Vốn chính sách góp sức xây dựng nông thôn mới

17/06/2024 - 15:16
68

Tín dụng chính sách đã tiếp sức các địa phương trên địa bàn tỉnh hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như: nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, giáo dục đào tạo, môi trường... Đặc biệt, giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Giúp hộ nghèo vươn lên

Gia đình bà Nông Thị Hằng, thôn Phục Hưng, xã Lương Thiện (Sơn Dương) trước đây có cuộc sống khó khăn. Gia đình thường buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập không ổn định nên cuộc sống bấp bênh. Năm 2021, biết đến Chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội được vay vốn, bà Hằng mạnh dạn làm hồ sơ, thủ tục vay vốn.

Gia đình bà Nịnh Thị Va, thôn Đồng Min, xã Bình Yên (Sơn Dương) vay vốn ngân hàng CSXH nuôi trâu sinh sản.

Qua bình xét, gia đình bà đủ điều kiện và được vay 100 triệu đồng. Từ số vốn trên, gia đình bà Hằng đầu tư cải tạo chuồng trại, chăn nuôi trâu sinh sản và trồng keo. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, 2 con trâu béo tốt đã cho nghé. Đồng thời, đồi keo cũng xanh tươi, phát triển tốt.

Huyện Sơn Dương hiện đang có 17.147 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đây là địa phương có số dư nợ tín dụng chính sách lớn nhất tỉnh Tuyên Quang.

Bà Phạm Thị Nhị Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương nhận định, trên địa bàn huyện Sơn Dương, các chương trình cho vay đã và đang phát huy khá hiệu quả. Tín dụng chính sách đã “trợ lực” cho hàng trăm hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho lao động địa phương, giúp ổn định nơi ở cho rất nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ xây mới công trình nước sạch vệ sinh môi trường...

Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trở thành “cánh tay nối dài” của Đảng, Chính phủ, đem các nguồn lực tài chính của Nhà nước cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, nguồn tín dụng chính sách được triển khai hiệu quả, đến đúng đối tượng thụ hưởng và sử dụng đúng mục đích góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, phát triển sản xuất, kinh doanh…

Thêm động lực phát triển kinh tế nông thôn

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đang giúp nhiều hộ dân ở huyện Hàm Yên chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi nghề để phát triển kinh tế.

Gia đình anh Phạm Văn Quảng, thôn Sơn Thủy, xã Yên Thuận vay 100 triệu đồng của NHCSXH huyện Hàm Yên đầu tư trang trại trồng 2.000 gốc chanh tứ thì. Từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn của địa phương, đến nay gia đình anh Quảng đã có thu nhập ổn định 400 triệu đồng/năm. “Nhờ nguồn vốn cho vay lãi suất thấp của NHCSXH huyện Hàm Yên đã giúp gia đình tôi mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, và tạo được việc làm, thu nhập cho cả gia đình. Hiện vườn chanh tứ thì cho thu ổn định từ 40- 50 triệu đồng/tháng, thay đổi hẳn cuộc sống của nhà tôi” - anh Quảng cho biết.

Người dân xã Minh Khương (Hàm Yên) vay vốn chuyển đổi nghề để trồng chanh tứ thì thay cây cam bị chết.

“Khởi nghiệp” từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, anh Nguyễn Quốc Doanh, thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đã gây dựng cho mình được mô hình kinh tế mà nhiều thanh niên nông thôn ngưỡng mộ. Hiện anh có 1.000 gốc mít tứ quý giống Thái Lan, cho quả quanh năm, múi to, chất lượng  tốt để chế biến mít sấy.

Để thuận lợi cho đầu ra và sản xuất với quy mô lớn, có nhãn hiệu sản phẩm, anh thành lập Hợp tác xã sản xuất và Thương mại Minh Phát, đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc sấy hoa quả. Hiện Hợp tác xã có sản phầm mít sấy và hoa quả sấy tổng hợp.  Năm 2023, hợp tác xã thu hoạch 40 tấn mít quả và 5 tấn mít sấy. Doanh thu đạt 250 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 170 triệu đồng. Anh Doanh cho biết, anh đã được vay 2 lần vốn hỗ trợ chuyển đổi việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên, đó chính là điều kiện để anh phát triển được mô hình sản xuất như hôm nay.

Theo Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên Phạm Thị Ngọc Quỳnh, dư nợ các chương trình tín dụng hỗ trợ thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện hiện đạt trên 500 tỷ đồng với trên 10.000 hộ vay vốn. Trong đó, một số vốn vay khá lớn như: Vốn giải quyết việc làm trên 93 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn trên 126 tỷ đồng…

Thông qua nguồn vốn ưu đãi đã góp phần duy trì và tạo việc làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần cùng huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Phát huy hiệu quả của nguồn vốn, thời gian qua, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã chỉ đạo các Phòng giao dịch phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung nguồn lực triển khai cho vay, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Vũ Thế Anh nhấn mạnh: “Tiếp tục tạo thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án  gắn với triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng để triển khai thực hiện tốt hơn nữa xây dựng Nông thôn mới trong thời gian tới". 

Báo Tuyên Quang

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở
Giấy phép hoạt động số: 14/GP-TTĐT ngày 04/03/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 108, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822.637 - Fax: (0207) 3822.704 - Email:nongnghiepptnt@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang