Xây vùng động lực, phát triển sản phẩm đặc hữu cho cây chè

08/11/2024 - 14:32
101

Chè là cây công nghiệp lâu năm, có đời sống kinh tế lâu dài, mau cho sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, theo nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh.

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn phát triển chè. Ảnh: Quỳnh Chi.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại diễn đàn phát triển chè. Ảnh: Quỳnh Chi.

 

Từ một cây trồng được bao cấp

Ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, chè là cây trồng có vị trí đặc biệt trong cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp, là cây công nghiệp dài ngày trọng điểm và có phát tích ở Việt Nam, gắn bó với người dân Việt Nam suốt chiều dài lịch sử.

"Cây chè chiếm diện tích lớn ở khu vực trung du, miền núi, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, môi trường và xã hội", ông chia sẻ.

Nhìn nhận lại sự phát triển của ngành chè những năm vừa qua, nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, trong thời gian 2 năm qua, cây chè có sự phát triển rất lớn. Diện tích chè năm 2000 chỉ đạt khoảng 70.000ha nhưng đến nay đã tăng lên đến 125.000ha, trong khi năng suất chè năm 2005 đạt 4,9 tấn/ha hiện đã tăng lên đến 10 tấn/ha, tăng gấp hơn 2 lần.

Cùng với đó, giá bán chè có xu hướng tăng, cả trong nội tiêu lẫn xuất khẩu, từ 1 USD/kg lên 1,74 USD -1,8 USD/kg. Theo ông Doanh, kết quả này là sự cố gắng chung của các bên liên quan, trong đó có sự đóng góp, nỗ lực to lớn của người dân, cơ quan quản lý, cũng như các viện chuyên ngành với lực lượng khoa học mạnh mẽ.

Tính riêng Viện KHKT Nông lâm nghiệp và miền núi phía Bắc, đến nay có hơn 20 tiến sĩ chuyên về chè, thường xuyên nghiên cứu, cung cấp các quy trình canh tác và tiến bộ kỹ thuật.

Dù có sự quan tâm lớn từ Đảng, Nhà nước, ngành chè vẫn đang vấp phải một số vấn đề, như giá  trị người dân được hưởng từ cây chè khá thấp, bình quân chỉ khoảng 6.000 đồng/kg đối với chè búp. Trong khi đó, giá bán cây ăn quả, cà phê… đang tăng dần, gây áp lực không nhỏ cho những người sản xuất chè.

Ông Doanh đặt vấn đề, cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để đối với doanh nghiệp và đầu ra. "Liệu đây có phải là nguyên nhân khiến chúng ta ngại đổi mới”, ông đặt câu hỏi. Ngoài ra, cùng một cơ cấu giống, nhưng năng suất chè, giá bán ở các vùng có sự chênh lệch lớn. Đây là việc cần làm rõ hơn để ngành chè và toàn ngành nông nghiệp tính đến những bước phát triển bền vững.

 

Cây chè đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

Cây chè đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Ảnh: Tùng Đinh.

 

Cho đến giá trị lưỡng dụng, mang sinh kế bền vững

 

Là một nhà khoa học từng gắn bó nhiều năm với miền núi phía Bắc, cũng như các cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam như chè, cà phê… nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, giá trị của cây chè rất đa dạng. Đây là một loài cây lưỡng dụng, không những cho giá trị thu nhập cao, ổn định cho người sản xuất, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, mà còn góp phần đảm bảo cho sức khỏe đất.

“Tôi đã đi khảo sát nhiều vùng trồng chè trên cả nước, và nhận thấy một điều là đất trồng chè lúc nào cũng khỏe. Độ phì gần như không suy giảm theo năm tháng”, ông Doanh nhận định và coi chè là một trong những cây trồng mang tính biểu tượng của lĩnh vực trồng trọt của nước ta, bên cạnh cà phê và lúa.

Từ giống PH1 cơ bản ban đầu, giờ Việt Nam đã đa dạng, phong phú các giống chè. Đặc biệt, chè là một cây công nghiệp lâu năm, có đời sống kinh tế lâu dài, mau cho sản phẩm, cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, chè trồng một lần nhưng có thể thu hoạch 30 - 40 năm hoặc lâu hơn nữa. Ngày nay trên thế giới có khoảng 40 nước trồng chè, nhưng được trồng tập trung nhiều nhất ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Nghề trồng chè Việt Nam đã có từ lâu, nhưng cây chè được khai thác và trồng với diện tích lớn mới bắt đầu khoảng hơn 50 năm nay. Việc sản xuất và cung cấp chè vừa có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Vì lẽ đó, so với các loại cây trồng khác ở Việt Nam, chè là một trong những cây có ưu thế nhất cả về điều kiện khí hậu và nguồn lực lao động.

“Việt Nam có thể xem là quê hương của cây chè”, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT bày tỏ. Ông cũng trăn trở với thực tế, rằng dù đã tồn tại, song hành với nhiều thế hệ của người dân Việt Nam, nhưng số lượng nhà máy sản xuất, chế biến chè còn hạn chế, kể cả với những vùng được xem là thủ phủ như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ.

Điểm đáng mừng của cây chè, theo ông Doanh, là còn nhiều dư địa. Chẳng hạn so với cây cà phê, Việt Nam gần như đã tận dụng hết năng suất của loại cây trồng này. Thông qua Dự án VnSAT, năng suất trung bình của cà phê Việt đã gấp từ 3 - 3,5 lần so với mức bình quân của thế giới. Tuy nhiên, điều này còn có thể tiếp tục được cải thiện trên cây chè, với nhiều tiểu vùng sinh thái còn được mở rộng.

 

Diễn đàn có sự tham gia của hàng trăm đại biểu dự trực tiếp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Diễn đàn có sự tham gia của hàng trăm đại biểu dự trực tiếp. Ảnh: Quỳnh Chi.

Phát triển sản phẩm đặc hữu cho cây chè

Trăn trở với cây chè hàng chục năm, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng trong giai đoạn hiện nay, cần có những phương pháp tiếp cận mới, không chỉ là giống, tiến bộ kỹ thuật, mà còn là cách quảng bá, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn phục vụ xuất khẩu...

Một trong những mối quan tâm của ông, là xây các vùng động lực, có tính dẫn dắt cho thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường toàn cầu. PGS.TS Lê Quốc Doanh nhận định, có thể lấy thủ phủ chè Thái Nguyên trở thành vùng đặc sản, chuyên canh cho sản phẩm này. Bởi đây là khu vực có thương hiệu mạnh với nhiều sản phẩm truyền thống, đa dạng như chè sen, chè nhài... và đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng.

"Thái Nguyên có nhiều sản phẩm chè đặc sản, có thể dẫn dắt cho ngành công nghiệp sản xuất chè", ông đánh giá. Từ sức lan tỏa của Thái Nguyên, cây chè có thể sẽ phát triển thêm những giá trị mới, tại những vùng lân cận như Phú Thọ, Tuyên Quang...

Là một cây có thể sống ở nhiều đai độ cao, dưới 600m, từ 600m trở lên, hoặc cao hơn nữa... nên chất lượng sản phẩm cuối từ cây chè cũng rất đa dạng. Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tin rằng, các tổ chức, cá nhân, cơ quan chuyên môn có thể nghiên cứu chuyển từ chè đen sang chè xanh.

Bên cạnh đó, là đa dạng hóa sản phẩm theo đúng xu hướng thế giới, bao gồm các sản phẩm như chè matcha, theo đúng tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Bộ NN-PTNT thời gian qua là "sản xuất theo tín hiệu thị trường".

Với một số khu vực đặc thù, chẳng hạn như Mẫu Sơn, địa phương có thể nghiên cứu, sản xuất thí điểm các giống chè đặc hữu, đặc sản như chè ô long, để nâng cao giá trị, phục vụ cả nội tiêu và xuất khẩu.

PGS.TS Lê Quốc Doanh cũng gợi mở cho Cục Trồng trọt và địa phương về giống chè shan. Đây là một giống chè có nhiều giá trị, cả về chất lượng lẫn lịch sử, văn hóa, được người tiêu dùng thế giới (nhất là Trung Quốc) quan tâm. Tuy nhiên, việc khai thác giống chè shan vẫn còn nhiều cản trở do chủ yếu trồng tại các vùng cao, đường sá đi lại gặp nhiều khó khăn.

Nguyên Thứ trưởng gợi ý rằng, các bên có thể phát triển giống chè shan theo hướng "đa giá trị", như tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ngoài bán trà, người dân có thể "bán thêm" những câu chuyện, những quy trình sản xuất... xung quanh giống chè này.

 

Các sản phẩm chè của Việt Nam có thiết kế ngày càng bắt mắt và đa dạng. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các sản phẩm chè của Việt Nam có thiết kế ngày càng bắt mắt và đa dạng. Ảnh: Quỳnh Chi.

Cảm ơn những chia sẻ tại diễn đàn từ Cục Trồng trọt, Văn phòng SPS Việt Nam..., cùng các địa phương, nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, rằng cần quan tâm hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với sản phẩm xuất khẩu, và tiến tới là các sản phẩm nội tiêu.

"Chè làm ra phải bán được", ông Doanh nói. Bởi vậy, bên cạnh những thị trường truyền thống như Pakistan, Đài Loan, Trung Quốc, nguyên lãnh đạo ngành nông nghiệp đề nghị dành thêm thời gian nghiên cứu về những thị trường mới nổi, chẳng hạn như Hoa Kỳ.

Theo ông, Việt Nam cần phát huy một cách sâu sắc lợi thế từ cây trồng truyền thống, cũng như giá trị của quê hương cây chè. Cùng với đó, đề nghị Cục Trồng trọt nghiên cứu ra các giải pháp cụ thể, sản phẩm cụ thể cho cây chè, tìm ra những bộ giống không những năng suất, chất lượng, mà còn thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện tại.

 

 

Nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đáng giá cao sáng kiến của Báo Nông nghiệp Việt Nam về việc tổ chức hiệu quả diễn đàn chè, thay vì triển khai các Hội nghị theo “công thức”. Không gian diễn đàn là nơi "dễ" cung cấp nhiều thông tin và tri thức liên quan đến sản xuất chè chất lượng, an toàn cho đông đảo người dân, doanh nghiệp.

 

 

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH TUYÊN QUANG
Chịu trách nhiệm: Ông Nguyễn Đại Thành - Giám đốc Sở
Giấy phép hoạt động số: 14/GP-TTĐT ngày 04/03/2024 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang
Địa chỉ: Số 108, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Minh Xuân, Thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: (0207) 3822.637 - Fax: (0207) 3822.704 - Email:nongnghiepptnt@tuyenquang.gov.vn

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang