Khẳng định chất lượng
Người trồng chuối của huyện Yên Sơn và các xã của huyện Chiêm Hóa chưa thể tin sản phẩm chuối lại được xuất khẩu vào thị trường. Bởi từ trước đến giờ sản phẩm chuối chỉ được bán quả tươi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Năm được giá người trồng chuối vui, năm Trung Quốc không mua, chuối đổ đi không hết. Nhìn sản phẩm chuối tây chất lượng mà cứ bỏ đi lãng phí, chị Nguyễn Thị Hương, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) mày mò chế biến nhằm bảo quản chuối được lâu hơn.
Chị Hương chia sẻ: Mục đích ban đầu của chị là đồ ăn vặt cho đám trẻ trong gia đình, ai mua thì bán, rồi biếu. Mỗi lần thông tin sấy, chiên chuối mọi người biết lại đặt nhiều hơn, thấy nhu cầu của thị trường, vợ chồng chị tính mở rộng quy mô sản xuất và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Chị Hương cho biết: Năm 2023, vợ chồng chị và một số hộ gia đình thành lập hợp tác xã góp vốn đầu tư máy sấy, xây dựng nhà kính, đóng gói sản phẩm đạt chuẩn. Cũng trong thời gian đó, sản phẩm chuối sấy được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP với nhãn hiệu chuối sấy dẻo.
Chị Hương phấn khởi cho biết: "Kể từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, chuối sấy dẻo của Hợp tác xã cứ rộng đường đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch. Đặc biệt đầu năm 2024, Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) - doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu nông, lâm, thủy sản đặt hàng sản phẩm chuối sấy dẻo để xuất khẩu sang thị trường Anh Quốc". Chị Hương khoe, theo đơn đặt hàng là 600 hũ, với trọng lượng 0,5 kg/hũ và dù là xuất khẩu 1 lần nhưng chị tin thực khách ngoại quốc sẽ mê hoặc thức quà quê Chiêu Yên.
Sản phẩm chuối sấy dẻo của Hợp tác xã chuối sạch Chiêu Yên (Yên Sơn) xuất khẩu vào thị trường Anh quốc.
Sản phẩm trà đậu đen xanh lòng của Hợp tác xã Hồng Phát (Chiêm Hóa) cũng đã xuất khẩu vào thị trường Anh Quốc. Chị Phạm Thị Hồng, thành viên sáng lập hợp tác xã phấn khởi cho biết: Sản phẩm trà đậu đen xanh lòng đã có mặt ở thị trường Anh, Dubai, Mỹ, Úc từ năm 2022, tuy nhiên là qua đường tiểu ngạch, đến giờ chính thức xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đây là cơ hội lớn nhất để hợp tác xã khẳng định tên tuổi của mình, khẳng định chất lượng sản phẩm. Chị Hồng khẳng định: Công ty Cổ phần R.Y.B đã chuyển tiền đặt hàng, Hợp tác xã đang tập trung sản xuất tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao nhất, làm hài lòng thực khách ngoại quốc ngay từ lần đầu.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần R.Y.B (Hà Nội) cho biết, thăm dò, khảo sát, kiểm nghiệm doanh nghiệp đã đánh giá rất cao chất lượng các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang. Trước mắt doanh nghiệp lựa chọn, ký hợp đồng với các hợp tác xã sản xuất 7 mặt hàng gồm: Trà túi lọc đậu đen xanh lòng của HTX hữu cơ Hồng Phát (Chiêm Hóa); trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Minh; chuối sấy dẻo của HTX chuối sạch Chiêu Yên; bưởi Soi Hà của HTX nông nghiệp Xuân Vân (Yên Sơn); siro chanh, siro tắc của HTX nông sản và dược liệu Minh Thảo (Hàm Yên). Dự tính trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng xuất khẩu với một số sản phẩm đặc sản khác.
Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 7 sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu đều được đánh giá có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, được kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá rộng khắp thị trường trong nước.
Cơ hội và thách thức
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn toàn tỉnh có 248 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, ngoài ra còn rất nhiều sản phẩm tiềm năng, có sức cạnh tranh lớn. Trong cuộc đánh giá lại sản phẩm OCOP vừa qua của Hội đồng thẩm định sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nhiều sản phẩm đã được nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao. Điển hình như: Sản phẩm chè Shan tuyết 1 tôm, 2 lá của Hợp tác xã Sơn Trà Hồng Thái (Na Hang) và sản phẩm mật ong hương rừng của Hợp tác xã Phong Thổ (TP Tuyên Quang). Đặc biệt sản phẩm trà Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm, 1 lá được Hội đồng tỉnh đề nghị Hội đồng quốc gia chứng nhận đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường: Sản phẩm OCOP của tỉnh có lợi thế, sức cạnh tranh rất lớn, nhiều sản phẩm được đánh giá rất cao về chất lượng do được canh tác trong môi trường an toàn chưa bị tác động về ô nhiễm về đất, nước, khí hậu.
Thống kê của ngành, diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của tỉnh là hơn 3.600 ha, trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 2.400 ha; theo tiêu chuẩn Rainforest hơn 914 ha, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 268 ha và 8 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là lý do nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh đang có sức cạnh tranh và chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, cái khó trong sản xuất nông nghiệp nói chung hiện nay là tính mùa vụ, quy mô sản xuất của tỉnh vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực sự bền vững. Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội), sở dĩ doanh nghiệp đặt hàng 1 lần cũng rất lo ngại về tính mùa vụ sản phẩm. Vào vụ có thể sản phẩm dôi dư, tuy nhiên khi hết vụ lại rơi vào tình trạng khan hiếm hàng, rất dễ gây nhỡ đơn xuất khẩu. Đây là thực tế chung của Việt Nam, không riêng Tuyên Quang. Thêm nữa, dù sản phẩm OCOP của Tuyên Quang có lợi thế song quy mô sản xuất vẫn ở mức khiêm tốn trong khi điều doanh nghiệp quan tâm nhất là ngoài đảm bảo chất lượng, các tiêu chuẩn cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, thì vùng nguyên liệu phải sẵn có phục vụ cho sản xuất, sản lượng đảm bảo...
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại Ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các nhóm, hợp tác xã vốn vay. Điển hình như Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Theo nghị quyết các tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu, đảm bảo các tiêu chí đều có thể tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển sản xuất. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất theo quy mô lớn. Riêng với ngành Nông nghiệp sẽ đồng hành cùng các chủ thể trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất tạo nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành Công thương tích cực chủ động xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, từng bước gia tăng số lượng sản phẩm OCOP xuất khẩu.
Nguồn: Báo Tuyên Quang