Trồng rừng FSC góp phần xóa đói giảm nghèo
Trước nhu cầu sử dụng đồ gỗ ngày càng tăng cao, nhiều nông dân tại tỉnh Thanh Hóa đã chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng theo chứng chỉ FSC. Điều này giúp cho việc quản lý và khai thác rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC hiệu quả hơn, tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, chấp dứt tình trạng khai thác gỗ từ việc phá rừng.
Anh Lưu Quang Anh (thôn Kim Sơn, xã Thạch Bình, Thạch Thành, Thanh Hóa) có 2ha rừng FSC được trồng tại lô rừng thôn Liên Sơn xã Thạch Sơn từ năm 2016. Trước đó, nông hộ này trồng rừng theo Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp - WB3 và dự án 661.
“Ban đầu khi chuyển đổi sang trồng rừng FSC tôi khá phân vân bởi nông dân phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc như: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì, áp dụng chặt chẽ quy trình chăm sóc, thu hoạch... Tuy nhiên sau khi được cán bộ kỹ thuật của Hợp tác xã trồng rừng bền vững Thạch Thành phân tích những lợi ích của trồng rừng FSC, tôi đã ký hợp đồng với hợp tác xã, chuyển đổi mô hình trồng rừng”, anh Lưu Quang Anh chia sẻ.
Anh Lưu Quang Anh cho biết thêm: “Ngoài việc được hợp tác xã hỗ trợ kinh phí, khi nông dân tham gia trồng rừng FSC gia đình tôi còn được cán bộ kỹ thuật tập huấn kỹ thuật chăm sóc để nâng cao sản lượng và hiệu quả rừng trồng.
Cách đây chưa lâu, gia đình tôi thu hoạch 2 ha rừng keo trồng theo tiêu chuẩn FSC, thu lãi 160-170 triệu đồng/ha (khai thác theo chu kỳ từ 6-7 năm). Rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng trồng thường từ 10-15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ luôn cao hơn từ 15-20%, nên nông dân có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, nông dân không bị ép giá mỗi khi đến kỳ thu hoạch”.
Ông Lê Duy Mơ (thôn Liên Sơn, xã Thạch Sơn, Thạch Thành), trưởng nhóm trồng rừng FSC thôn Liên Sơn cho biết: “Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngoài việc cải thiện thu nhập cho bà con, việc trồng rừng FSC còn giúp duy trì và phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, giảm thiểu xói mòn, sạt lở đất".
Hiện nay, Hợp tác quản lý rừng bền vững Thạch Thành được cấp chứng chỉ rừng FSC diện tích hơn 3,2 nghìn ha với 1.575 hộ thành viên tham gia, tại 11 xã của huyện Thạch Thành. Quá trình canh tác các hộ dân tuân thủ tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, hạn chế đốt thực bì… gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Sản lượng gỗ “sạch” hằng năm của hợp tác xã đạt khoảng 62.000 m3, đồng thời trở thành “tấm vé thông hành” giúp các sản phẩm gỗ từ rừng trồng Thạch Thành nói riêng, Thanh Hóa “xuất ngoại”. Nhờ có chứng chỉ rừng bền vững FSC, hiệu quả kinh doanh và thu nhập của xã viên Hợp tác xã trồng rừng bền vững Thạch Thành đã tăng lên.
Liên kết, tạo giá trị bền vững
Theo thống kê của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh có trên 641.000 ha rừng; trong đó, tổng diện tích rừng gỗ lớn là 56.000 ha và 260.000 ha rừng trồng. Việc liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đang mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.
Ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Để tăng thêm thu nhập cho người dân từ nghề trồng rừng, Sở NN-PTNT Thanh Hóa sẽ triển khai chính sách hỗ trợ cây giống, nuôi cấy mô để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao tiến tới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; chính sách hỗ trợ cấp FSC với mức 300.000 đồng/ha cho khu vực quy mô 300 ha trở lên; đẩy mạnh tích tụ tập trung đất lâm nghiệp để sản xuất gỗ, hàng hóa tập trung, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng.
Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương, vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có cấp chứng chỉ FSC; tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập hợp tác xã, nhóm hộ, chủ rừng để quản lý, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ rừng gắn với các cơ sở chế biến. Qua đó, xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp chứng chỉ FSC”.
Cũng theo ông Thái, sau nhiều năm triển khai, đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 28,4 nghìn ha/4.670 hộ đã được cấp chứng chỉ FSC, trong đó có 7 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các nhà máy chế biến như Công ty Cổ phần Xuân Sơn, Công ty CP Ngọc Sơn, Công ty CP BWG Mai Châu, Công ty CP Đại Minh… Nhờ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, cũng như phát triển các mô hình sinh kế, nhiều hộ dân miền núi đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000 ha; có thêm 25.000 ha rừng trồng gỗ và 10 ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC. Việc phát triển rừng FSC là cánh cửa để sản phẩm gỗ của tỉnh Thanh Hóa nói chung và của nước Việt Nam nói riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng trên địa bàn miền núi.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam