Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu. Không gian mạng là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Với đặc điểm nổi trội là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn, internet, mạng xã hội trở thành môi trường cung cấp, chia sẻ, trao đổi, khai thác sử dụng thông tin, đem lại những lợi ích to lớn, từng bước khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống xã hội. Đồng thời, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. Tuy nhiên, internet, mạng xã hội cũng bộc lộ những mặt trái, những tác động tiêu cực đối với đời sống văn hóa xã hội, nhất là nhận thức, thái độ, hành vi của thế hệ trẻ.
Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, mỗi người đều có thể dễ dàng truy cập internet, mạng xã hội. Điều đó vừa tạo thuận lợi cho việc tiếp thu, chia sẻ thông tin, tình cảm, học hỏi, giao lưu văn hóa,… nhưng đồng thời cũng ẩn chứa những nguy cơ, hệ lụy tiêu cực khi người sử dụng không biết khai thác, tiếp nhận, xử lý, chia sẻ thông tin. Trong khi, mạng xã hội của chúng ta chưa được quản lý triệt để, có rất nhiều “rác” thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý, nhân cách và cả phong cách sống của người sử dụng, nhất là thế hệ trẻ.
Chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử cho thanh niên trên không gian mạng (Ảnh minh họa)
Trong thời gian gần đây, văn hóa ứng xử của thanh niên trên không gian mạng đang là vấn đề xã hội đáng quan tâm, bởi một bộ phận thanh niên có những phát ngôn, bình luận “thiếu văn hóa”, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục tốt đẹp của Việt Nam… gây bất bình trong dư luận xã hội. Đáng lo ngại hơn là lợi dụng sự phát triển của internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên tuyên truyền, đăng tải những nội dung, thông tin xấu, độc… Qua đó, nhằm cổ vũ cho tạo tư tưởng thực dụng, suy nghĩ ích kỷ, lối sống không lành mạnh, coi trọng vật chất, quen hưởng thụ ở một bộ phận thanh niên. Thủ đoạn này còn hình thành ở số ít thanh niên thái độ thờ ơ, bàn quan với những biểu hiện sai trái trong cuộc sống, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không lên án; thái độ vô cảm về chính trị, thiếu trách nhiệm với cộng đồng. Nếu không ngăn chặn kịp thời, sẽ dần dẫn đến tình trạng “khô Đảng, nhạt Đoàn”, phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, ở một bộ phận thanh niên.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu có tính khách quan là cần chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử cho thanh niên trên không gian mạng hiện nay. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhà trường, gia đình và toàn xã hội cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, chính trị cho thanh viên.
Mọi hoạt động thông tin tuyên truyền, giáo dục phải hướng đến mục tiêu không ngừng bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, tinh thần cảnh giác để giới trẻ luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; luôn có thái độ, hành vi đúng đắn khi tham gia vào môi trường không gian mạng. Công tác giáo dục, tuyên truyền phải làm rõ âm mưu của các thế lực thù địch trong sử dụng internet, mạng xã hội để tác động đến tâm lý thanh niên; làm rõ các thủ đoạn đã, đang và sẽ được các thế lực thù địch sử dụng để lôi kéo, kích động thanh thiếu niên; khuyến cáo giới trẻ, đặc biệt thanh niên cảnh giác trước thông tin trên internet, mạng xã hội.
Coi trọng cung cấp thông tin chính xác, kịp thời; khắc phục tình trạng nhiễu thông tin dẫn đến hoang mang, nảy sinh tư tưởng tiêu cực. Đối với thanh niên, mọi công tác liên quan đến học tập, rèn luyện cần được công khai, minh bạch; tạo mọi điều kiện để thanh thiếu niên hoàn thành chương trình học tập, rèn luyện theo cấp học. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, người đứng đầu các nhà trường, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, gia đình cần thực hiện tốt vai trò xây dựng môi trường văn hóa, là chủ thể hướng dẫn, uốn nắn các hành vi ứng xử của thanh niên, tổ chức duy trì, quản lý hoạt động giáo dục, đào tạo, rèn luyện kỹ năng sống cho thanh niên. Qua đó, giúp thanh thiếu niên có cái nhìn toàn diện, đầy đủ, sâu sắc; có lý tưởng phấn đấu rõ ràng, bản lĩnh chính trị vững vàng; có khả năng phát hiện, phân biệt đúng - sai, tốt - xấu,...
Đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên. Đây là vấn dề có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trước khi “về với thế giới người hiền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” [1]; “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [2]. Do vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, nhà trường, gia đình và toàn xã hội cần thường xuyên quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện thế hệ thanh niên có đủ đức, tài, niềm tin, khát vọng để xứng đáng với vị thế, trọng trách cao cả của mình đối với dân tộc và Tổ quốc. Đây là trách nhiệm không riêng của ai, mà là trách nhiệm chung của các ngành, các cấp và toàn xã hội.
Cùng với đó, cần tăng cường công tác quản lý hệ thống mạng xã hội, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi “lệch chuẩn văn hóa”. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tuyên truyền nội dung, thông tin xấu độc, “lệch chuẩn văn hóa”. Đẩy mạnh tuyên truyền Luật an ninh mạng và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động tham gia mạng xã hội để nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên. Coi trọng định hướng, hướng dẫn cho thanh niên cách thức khai thác, phân loại, sử dụng thông tin trên mạng hiệu quả; gắn với tuyên truyền, lan tỏa những nội dung thông tin tích cực, những biểu hiện nhân văn, văn hóa trên internet, mạng xã hội theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Từ đó, góp phần xây dựng cho thanh niên cách ứng xử có văn hóa trên không gian mạng, tránh được những ảnh hưởng tiêu cực từ internet và mạng xã hội./.
-------------------------------
Tài liệu tham khảo:
[1], [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 15. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.612.
ThS Phạm Hồng Hải