Ngày 11/3/2024, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn số 419/SNN-CNTYTS về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật. Theo đó, Sở Nông nghiêp và PTNT đã đề Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở, Ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể tỉnh phối hợp chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật, cụ thể:
1. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Công tác chỉ đạo
- Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh về phòng, chống bệnh Dại trên đàn chó, mèo. Tập trung tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 05/4/2022 Kế hoạch phòng chống bệnh Dại trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2030 và Kế hoạch số 271/KH-UBND ngày 27/12/2023 Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang năm 2024 của UBND tỉnh. Nêu rõ trách nhiệm của Người đứng đầu Chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu các biện pháp phòng, chống bệnh Dại; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý theo quy định.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, thống kê chính xác số hộ và số lượng chó, mèo đến từng khu dân cư, thôn, xã, phường, thị trấn; lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, mèo nhằm theo dõi, quản lý và hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin Dại và phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản báo cáo số liệu trên Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh; chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định.
(ảnh mang tính chất minh họa, nguồn internet)
b) Công tác tuyên truyền
- Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để các hộ nuôi chó, mèo nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống bệnh Dại. Thông tin kịp thời về diễn biến dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống, để người dân tự bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng và chủ động trong công tác phòng, chống, khai báo dịch bệnh.
c) Công tác giám sát dịch bệnh
- Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn chó, mèo đến từng hộ gia đình; hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt các biện pháp theo dõi, giám sát và phòng bệnh chủ động cho chó, mèo nuôi.
- Không vận chuyển, buôn bán, ăn thịt chó, mèo mắc bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân. Nếu bị chó, mèo cắn phải đến cơ quan Y tế để được tư vấn và điều trị phơi nhiễm; khi phát hiện chó, mèo có biểu hiện mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại phải báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan Thú y và Y tế để có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời.
- Tổ chức, triển khai thực hiện “Đề án phát triển vùng chăn nuôi An toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2024 - 2030” sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
d) Công tác tiêm phòng: Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện tiêm phòng đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn giai đoạn 2023 – 2025 và trên 80% tổng đàn giai đoạn 2026-2030; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung, tránh bỏ sót chó, mèo.
e) Xử lý các vi phạm về phòng chống bệnh Dại: Thành lập các đội xử lý chó thả rông, đặc biệt là tại thành phố Tuyên Quang và các thị trấn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống bệnh Dại theo quy định của Pháp luật. Tổ chức tiêu hủy chó, mèo mắc bệnh, nghi mắc bệnh Dại, ốm chết theo quy định.
f) Báo cáo về Sở Nông nghiệp và PTNT (Qua Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản): kết quả thống kê đàn chó, mèo, ký cam kết, quản lý nuôi tại các hộ gia đình trước ngày 25/3/2024; kết quả tiêm phòng và công tác xử lý các vi phạm trước ngày 25/5/2024.
2. Giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Sở
a) Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản
Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác quản lý đàn chó, mè, các biện pháp phòng, chống bệnh Dại ở động vật, thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho đàn chó, mèo đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố; tổ chức rà soát, thống kê, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó, mèo. Thực hiện giám sát lưu hành bệnh Dại để cảnh báo cộng đồng, xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh; báo cáo số liệu trên VAHIS.
Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh Dại với cơ quan Y tế để đề xuất các biện pháp phòng, chống đồng bộ.
Tổng hợp, tham mưu báo cáo kết quả thực hiện; tham mưu đề xuất kịp thời các biện pháp chỉ đạo với Sở Nông nghiệp và PTNT.
b) Trung tâm Khuyến nông
Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Dại trên động vật theo quy định. Phối hợp thường xuyên, hiệu quả với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về công tác phòng, chống bệnh Dại.
3. Đề nghị Sở Y tế: Chỉ đạo hệ thống y tế tuyến cơ sở tiếp tục phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên với Nhân viên Chăn nuôi và Thú y cấp xã đặc biệt là trong công tác tham mưu, báo cáo, thống kê đàn chó, mèo tại cơ sở.