Dự án: “Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm quả chuối tây tại các xã Kiến Thiết, Trung Trực, Lực Hành, Quý Quân huyện Yên Sơn thuộc tiểu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững”( Dự án). thực hiện với mục đích nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực của địa phương để phát triển trồng trọt nói chung và cây ăn quả (Chuối tây) nói riêng. Góp phần tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, thay đổi diện mạo nông thôn và góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm quả chuối tây theo hướng sản xuất liên kết chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; Hình thành vùng nguyên liệu ổn định, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo quy trình kỹ thuật quản lý chất lượng đồng bộ, nâng cao năng lực sơ chế, chế biến và phát triển thị trường.
Bàn giao giống, vật tư của dự án tại xã Trung Trực (Yên Sơn)
Dự án được thực hiện từ nguồn vốn dân tộc miền núi và vốn giảm nghèo bền vững với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng, TTDVNN huyện Yên Sơn đã trao hơn 36.750 cây chuối tây giống cho 02 xã Trung Trực và Kiến Thiết với sự tham gia của 53 hộ/19,3 ha và hơn 21.470 cây giống cây chuối tây cho 02 xã Quý Quân, Lực Hành với sự tham gia của 43 hộ/ 11,3 ha, và tổ chức cấp phân bón đợt 1 cho các hộ thực hiện mô hình của dự án.
Các hộ tham gia dự án được Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giống cây trồng Việt Nam tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên ký hợp đồng liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả chuối tây. Sau khi cấp giống cây trồng, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Yên Sơn và Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giống cây trồng Việt Nam đã hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc chuối tây để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Việc triển khai Dự án là hướng đi phù hợp với lợi thế điều kiện tự nhiên của huyện và nhu cầu của thị trường, là cơ hội để hình thành mạng lưới liên kết người nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân góp phần giảm nghèo bền vững tại địa phương./.
Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với UBND xã Minh Hương Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed tổ chức đánh giá mô hình trình diễn giống lúa thuần TBR 97 tại xã Minh Hương (Hàm Yên).
Ngay từ đầu vụ, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Hàm Yên đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed-chi nhánh Phú Thọ, UBND xã Minh Hương tổ chức chọn địa điểm, chọn hộ thực hiện mô hình. Mô hình được thực hiện với diện tích 1,0 ha/08 hộ tham gia tại thôn 8 Minh Tiến, xã Minh Hương, huyện Hàm Yên. Các hộ thực hiện mô hình được Công ty hỗ trợ 100% lúa giống và được cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật Công ty tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc và các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại đồng thời theo dõi, đánh giá về tình hình sinh trưởng, năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh hại của giống lúa thuần TBR97.
Qua đánh giá, giống lúa thuần TBR 97 thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, khí hậu vụ mùa năm 2024 trên địa bàn xã Minh Hương. Giống có thời gian sinh trưởng 100 ngày, thuận lợi cho việc bố trí gieo trồng cây vụ đông ưa ấm, là giống cứng cây, chống đổ tốt, đẻ nhánh khỏe, năng suất 65,9 tạ/ha (237,8 kg/sào), cao hơn so với giống đối chứng là 8,8 tạ/ha.
Đại biểu tham quan mô hình thực hiện giống lúa thuần TBR 97 tại xã Minh Hương (Hàm Yên).
Để đánh giá chính xác về năng suất, chất lượng, tính thích nghi và khả năng chống chịu sâu bệnh của giống TBR97, Trung tâm Khuyến nông đề nghị Công ty Cổ phần tập đoàn Thái Bình Seed-chi nhánh Phú Thọ, tiếp tục hỗ trợ giống lúa thuần TBR97 để thực hiện các mô hình trình diễn tại nhiều địa phương trong tỉnh để có cơ sở đánh giá đầy đủ hơn nhằm sớm đưa giống lúa thuần TBR97 ra sản xuất trên diện rộng tại tỉnh Tuyên Quang./.