,

Lâm nghiệp

Ấm no từ rừng

Dưới những tán rừng xanh đang trỗi dậy đầy sức sống ở xã Hùng Đức (Hàm Yên) là những ngôi nhà sàn, nhà xây khang trang đẹp đẽ vừa được xây dựng còn thơm mùi sơn mới. Rừng đã mang lại cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây.

Cuộc sống đổi thay

Đi trên những con đường chạy qua các thôn của xã Hùng Đức, những vùng đồi, cánh rừng được bao phủ bởi màu xanh của cây keo, bạch đàn, bồ đề, gáo trắng… Đó là thành quả của nhiều năm tháng miệt mài trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của người dân. Họ lấy việc trồng rừng làm kế sinh nhai, mong cuộc sống no ấm, đủ đầy.

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của gia đình ông Hoàng Văn Sóc, thôn Cây Quéo đúng vào lúc gia đình ông đang huy động nhân lực để trồng chu kỳ rừng mới. Gần 50 năm gắn bó với rừng, ông Sóc hiểu được giá trị kinh tế của rừng đem lại. Không những thoát khỏi đói nghèo từ rừng mà gia đình ông còn trở thành một trong những hộ khá giàu của xã.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn bê tông khang trang, nhấp ngụm nước chè nóng, ông Sóc kể, trước đây, gia đình ông cũng thuộc diện khó khăn của thôn. Những năm 70 của thế kỷ trước, ông đã trồng rừng trên đất của gia đình, đồng thời, ông được giao đất, giao rừng theo Chương trình, Dự án 337, 661 với gần 12 ha. Ngay sau khi nhận được đất, vợ chồng ông tay dao, tay cuốc lên đồi cải tạo đất trồng keo. Nhưng ngày đó, rừng keo trồng 15-16 năm mà hiếm người mua, gốc keo to như cái mâm.

Những ngôi nhà sàn bê tông khang trang từ mô hình kinh tế rừng ở thôn Cây Quéo, xã Hùng Đức.

Ngoài trả gỗ cho nhà nước, ông chỉ chọn bán được những cây gỗ đẹp, thẳng để lấy tiền tái đầu tư trồng rừng, lời lãi từ trồng rừng chẳng đáng là bao. Để có cái ăn, gia đình ông phải trồng xen lẫn sắn, ngô, trồng lúa và chăn nuôi thêm trâu, dê kiếm thêm thu nhập. 15 năm trở lại đây, giá trị rừng tăng mạnh, nhờ kiên trì, đầu tư hợp lý, đến nay, gia đình ông đã có thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm từ trồng rừng. Cuộc sống gia đình đã trở nên khấm khá, căn nhà sàn gỗ cũ đã được thay thế bằng ngôi nhà sàn bê tông rộng rãi, đầy đủ tiện nghi.

Từ phát triển kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ ở Hùng Đức thoát nghèo bền vững và đang hướng đến làm giàu. Gia đình ông Trần Ngọc Đăng, thôn Đèo Tế trước đây là hộ nghèo. Từ năm 2009, gia đình ông quyết định chuyển diện tích đất rừng sản xuất của gia đình sang trồng keo, mỗi năm trồng một phần diện tích, lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình ông đã trồng được 6 ha rừng. Từ rừng và phát triển chăn nuôi lợn, cá, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm, gia đình ông đã dựng được nhà, mua sắm đầy đủ các thiết bị phục vụ sinh hoạt gia đình.

“Trồng rừng khi thu hoạch sẽ được một món tiền lớn, có thể xây nhà, mua xe máy hay nhiều vật dụng khác trong gia đình. Trồng rừng đã thực sự trở thành một nghề có thu nhập cao, ổn định của gia đình”. - Ông Đăng bảo.

Ông Hoàng Văn Sóc đang chăm sóc rừng keo gần 3 năm tuổi của gia đình.

Hùng Đức có hơn 2.200 hộ thì có đến 1.800 hộ phát triển kinh tế rừng. Các thôn có nhiều rừng như thôn Cây Quéo, Cây Thông, Thắng Bình, Đèo Tế, Xuân Đức. Ở các thôn này gần như tất cả các hộ đều có rừng, hộ ít thì 1 - 2 ha, hộ nhiều như hộ anh Bàn Văn Nguyên, thôn Đèo Tế trồng gần 20 ha cây keo; hộ anh Lý Văn Chiến thôn cây Quéo trồng 8 ha keo; hộ ông Bàn Văn Dưỡng, thôn Cây Thông trồng hơn 10 ha cây keo. Nguồn thu nhập từ rừng mang lại cho nhiều hộ sự khấm khá, đủ đầy hơn. Đến hết năm 2023 thu nhập của người dân đạt trên 42,57 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 12,99%.

Nâng tầm kinh tế rừng

Đồng chí Đặng Văn Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Đức cho biết, xã hiện có gần 5.400 ha rừng. Năm 2023, riêng kinh tế từ rừng đã đem lại thu nhập gần 40 tỷ đồng cho người dân trong xã. Để khuyến khích nhân dân gắn bó và tạo đà cho phát triển kinh tế rừng, xã đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của tỉnh như hỗ trợ nguồn cây giống chất lượng cao cho người dân trồng rừng theo Nghị quyết 03 năm 2017 của HĐND tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, người dân trong xã được hỗ trợ gần 2 triệu cây giống keo mô và hạt giống trên tổng diện tích gần 1.200 ha.

Cùng với đó, các hộ trồng rừng được hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng; cách trồng rừng “phủ xanh đất trống đồi núi trọc”. Đặc biệt, năm 2019, xã là địa phương đầu tiên của huyện Hàm Yên thực hiện trồng rừng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC nhằm từng bước nâng cao giá trị kinh tế rừng cho người dân. Nhờ vậy, những năm qua, xã luôn đạt và vượt kế hoạch trồng rừng từ 2 - 5%.     

Những cánh rừng được phủ xanh ở thôn Làng Phan, xã Hùng Đức.

Tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, các hộ đều tuân thủ nghiêm các nguyên tắc: không sử dụng thuốc diệt cỏ, bảo vệ động vật hoang dã, không đốt thực bì; quá trình khai thác không để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng… Ngay đợt đầu tiên vận động, tuyên truyền, xã có gần 2.400 ha được người dân đăng ký thực hiện trồng. Đến nay, xã có 2.900 ha/5.400 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.

Ông Tướng Văn Thành, thôn Cây Thông là một trong những người tiên phong trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC chia sẻ, sau khi đăng ký trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, ông được cán bộ xã vận động và tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật, ông triển khai thực hiện trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC cho 1,5 ha rừng của gia đình.

Ông Thành nhận thấy trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC tuy rất ngặt nghèo nhưng rừng được quản lý bền vững hơn, cây nhanh lớn, chất lượng gỗ nâng cao, đất đai được bảo vệ triệt để hơn, môi trường được cải thiện. Rừng đến tuổi khai thác được cam kết thu mua với giá thành cao hơn từ 15 - 30% so với trồng rừng theo phương pháp thông thường.

Rời những bản làng người Dao, người Cao Lan ở Hùng Đức, nhưng vẫn in đậm trong tôi một màu xanh, màu của tươi tốt, ấm no... 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục