Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh

03/08/2024 - 04:25
664

Tuyên Quang là tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có điều kiện khí hậu tự nhiên ổn định, giao thông đi lại thuận lợi, quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp khá lớn so với mặt bằng chung các tỉnh lân cận; theo niên giám thông kê tỉnh Tuyên Quang năm 2022, toàn tỉnh có trên 375 nghìn ha đất sản ...

Trong những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh; là đầu tàu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ... Nhận thức rõ vấn đề trên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh (Nghị quyết 03) về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, từ đó tạo động lực và mở ra hướng phát triển kinh tế làm giàu bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. 

Hộ-ô-Lực-Đô-thượng,-Xuân-Vân.jpg

Trang trại tổng hợp của gia đình anh Trịnh Văn Lực xã Xuân Vân (Yên Sơn)

 

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN và PTNT), đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 325 trang trại với tổng quỹ đất sử dụng là 1.482ha, trong đó phân theo lĩnh vực sản xuất có 163 trang trại trồng trọt, 115 trang trại chăn nuôi, 39 trang trại tổng hợp và 8 trang trại lâm nghiệp; hiện tại các trang trại đều hoạt động hiệu quả, đã có 82 trang trại được hưởng lợi từ Nghị quyết 03 với số tiền đã giải ngân là 31,6 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12/2023, tổng giá trị sản xuất của các trang trại trên địa bàn tỉnh đạt 711,9 tỷ đồng, tăng 9,86% so với cùng kỳ năm trước; các trang trại đã phát triển cả về quy mô và giá trị sản phẩm  hàng hoá. Vốn đầu tư xây dựng trung bình của một trang trại khoảng 1,6 tỷ đồng, chủ yếu là vốn tự có (chiếm 76%), còn lại là vốn vay, vốn liên doanh và một số nguồn vốn hợp pháp khác (chiếm 24%).

 

Có thể khẳng định kinh tế trang trại đã đóng góp giá trị sản xuất khá lớn, từng bước phát triển và chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Điển hình như:  Trang trại Chăn nuôi hộ anh Nguyễn Ngọc Sáng, xã Quyết Thắng (Sơn Dương) với quy mô 7.000 con lợn doanh thu năm 2023 đạt gần 60 tỷ đồng; trang trại tổng hợp của gia đình anh Trịnh Văn Lực ở thôn Đô Thượng 5, xã Xuân Vân (Yên Sơn) với quy mô 2,5 ha đất, năm 2023 nuôi 200 lợn nái và  chăm sóc 700 gốc bưởi đã cho doanh thu cả chục tỷ đồng; trang trại hộ anh Nguyễn Văn Vĩnh, xã Tứ Quận (Yên Sơn) trồng hơn 2 nghìn gốc cây ăn quả có múi, doanh thu hàng năm trên 2 tỷ đồng; trang trại hộ anh Đỗ Văn Hưng, xã Yên Phú (Hàm Yên) trồng 7ha thanh long, doanh thu năm 2023 đạt trên 2 tỷ đồng…

 

 Với kết quả trên cho thấy mô hình kinh tế trang trại đã góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thuỷ sản hàng hoá, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đã nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giá trị sản xuất bình quân đạt 480 triệu đồng/năm/1ha đất, đây thực sự là nguồn thu nhập mà rất nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mong đợi, ngoài ra các trang trại còn tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động hướng về nông thôn và làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững.

 

Tuy nhiên, qua số liệu tổng hợp cho thấy năm 2023 số lượng trang trại trên địa bàn toàn tỉnh giảm 3,1% so với năm 2022; đồng thời mô hình trang trại phát triển không đồng đều giữa các địa phương và giữa các lĩnh vực sản xuất. Trong tổng số 325 trang trại, chủ yếu là trang trại trồng trọt chiếm 50%, trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp chiếm 12% và trang trại lâm nghiệp là 2,46%. Các trang trại vẫn chủ yếu phát triển theo tính tự phát; một số trang trại chăn nuôi nằm trong khu dân cư chưa đảm bảo công tác an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường dẫn đến mức độ rủi do cao. Trình độ năng lực quản lý, tiếp cận thông tin về thị trường của chủ trang trại còn hạn chế, một số trang trại thiếu mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, diện tích sản xuất nông nghiệp manh mún, đan xen rất khó cho việc tạo dựng được một trang trại khép kín. Công tác quản lý đất đai đối với việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại chưa thật sự chặt chẽ, tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích vẫn xảy ra do nhu cầu thực tế phát triển kinh tế trang trại. Một số địa phương chưa chú trọng xây dựng kế hoạch và giải pháp đồng bộ; để phát triển kinh tế trang trại, còn lúng túng khi giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Sự phối hợp giữa các ngành với một số địa phương trong việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, chính sách tín dụng để phát triển kinh tế trang trại còn hạn chế; tâm lý giữ đất mặc dù không có nhu cầu sử dụng đất canh tác của một số hộ gia đình nông dân gây cản trở quá trình tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế trang trại. Đây là những rào cản không nhỏ đến mục tiêu thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế trang trại bền vững.

 

Để khuyến khích, hỗ trợ và định hướng cho các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển kinh tế trang trại, các cấp, các ngành và các địa phương cần lựa chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng đồng thời tập trung vào một số giải pháp sau:

 

Về đất đai, tiếp tục chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; hình thành các vùng trang trại tập trung với quy mô phù hợp gắn với bảo vệ môi trường; đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ trang trại, hộ gia đình nhằm tạo điều kiện cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất. Khuyến khích các hộ dân chuyển nhượng, chuyển đổi hoặc cùng tham gia sản xuất, tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất. Tích cực huy động các nguồn lực của địa phương, doanh nghiệp, chủ trang trại để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật thiết yếu ở vùng quy hoạch như: Hệ thống giao thông - thủy lợi, điện, nước…; từng bước chuyển trang trại đang nằm trong khu dân cư ra vùng quy hoạch kinh tế trang trại. Tạo điều kiện cho các chủ trang trại được tiếp cận nhiều nguồn vốn tín dụng, nhất là đối với vốn tín dụng ưu đãi với thủ tục vay đơn giản, hợp lý, có sự ưu tiên và có thể tín chấp bằng công trình đầu tư trong trang trại.

 

Về khoa học kỹ thuật, cần chú trọng đầu tư cho công tác khuyến nông, khuyến ngư; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến cho chủ trang trại như: Đưa các giống cây, giống con có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới trong chế biến, bảo quản nông sản… Hướng dẫn các chủ trang trại sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn: VietGAP, HACCP, GMP, SSOP… Hằng năm, có kế hoạch đào tạo, tập huấn cho các chủ trang trại về kỹ năng quản trị kinh doanh nhằm tìm hướng phát triển phù hợp trong cơ chế thị trường; đào tạo nghề phù hợp cho lao động làm việc ở trang trại, nhất là những lao động kỹ thuật của trang trại. Khuyến khích và đẩy mạnh mối liên kết giữa cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản bằng việc cung cấp thông tin thị trường, tư vấn định hướng cho các trang trại sản xuất những sản phẩm thị trường cần và tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các trang trại.

 

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục ban hành cơ chế chính sách đặc thù về khuyến khích, hỗ trợ các trang trại mới để phát triển kinh tế; trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ công tác dồn điền, đổi thửa và kịp thời giao đất ổn định lâu dài cho các trang trại đạt tiêu chí, tiếp tục hỗ trợ đầu tư hạ tầng, vay vốn, chế biến và xây dựng thương hiệu nông - lâm, thủy sản của tỉnh vươn tầm xa mới./.

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở
Giấy phép hoạt động số: 14/GP-TTĐT ngày 04/03/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 108, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822.637 - Fax: (0207) 3822.704 - Email:nongnghiepptnt@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang