuất hiện một số đối tượng gây hại như rầy, ruồi, bệnh khô vằn và một số dịch hại khác. Dự báo, trong thời gian tới thời tiết diễn biến phức tạp các loại sâu, bệnh hại như: ốc bươu vàng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh nghẹt rễ, bệnh lùn sọc đen… phát sinh gây hại trên mạ, lúa vụ mùa 2024 giai đoạn sau cấy đến hồi xanh - đẻ nhánh.
Chiêm Hóa là địa phương hoàn thành kế hoạch gieo cấy sớm nhất tỉnh, với trên 5.400 ha. Hiện nay, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Trên đồng ruộng của các xã, thị trấn bà con nông dân đang tập trung bón phân, chăm sóc lần 1, đồng thời dặm những khoảng lúa bị chết do gieo thưa, chuột cắn hại, chủ động lấy nước vào đồng dưỡng lúa. Gia đình bà Lê Thị Nhẫn, thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên gieo cấy được trên 2.000 m2 giống lúa Bắc Thịnh và TH9. Cũng như nhiều hộ gia đình khác trên địa bàn xã, nhiều năm nay để đảm bảo khung lịch thời vụ cho sản xuất 3 vụ trong năm, gia đình bà đã chủ động gieo cấy toàn bộ diện tích lúa mùa trước ngày 15-6. Nhờ gieo cấy đúng lịch thời vụ, đồng thời làm tốt công tác chăm sóc, đảm bảo nguồn nước nên diện tích lúa của gia đình bà Nhẫn phát triển tốt. Qua kiểm tra, một số diện tích lúa của gia đình bà xuất hiện ốc bươu vàng gây hại nhẹ. Ngoài các biện pháp do cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, như phun thuốc diệt ốc, gia đình bà huy động nhân lực, áp dụng biện pháp bắt thủ công để đảm bảo cho diện tích lúa của gia đình phát triển tốt.
Không chỉ ốc bươu vàng, đây cũng là thời điểm chuột cắn hại lúa mới cấy. Gia đình bà Lý Thị Thủy, thôn 1, xã Đạo Viện (Yên Sơn) mấy ngày nay thường xuyên huy động người trong gia đình thăm ruộng. Vụ xuân vừa qua, chuột hại lúa ở khu vực gieo cấy của gia đình bà xuất hiện nhiều hơn so với những vụ sản xuất trước, khiến gia đình bà cũng như các hộ gia đình xung quanh thường xuyên phải thăm đồng, kiểm tra lại diện tích vừa cấy. Để phòng trừ chuột cắn hại lúa mùa, ngay từ khi bắt đầu vụ cấy, bà Thủy cũng như bà con nông dân ở trong thôn đã phát dọn quang bờ bụi để hạn chế chuột làm nơi trú ngụ. Đồng thời, sử dụng các bẫy sinh học để bẫy chuột, quây bờ ni lông hạn chế chuột vào ruộng.
Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Để bảo đảm chăm sóc tốt lúa mùa, cán bộ Chi cục đã tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa, bón phân, tỉa dặm, sục bùn và phương pháp nhận biết, phát hiện, kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh trong điều kiện thời tiết vào thu, nhất là bệnh sâu đục thân để phòng trừ kịp thời. Đối với biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên mạ và lúa mới cấy chỉ sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết, ít độc với thiên địch, có hiệu quả với sâu, bệnh hại nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Báo Tuyên Quang