,

Lịch sử hình thành

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TỈNH TUYÊN QUANG

 

I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH 

Ngày 14 tháng 11 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Bộ Canh nông với nhiệm vụ chăm lo phát triển nông nghiệp nước nhà. Trải qua các thời kỳ phát triển của cách mạng, mỗi thời kỳ với những tên gọi khác nhau. Năm 1946  ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang được thành lập.

Trải qua các thời kỳ phát triển của cách mạng, mỗi thời kỳ với những tên gọi khác nhau.

Đến năm 1952 đổi tên thành Ty Canh nông.

Năm 1955 được đổi tên thành Ty Nông lâm.

Năm 1956, Bộ Nông lâm ra Nghị định đổi tên gọi thành Ty Nông nghiệp.

Ngày 20/7/1971, Uỷ ban Hành chính tỉnh Tuyên Quang ra Quyết định số 388/TC-CQ, thành lập Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở hợp nhất: Ty Nông nghiệp; Ban quản lý Hợp tác xã nông nghiệp; Ban Định canh định cư; Phòng Nông trường và Phòng Quản lý tiểu thuỷ nông.

Tháng 4/1976 Ủy ban Nông nghiệp Tuyên Quang sáp nhập với Ủy ban Nông nghiệp Hà Giang thành Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên. Sau đó đổi tên Ủy ban Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên thành Ty Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên.  

Năm 1980, UBND tỉnh Hà Tuyên Quyết định Hợp nhất Ban chỉ đạo vùng kinh tế mới với Ty Nông nghiệp thành Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên.

Năm 1988, Sở Nông nghiệp Hà Tuyên được sáp nhập với Sở Lâm nghiệp, Sở Thủy lợi, Ban Quản lý ruộng đất và đo đạc bản đồ thành Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Hà Tuyên.

Sau khi chia tách tỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9, năm 1991 Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Hà Tuyên được đổi tên thành Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang.

Tháng 3/1996 Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang được đổi tên thành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang. Từ đó đến nay đơn vị có tên là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang.

 

TỔNG QUAN DIỄN BIẾN TỔ CHỨC CỦA

 NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TRẢI QUA 75 NĂM

Từ tháng năm đến tháng năm

Tên gọi

1945 - 1951

Ty Giao thông công chính tỉnh Tuyên Quang

Ty Khuyến Nông

 tỉnh Tuyên Quang (sau đổi tên thành Ty Nông chính)

Ty Thú ngư 

tỉnh Tuyên Quang

 

1952 - 1954

Ty Giao thông công chính tỉnh Tuyên Quang

Ty Canh nông  tỉnh Tuyên Quang

 

1955 - 3/1956

Ty Kiến trúc - Thuỷ lợi tỉnh Tuyên Quang

Ty Nông lâm  tỉnh Tuyên Quang

 

4/1956 - 9/1960

Ty Kiến trúc - Thuỷ lợi tỉnh Tuyên Quang

Ty Nông nghiệp

tỉnh Tuyên Quang

Ty Lâm nghiệp        tỉnh Tuyên Quang

 

10/1960 - 6/1970

Ty Thuỷ lợi tỉnh

Tuyên Quang

Ty Nông nghiệp

tỉnh Tuyên Quang

Ty Lâm nghiệp        tỉnh Tuyên Quang

 

7/1971 - 8/1973

Ty Thuỷ lợi tỉnh

Tuyên Quang

Uỷ ban Nông nghiệp

tỉnh Tuyên Quang

Ty Lâm nghiệp        tỉnh Tuyên Quang

 

  9/1973 - 4/1976

Ty Thuỷ lợi tỉnh

Tuyên Quang

Uỷ ban Nông nghiệp

tỉnh Tuyên Quang

Ty Lâm nghiệp        tỉnh Tuyên Quang

Chi cục Kiểm lâm nhân dân

tỉnh Tuyên Quang

5/1976 - 10/1976

Ty Thuỷ lợi

tỉnh  Hà Tuyên

Uỷ ban Nông nghiệp

tỉnh Hà Tuyên

Ty Lâm nghiệp        tỉnh  Hà Tuyên

Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Hà Tuyên

11/1976 - 3/1980

Ty Thuỷ lợi

 tỉnh  Hà Tuyên

Ty Nông nghiệp     

 tỉnh Hà Tuyên

Ty Lâm nghiệp        tỉnh  Hà Tuyên

Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Hà Tuyên

4/1980 - 11/1982

Ty Thuỷ lợi

 tỉnh  Hà Tuyên

Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên

Sở Lâm nghiệp tỉnh Hà Tuyên

12/1982 – 01/1988

Sở Thuỷ lợi

tỉnh  Hà Tuyên

Sở Nông nghiệp  tỉnh Hà Tuyên

Sở Lâm nghiệp tỉnh Hà Tuyên

2/1988 – 8/1991

Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Hà Tuyên

9/1991 – 9/1993

Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang

10/1993 – 2/1996

Sở Nông - Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Chi cục Kiểm lâm

tỉnh Tuyên Quang

3/1996 – 12/2007

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  tỉnh Tuyên Quang

Chi cục Kiểm lâm

tỉnh Tuyên Quang

01/2008 - nay

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang

 

DANH SÁCH VÀ ẢNH CÁC ĐỒNG CHÍ THỦ TRƯỞNG NGÀNH QUA CÁC THỜI KỲ ĐẾN NAY

 

 NGÀNH NÔNG NGHIỆP (GIAI ĐOẠN 1945 - 1988)

Đ/c Nguyễn Chí Mùi

(Nguyễn Chí Nhì)

GĐ Ty Khuyến nông

(sau Ty Nông chính)

 (1945 -1949 )

 

  Đ/c Nguyễn Xuân Việt

(Xuân Vượng)

GĐ Ty Canh nông

(1952)

Đ/c Hồ Văn Đức

Trưởng ty Canh nông

(1953)

 

 

Đ/c Lê Hoàn

Trưởng ty Canh nông

(9/1954 - 9/1958)

Đ/c Nguyễn Thanh Lưu

Trưởng ty Nông nghiệp

(9/1958 - 4/1962)

Đ/c Hoàng Đình Thư

 

Trưởng ty Nông nghiệp

(4/1962 - 11/1963)

        Đ/c Quan Ngọc Thuyết
     

Trưởng ty (11/1963 – 5/1965)

Phó CN. UBNN (8/1971 - 9/1974)

 CN. UB NN (9/1974 – 1975

Đ/c Nguyễn Đức Chấn

Trưởng ty Nông nghiệp

(6/1965 - 10/1969)

Đ/c Triệu Quý Gia

Trưởng ty Nông nghiệp

(10/1969 - 8/1971)

 Đ/c Triệu Kim Dung

(Tức Chi Năng)

  CN UBNN (8/1971 - 9/1974)

Đ/c Phạm Mạnh Quỳ

Phó CN.UBNN (8/1971- 12/1974)

CN.UBNN (3/1976 - 9/1977)

Đ/c Nguyễn Quốc Văn

GĐ Sở Nông nghiệp Hà Tuyên

(9/1977 - 11/1982)

     

Đ/c Nịnh Văn Long

  P.GĐ (6/1981 - 11/1982)

   GĐ (11/1982 - 11/1986)

 

Đ/c Dương Văn Khoa

P.GĐ (6/1985 - 11/1986)

GĐ (11/1986 - 1/1988)

 

 

 NGÀNH LÂM NGHIỆP (GIAI ĐOẠN 1956 - 1988)

Đ/c Triệu Trung Chính

Trưởng ty Lâm nghiệp

 (1956 - 1958) 

(5/1969 - 02/1971)

(08/1971 -5/1974) 

Đ/c Triệu Quý Gia

Trưởng ty Lâm nghiệp

(1959- 4/1969)

Đ/c Nguyễn Long Châu

Trưởng ty Lâm nghiệp    

(02/1971 - 8/1971)

Đ/c Ma Văn Dần

Trưởng ty Lâm nghiệp

(6/1974 - 5/1975)

Đ/c Đào Văn Quý

Trưởng ty Lâm nghiệp Hà Tuyên

(03/1976 - 3/1980)

Đ/c Hoàng Thế Thường

  P. Trưởng ty (4/1970 - 6/1974

Giám đốc Sở Lâm nghiệp Hà Tuyên   

(4/1980 - 3/1988)

 

 NGÀNH THỦY LỢI (GIAI ĐOẠN 1955 - 1988)

 

Đ/C Trương Trọng Thiệp

Trưởng ty Kiến trúc thủy lợi

(8/1956 - 5/1967)

 

 

 NGÀNH KIỂM LÂM (GIAI ĐOẠN 1973 - 1980; 1993 - 2007)

 

Ngày 24/9/1973 Tổng cục Lâm nghiệp đã ra Quyết định số 801-QĐ thành lập Chi cục Kiểm lâm nhân dân tỉnh Tuyên Quang trực thuộc Uỷ Ban hành chính  tỉnh Tuyên Quang. Tháng 3/1980, Chi cục Kiểm lâm nhân dân được sáp nhập vào Sở Lâm nghiệp. Tháng 9/1993, Chi cục Kiểm lâm kiểm lâm nhân dân tỉnh Tuyên Quang tách khỏi Sở Nông - lâm nghiệp trực thuộc Uỷ Ban nhân dân tỉnh.

 

NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

(GIAI ĐOẠN 1988 - 2020)

 

 

 

II. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Ngày 18 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg Quyết định lấy ngày 14/11 hằng năm là ngày truyền thống của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành Nông nghiệp đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Tuyên Quang. Trải qua các thời kỳ:

1. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)

Trong giai đoạn 1946-1954, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là: “Ngoài việc tăng gia sản xuất cấp tốc để giải quyết nạn đói trong phạm vi tình thế hiện thời, sẽ có nhiệm vụ sửa soạn một chương trình kiến thiết về kinh tế nông nghiệp sau này và đặt những căn bản đầu tiên cho cuộc kiến thiết ấy”.

Do hậu quả của chính sách bóc lột tàn bạo của chế độ thực dân, phong kiến để lại, sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm 1946 - 1947 gặp rất nhiều khó khăn, mới chỉ đủ để ngăn chặn nạn đói, đáp ứng yêu cầu bước đầu của công cuộc kháng chiến. Trước tình hình đó tỉnh chủ trương “Xây dựng nền kinh tế kháng chiến tự cấp, tự túc trong tỉnh là một vấn đề chủ yếu trong giai đoạn kháng chiến quyết liệt hiện tại”.

Từ năm 1948, Ty Khuyến nông tham mưu cho tỉnh xúc tiến việc thành lập các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp. Năm 1949, trên địa bàn tỉnh có 2 hợp tác xã; tỉnh đã đầu tư làm 5 mương phai lớn tưới cho 1.390 mẫu ruộng, lớn nhất là mương Kim Thắng (xã Kim Phú - huyện Yên Sơn) tưới cho 1.000 mẫu ruộng. Năm 1949, Tuyên Quang là lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của Liên khu Việt Bắc.

Nhằm không ngừng nâng cao năng suất, sản lượng lương thực các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đuợc đưa vào sản xuất như: Phong trào cấy các giống lúa mới, Nam Ninh, Ba Giằng, phong trào làm thuỷ lợi, chiến dịch “làm cỏ, bỏ phân”; các phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm, mở rộng diện tích điển hình là “phong trào Hoàng Hanh”, “tổ đổi công Trịnh Bái”; phong trào tăng gia trong các cơ quan nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân được dấy lên mạnh mẽ. Quan tâm công tác thủy lợi, vận động giảm tô và tạm cấp ruộng đất được triệt để thi hành, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh tăng gia, sản xuất. mở rộng diện tích canh tác, nâng cao năng suất và sản lượng lương thực.

Từ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh, sự tham mưu đề xuất của ngành và toàn thể nhân dân các dan tộc trong tỉnh, sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng: Vụ mùa năm 1951 toàn tỉnh cấy được 51.793 mẫu (thu hoạch 36.255 tấn thóc) đến năm 1954 toàn tỉnh có 58.375 mẫu (tăng 6.582 mẫu); từ năm 1950 đến 1952 đã hoàn thành 29 công trình thuỷ lợi lớn, nhỏ tưới được 2.434 mẫu; năm 1952 toàn tỉnh có 25.574 con trâu, 1.537 con bò, 38.283 con lợn.  Không chỉ đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho nhân dân và Cán bộ công nhân viên các cơ quan Trung ương sơ tán về địa phương, nhân dân trong tỉnh còn làm tốt công tác chi viện cho tiền tuyến, riêng chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Tuyên Quang đã cung cấp cho tiền phương 6.486 tấn gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41. 657 kg thịt lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ, hàng trăm tấn rau xanh …

2. Thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam (1955 - 1975):

2.1. Khôi phục kinh tế, bước đầu cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn theo con đường Xã hội chủ nghĩa (1955 - 1960):

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954), ngành nông nghiệp bắt tay vào công cuộc khôi phục sản xuất nông  lâm nghiệp trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn. Do tác động của chiến tranh, hơn 2000 mẫu ruộng bị bỏ hoang, sản lượng lương thực thấp kém.Vụ mùa năm 1954, thiên tai, sâu bệnh làm mất trắng 2.313 ha lúa, sản lượng lúa trong năm hụt 6.000 tấn so với các năm trước. Nạn đói chưa được khắc phục triệt để nay càng trầm trọng hơn.

 Trước tình hình đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trọng hiện nay là ”Ra sức khôi phục kinh tế, trọng tâm là phục hồi nông nghiệp, chủ chốt là sản xuất lương thực, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu lương thực, dần dần nâng cao mức sống cho nhân dân”.  Đầu năm 1955, gần 200 cán bộ và bộ đội đã xuống các xã, làng, bản thực hiện chương trình vận động cứu đói, hướng dẫn nhân dân tăng gia sản xuất, chống đói...Vụ chiêm xuân năm 1954 -1955, vượt lên khó khăn thiên tai, toàn tỉnh đã cấy được 15.621 mẫu lúa, trồng được 14.919 mẫu hoa màu, sản lượng lương thực quy thóc đạt 13.608 tấn. Vụ mùa năm 1955, toàn tỉnh gieo cấy được 64.700 mẫu lúa; phục hoá 671 mẫu ruộng; sửa chữa, làm mới được 1.249 mương, phai, cọn nước; giá trị khai thác lâm sản đạt tương đương 14.567 tấn thóc…

Sau khi hoàn thành khôi phục sản xuất nông nghiệp, năm 1958, Tuyên Quang bước đầu cải tạo nền kinh tế nông nghiệp theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Phong trào tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp được nông dân hưởng ứng mạnh mẽ. Đến cuối năm 1958, toàn tỉnh có 160 xã với 20.034 hộ nông dân, đã xây dựng được 3.254 tổ đổi công với sự tham gia của 15.844 hộ nông dân (chiếm 79 % tổng số hộ nông dân toàn tỉnh), thí điểm thành lập 9 hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với phong trào đổi công, hình thành hợp tác xã, các cơ sở quốc doanh trong sản xuất nông nghiệp như: Nông trường: Sông Lô, Tháng Mười, Tân Trào  được thành lập…

Đến năm 1960 giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 26,9% so với năm 1957, đạt 54.032 tấn quy ra thóc; lương thực bình quân đầu người tăng từ 383 kg lên 445 kg; năng suất lúa tăng từ 19,16 tạ/ha năm 1957 lên 24,33 tạ/ha. Giá trị tổng sản lượng lâm nghiệp tăng 40%.

2.2. Tiếp tục cải tạo Xã hội chủ nghĩa, củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn (1961-1965)

 Trong ba năm (1963-1965), hàng ngàn lượt cán bộ đã được đưa xuống cơ sở tiến hành các đợt củng cố hợp tác xã. Năm 1965 toàn tỉnh có 871 hợp tác xã với 28.687 hộ xã viên (chiếm 93% số hộ nông dân), trong đó có 472 hợp tác xã bậc cao với 18.842 hộ xã viên (chiếm 65% số hộ nông dân); các nông trường quốc doanh được củng cố cơ sở vật chất, vừa trồng trọt, chăn nuôi vừa triển khai trồng cây công nghiệp. Xác định nông nghiệp là cơ sở của nền kinh tế, ba thế mạnh cơ bản của  sản xuất nông nghiệp của tỉnh là cây lương thực, cây công nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Trong 5 năm (1961-1965) tổng chi đầu tư cho xây dựng cơ bản trong nông nghiệp chiếm 22,86% tổng vốn đầu tư của tỉnh.

Kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), nông nghiệp Tuyên Quang từ chỗ sản xuất độc canh kỹ thuật lạc hậu, năng suất thấp đã đi vào phát triển toàn diện. Đã giải quyết phần lớn nhu cầu về lương thực, thực phẩm và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1965 tăng 18 % so với năm 1961, giá trị tổng sản lượng chăn nuôi năm 1965 tăng 21,95 % so với năm 1960; diện tích cây lương thực năm 1965 tăng 25,76 % so với năm 1960; toàn tỉnh có 20 công trình trung thuỷ nông, 150 máy bơm, diện tích lúa được tưới nước là 24.863 ha (tăng 45 % so với năm 1961).

2.3. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương, chi viện tuyền tuyến (1966 - 1975):

Giai đoạn 1966-1968, địch tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất đánh phá ác liệt miền Bắc trong đó có Tuyên Quang, sản xuất nông nghiệp của tỉnh mấy năm liên tục bị thiên tai hoành hành: năm 1966 vụ Đông Xuân bị hạn hán, năm 1968 vụ Đông Xuân mưa rét kéo dài, nhưng với nỗ lực cao của toàn thể nhân dân, sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự hướng dẫn kịp thời của ngành sản xuất nông nghiệp vẫn đạt thành tích cao so với các năm trước. Sản lượng lương thực năm 1967 đạt 78.873 tấn tăng 11% so với năm 1964; các nông trường quốc doanh không ngừng mở rộng sản xuất, giá trị sản xuất năm 1967 tăng 73% so với năm 1964; năm 1968 giá trị sản lượng nông nghiệp tăng 13,3%; đàn trâu tăng 1,4%, đàn bò tăng 25,3%, đàn lợn tăng 2,5 % so với năm 1964;

Đầu năm 1972, đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai, gây nhiều khó khăn cho sản xuất. Từ năm 1973-1975 gặp khó khăn lớn, mấy vụ chiêm xuân đều bị rét, vụ Mùa bị lốc, bão, lụt; phong trào hợp tác xã tuy đã tương đối ổn định nhưng chưa vững mạnh, nhiều nơi, hiện tượng đòi tách nhỏ hợp tác xã, xã viên xin ra khỏi hợp tác xã khá phổ biến. Trước tình hình đó ngành Nông nghiệp đã chủ động tham mưu với Tỉnh tăng cường củng cố hợp tác xã nông nghiệp, đào tạo, bồi dưõng cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc; hướng dẫn bố trí lại cơ cấu cây trồng, con nuôi trong hợp tác xã theo từng vùng.

Thực hiện Pháp lệnh bảo vệ rừng; quy hoạch vùng gỗ, sợi, giấy của Chính phủ và Nghị quyết số 55/NQ-TQ của Tỉnh uỷ, đến năm 1974 các vùng kinh tế lâm nghiệp phía bắc tỉnh được hình thành rõ nét như: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Na Hang; hàng loạt các lâm trường như: Tân Phong, Hoà Đa, Phúc Hậu, ATK được thành lập; đồng thời 18 hợp tác xã nông nghiệp với 554 hộ, 3.443 nhân khẩu, 1.245 lao động đuợc chuyển sang kinh doanh nghề rừng. Tới năm 1974 toàn tỉnh có 8 lâm trường, 3 công ty lâm sản, trên 5.000 công nhân lâm nghiệp; công tác giao đất, giao rừng cho hợp tác xã quản lý đạt kết quả tích cực trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Qua 10 năm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, xây dựng hậu phương, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể. Hàng năm, đã sản xuất được trên 70 vạn tấn lương thực, năng suất bình quân đạt trên 4,4 tấn/ha, đảm bảo cơ bản nhu cầu lương thực trong tỉnh; khai thác hàng chục vạn mét khối gỗ, hàng triệu cây tre, nứa; chăm sóc, tu bổ và trồng rừng được duy trì, kinh tế lâm nghiệp được mở rộng…

2.4. Thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, bước đầu thực hiện công cuộc đổi mới (sáp nhập tỉnh từ 1976-9/1991):

Ngày 27/12/1975, Quốc hội khoá V quyết nghị hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và  Tuyên Quang thành tỉnh Hà Tuyên.

Ngay sau khi hợp tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tuyên lần thứ nhất, (Nhiệm kỳ 1976 - 1980) đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của sản xuất nông nghiệp là "Tập trung cao độ lực lượng của nhân dân của các ngành, các cấp  vào mặt trận sản xuất nông - lâm nghiệp; phấn đấu đến mức cao nhất để giải quyết phần lớn nhu cầu về lương thực; đẩy mạnh phát triển nghề rừng, tổ chức khai thác lâm sản một cách hợp lý; phát huy thế mạnh cây công nghiệp, cây dược liệu

Sau hơn hai năm thực hiện, đến cuối năm 1978 sản xuất nông - lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả: Diện tích gieo trồng đạt 123.000 ha (đạt 100% KH, tăng 17,3 % so với năm 1976); sản lượng lương thực quy thóc đạt 196.000 tấn (tăng 27,2 % so với năm 1976); đàn trâu 151.000 con (tăng 1,37% so với năm 1977); đàn bò 24.300 con (tăng 0,14 % so với năm 1977); đàn lợn 200.000 con; trồng rừng đạt 15.300 ha.

Hoàn thành xây dựng quy hoạch phân vùng sản xuất nông - lâm nghiệp; vận động 644 hộ định canh, định cư; tiếp nhận 316 hộ vào xây dựng vùng kinh tế mới. Quy mô các hợp tác xã được mở rộng theo hướng các hợp tác xã quy mô liên thôn và hợp tác xã toàn xã. Toàn tỉnh có 1.317 hợp tác xã với 87.172 hộ nông dân tham gia (chiếm 91% tổng số hộ nông dân).

Thực hiện Chỉ thị 100-CT/TW của Ban Bí thư về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động"trong  hợp tác xã  nông nghiệp, tỉnh đã chọn ba điểm tại huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thị xã Tuyên Quang làm điểm chỉ đạo, đến năm 1982 đã đạt kết quả tốt ở 431/1204 hợp tác xã, tập trung chủ yếu ở các xã trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh. Diện tích gieo trồng tăng bình quân 6,1% so với năm 1981; tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 226.000 tấn (tăng 20,6% so với năm 1981); năng suất bình quân đạt 22,51 tạ/ha (tăng 3,74 ta/ha so với năm 1981); cây công nghiệp, cây dược liệu tăng từ 3 đến 28,2 %  so với năm 1981. Đàn trâu có 149.900 con, đàn bò có 32.664 con (tăng 7,82 % so với năm 1981). Đã xây dựng được lực lượng kinh tế lâm nghiệp quốc doanh với 16 lâm trường và 14 trạm với trên 1,4 vạn công nhân, quản lý và sản xuất kinh doanh 255.164 ha rừng; giao 37.177 ha rừng và đất rừng cho 455 hợp tác xã, 72.081 hộ gia đình quản lý và kinh doanh.

Đến năm 1985, tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh quy thóc đạt 270.735  tấn (tăng 80.000 tấn so với năm 1980); bình quân lương thực đầu người đạt 304 kg/người/năm (tăng 66 kg/người/năm so với năm 1980, mặc dù dân số tăng thêm 90.000 người); đàn bò đạt 102 % và đàn ngựa tăng 13 % so với mục tiêu kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp ngày 23/5/1988, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết số 27- NQ/TU triển khai thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW. Đến cuối năm 1990 toàn tỉnh đã có 685 hợp tác xã thực hiện Khoán 10. Khoán mới đã bước đầu kích thích người sản xuất, khuyến khích nông dân tận dụng đất đai, thâm canh, tăng vụ; các hợp tác xã đã giảm được từ  40-50% nhân lực bộ máy quản lý…

Về lâm nghiệp trước tình hình sản xuất giảm sút tỉnh chủ trương chuyển sản xuất nghề rừng từ khu vực quốc doanh là chính sang khu vực ngoài quốc doanh; lấy khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng là chủ yếu, kết hợp khai thác khi có điều kiện. Thực hiện các biện pháp đóng cửa khai thác rừng ở một số khu vực để tái sinh và bảo vệ rừng đầu nguồn.Tiến hành phân cho cấp huyện quản lý các lâm trường; điều chỉnh một số diện tích đất rừng của lâm trường giao cho hợp tác xã và gia đình sản xuất kinh doanh. Trong 5 năm (1986-1990), toàn tỉnh đã giao 108.000 ha rừng cho các thành phần kinh tế quản lý và sản xuất kinh doanh; trồng mới 21.0000 ha rừng tập trung và 82,2 triệu cây phân tán.

3. Nông nghiệp, nông thôn phát triển theo đường lối đổi mới (giai đoạn 1991 - 2000).

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo bước chuyển quan trọng từ nền sản xuất tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa; hình thành những vùng cây công nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc; từng bước đưa nghề rừng và chăn nuôi gia súc thành ngành sản xuất chính; giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực, thực phẩm bằng thâm canh, tăng vụ; tăng thu nhập, cải thiện cơ bản một bước đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và bộ mặt nông thôn.

Đến năm 1995 hệ thống khuyến nông được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở, mỗi xã có một cán bộ khuyên nông; xây dựng 51 điểm mô hình giống lúa lai có năng suất cao; triển khai nhiều đề tài khoa học ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, xây dựng các mô hình chăn nuôi…. Đẩy mạnh công tác giao đất, cấp Giấy chứng nhận sử dụng đất nông nghiệp.

Tổng sản lượng lương thực 5 năm (1991-1995) tăng bình quân 11,87%/năm. Năm 1995, sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 19 vạn tấn, bình quân 286 kg/người (năm 1991 là 203 kg/người). Đàn trâu 12,29 vạn con; đàn bò 1,9 vạn con; đàn lợn 21,7 vạn con; đàn gia cầm 1,6 triệu con. Toàn tỉnh có trên 1.700 ha mía; 4.588 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt 16.000 tấn; đã thực hiện giao đất khoán bảo vệ hơn 171.000 ha rừng cho 21.000 hộ và đơn vị quốc doanh lâm nghiệp, độ che phủ của rừng đạt 34%. Năm 1992, bắt đầu nuôi cá lồng trên sông, có 259 lồng, sản lượng 398 tấn; Năm 1995, diện tích nuôi thủy sản 1.304 ha, 590 lồng, sản lượng đạt 1.014 tấn; Năm 2000, có 1.281 ha, 256 lồng, sản lượng 1.309 tấn.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, tỉnh triển khai đồng loạt các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp như: Trợ giá giống lúa lai, ngô lai; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; đẩy mạnh các biện pháp để chuyển dịch cơ câu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích gieo cấy lúa lai, ngô lai, áp dụng che phủ ni lon chống rét cho mạ... củng cố hệ thống khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y từ tỉnh đến cơ sở; củng cố lâm trường quốc doanh, thực hiện chủ trương xã hội hóa lâm nghiệp, tích cực trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc....

Năm 2000, Sản lượng lương thực quy thóc đạt trên 22,33 vạn tấn (thóc 18,47 vạn tấn, ngô 3,86 vạn tấn), bình quân lương thực 325 kg/người/năm. Diện tích chè: 3.630 ha (trong đó diện tích cho thu hoạch 3.220 ha), sản lượng chè búp tươi đạt 13.992 tấn; diện tích mía nguyên liệu 6.760 ha, sản lượng trên 301.600 tấn; diện tích cây ăn quả 5.156 ha; bình quân hàng năm đàn trâu tăng 2,25%, đàn bò tăng 0,28%, đàn lợn tăng 4,08%, đàn gia cầm tăng 6,13%, sản lượng cá tăng 5,24%; diện tích lúa được tưới chắc đạt 25.174 ha (tăng 2.666 ha so với năm 1995); độ che phủ rừng đạt 48,89%.

4. Thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn (giai đoạn 2001-2010)

Nhằm từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp cùng các ngành liên quan tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp như: Giao đất trồng chè cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thời hạn 50 năm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong 3 năm đầu đối với diện tích chè trồng mới; tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi bò được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua bò giống; tăng cường hệ thống cán bộ khuyến nông cơ sở; đẩy mạnh thực hiện phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" để kiên cố hóa kênh mương; hỗ trợ lãi suất tiền vay mua máy nông nghiệp phục vụ sản xuất; tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; thực hiện cơ chế liên doanh trồng rừng nguyên liệu giấy giữa các lâm trường và các hộ gia đình.

Từ năm 2001 đến 2005: Tổng đàn trâu 2005 giảm so với năm 2001; bình quân hàng năm đàn bò tăng 17,35% (trong đó có đàn bò sữa HF thuần trên 4.000 con, đàn bò thịt cao sản Brahman 1.250 con); đàn lợn tăng 5,2%, đàn gia cầm tăng 9,9%; ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Trồng mới được 27.954 ha rừng; khoanh nuôi bảo vệ và tái sinh 46.849 ha, đến năm 2005 độ che phủ của rừng đạt 61,8%. Quản lý, sử dụng có hiệu quả 2.300 công trình thuỷ lợi đảm bảo diện tích lúa được tưới chắc đạt 75%; tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 60%.

Năm 2005 tổng sản lượng lương thực đạt 30,5 vạn tấn. Bình quân lương thực đạt 420 kg/người/năm. Cây chè và cây mía đã phát triển thành vùng sản xuất tập trung. Diện tích chè cho thu hoạch là 5.582 ha, sản lượng chè búp tươi 33.291 tấn; diện tích mía nguyên liệu 5.257 ha, sản lượng 291.773 tấn. Toàn tỉnh có 159 hợp tác xã nông lâm nghiệp, có 128/159 hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật hợp tác xã, hỗ trợ lãi suất tiền vay Ngân hàng để các thành phần kinh tế mua 1.656 chiếc máy làm đất các loại, thành lập 11 tổ cơ khí để sửa chữa máy nông nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đặc biệt là Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp: Quy hoạch sử dụng đất lúa; Quy hoạch phát triển Thuỷ lợi, quy hoạch phát triển Thuỷ sản, quy hoạch cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn; Quy hoạch phân 3 loại rừng, quy hoạch phát triển kinh tế lâm nghiệp; Quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn...Triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình xoá đói, giảm nghèo; về xây dựng nông thôn mới, Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho nông dân. Xây dựng và triển khai các đề án phát triển nông nghiệp hàng hoá về trồng trọt, chăn nuôi, bảo vệ, phát triển rừng, nuôi trồng - khai thác - bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; Thực hiện các đề án, dự án phát triển nông thôn, xoá đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, nghiên cứu khoa học công nghệ, các chính sách, nâng cao năng lực quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn...

Trong 5 năm 2005-2010, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng bình quân 8,1%/năm. Năm 2010 sản lượng lương thực đạt trên 32 vạn tấn, lương thực bình quân đạt 455 kg/người/năm. Hệ số sử dụng đất trồng lúa đạt 2,6 lần. Đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng Cam, mía, chè, lạc...

Diện tích chè cho sản phẩm 6.622 ha tăng 18,6%; diện tích mía 6.649 ha tăng 26,47%. Vùng lạc 4.925 ha tăng 43,7%; đã có chuyển biến tích cực về trồng đậu tương đông trên ruộng 02 vụ lúa, diện tích gieo trồng 2.666 ha, sản lượng 4.825 tấn.

Đàn trâu có 146.592 con, tăng 1,94%/năm; đàn bò 46.691 con, tăng 1,66%/ năm (đàn bò sữa HF có 2.090 con, trong đó, bò cái sinh sản là 1.563 con, sản lượng sữa năm 2010 ước đạt 5.000 tấn); đàn lợn 519.630 con, tăng 8,66%/năm; đàn gia cầm 4,964 triệu con, tăng 2,57%/ năm; diện tích nuôi trồng thuỷ sản năm 2010 là 10.775 ha, sản lượng thủy sản 3.621 tấn (cả nuôi trồng và khai thác tự nhiên).

Hoàn thành quy hoạch phát triển lâm nghiệp và quy hoạch phân 3 loại rừng, thực hiện cắm mốc trên thực địa; quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích trồng mới rừng tập trung trong 5 năm (2006 - 2010) được 56.888 ha (đạt 189,6% mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV). Khai thác trên 800.000 m3 gỗ rừng trồng cung cấp nguyên liệu giấy cho công nghiệp chế biến giấy và chế biến gỗ gia dụng. Bảo vệ 407.031,6 ha; hàng năm khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh trên 7.800 ha rừng; độ che phủ rừng đạt trên 64%.

Đã đầu tư một số công trình thuỷ lợi quan trọng: Kè sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy (đoạn qua các đô thị và bảo vệ di tích lịch sử); tu sửa, nâng cấp 298 công trình thủy lợi, đến nay toàn tỉnh đã kiên cố hoá được trên 2.000 km kênh mương. Quản lý, khai thác hiệu quả trên 2.600 công trình thuỷ lợi đảm bảo tưới chắc cho trên gần 17.000 ha lúa đông xuân và trên 19.000 ha lúa vụ mùa, tỷ lệ tưới chắc đạt 80%. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 67,5%. Toàn tỉnh có 10.135 máy nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (máy làm đất 3.621 chiếc; các loại máy khác 6.514 chiếc). Có 57,6% diện tích gieo trồng cây hàng năm được làm đất bằng máy.

5. Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015)

Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu thực hiện hoàn thành xây dựng các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Quy hoạch sử dụng đất lúa; Quy hoạch phát triển trồng trọt; Quy hoạch phát triển chăn nuôi; Quy hoạch, bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng; điều chỉnh Quy hoạch phát triển thủy sản; điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi; điều chỉnh Quy hoạch phát triển lâm nghiệp và cơ cấu lại 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất); điều chỉnh quy hoạch nguyên liệu mía đường; xây dựng Đề án, Kế hoạch phát triển sản xuất hàng hóa: cam sành, chè, nuôi trồng thủy sản, phát triển trâu giống.

Giai đoạn này, tỉnh ban hành một số chính sách về hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi (gồm: cam, chè đặc sản, mía, trâu, cá); cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; cơ chế khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ giống sản xuất vụ đông trên chân ruộng 02 vụ lúa và hỗ trợ vắc xin và tiền công tiêm phòng cho đàn gia súc.  

Giai đoạn 2011-2015, kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt mức tăng trưởng khá với giá trị sản tăng trưởng bình quân trên 5%/năm (theo giá so sánh năm 1994), vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XV đề ra (theo giá so sánh năm 2010 tăng trên 4%/năm). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng trồng trọt trong nông nghiệp. An ninh lương thực luôn được đảm bảo. Sản xuất chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, đã hình thành và phát triển các vùng tập trung, chuyên canh sản xuất hàng hóa mang lại giá trị cao như: Chè, mía, cam, gỗ nguyên liệu, chăn nuôi bò sữa và nuôi cá đặc sản; một số sản phẩm đã xây dựng được nhãn hiệu, đang từng bước khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ. Ngành đã tích cực trong việc thực hiện liên kết sản xuất, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thực hiện các mô hình liên kết: Trồng ngô ngọt, bí đỏ, dưa bao tử, lúa chất lượng cao, bước đầu đã tạo mối liên kết, đem lại lợi ích hài hòa cho cả doanh nghiệp và nông dân, góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân, thúc đẩy phát triển các cây trồng hàng hóa tại địa phương.

Sản xuất lương thực được duy trì ổn định với sản lượng hàng năm đạt trên 32 vạn tấn. Đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa: Vùng chè hiện có trên 8.500 ha, sản lượng búp tươi trên 62.000 tấn; vùng mía nguyên liệu trên 11.600 ha, sản lượng trên 600.000 tấn; vùng lạc gần 4.000 ha; diện tích cây ăn quả tương đối lớn và phong phú về chủng loại (trên 7.000 ha), trong đó đã phát triển được một số vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản, như: vùng cam sành diện tích hiện có trên 5.400 ha, sản lượng năm 2014 đạt trên 43.000 tấn, vùng bưởi Soi Hà, vùng hồng không hạt.... Giá trị sản xuất ngành trồng trọt giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 3,06%/năm (theo giá so sánh năm 2010).

Chăn nuôi có bước chuyển dịch rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng quy mô, giảm thời gian luân chuyển đàn; số lượng gia súc, gia cầm phát triển ổn định. Đã có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn với hàng trăm lợn nái ngoại và từ 300-500 lợn thịt/lứa, chăn nuôi gia cầm với quy mô từ 1.000-3.000 con, ước sản lượng thịt hơi năm 2015 trên 54 nghìn tấn tăng trên 17% so với năm 2010; sản lượng sữa tươi đạt 12.800 tấn tăng trên 25% so với năm 2010. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi giai đoạn 2011-2015, tăng bình quân 5,87%/năm (theo giá so sánh 2010).

Nuôi trồng thủy sản phát triển khá nhanh, tổng diện tích nuôi thả cá đạt 11.268 ha (tăng 4,76% so với năm 2010); hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ theo hướng sản xuất hàng hóa, đã có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm thủy sản sang nuôi các loài cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng (như cá Chiên, cá Lăng, cá Bỗng, cá Tầm...); ước năm 2015 sản lượng đạt trên 7.000 tấn, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất ngành thủy sản giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 12,98%/năm (theo giá so sánh 2010).

Lâm nghiệp: Diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đạt 70.875 ha (bình quân mỗi năm trồng trên 14.000 ha rừng); diện tích đất có rừng luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước; ước hết năm 2015, diện tích rừng toàn tỉnh trên 420.400 ha, tăng trên 23.870 ha so với năm 2010; khai thác rừng trồng mỗi năm gần 4.000 ha, tổng sản lượng gỗ giai đoạn 2011-2015 đạt trên 1.400 nghìn m3; đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp hài hòa giữa mục đích kinh tế và phòng hộ, độ che phủ rừng luôn được duy trì trên 60%. Bằng giải pháp chuyển đổi tăng đất rừng sản xuất nguyên liệu; đầu tư phát triển các nhà máy chế biến lâm sản; tập trung tăng năng suất rừng trồng (đạt trung bình 75 m3/ha/chu kỳ 7 năm) đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân là 3,64%/năm (theo giá so sánh năm 2010). Chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm; lãnh đạo công tác kiểm tra thực hiện trách nhiệm trong lực lượng kiểm lâm, xây dựng phương án, tổ chức lực lượng bảo vệ hiệu quả tài nguyên rừng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh. Triển khai thực hiện 664 mô hình áp dụng các giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng sản xuất, như: Sử dụng phân viên nén NK trong canh tác lúa; trồng ngô mật độ cao, ngô biến đổi gen; trồng rau, chè an toàn theo hướng Viet GAP; đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu sản xuất đối với các loại cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh đạt 38,1%. Tỷ lệ dùng những giống tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt đạt trên 70%. Thực hiện nạc hoá đàn lợn, nhập lợn đực ngoại thuần để sản xuất lợn thịt thương phẩm. Ứng dụng phương pháp sản xuất giống cá Lăng chấm, cá Chiên, cá Dầm Xanh, Anh Vũ bằng sinh sản nhân tạo; nhân giống cam sạch bệnh bằng phương pháp ghép vi đỉnh sinh trưởng. Nghiên cứu, tuyển chọn giống Bưởi Xuân Vân; cam sành không hạt; chè chất lượng cao; phục tráng giống lúa đặc sản; tuyển chọn giống keo lai mới được công nhận để bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh; ứng dụng khoa học công nghệ tưới chủ động cho sản xuất mía.

Chú trọng việc củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Toàn tỉnh hiện có 168 hợp tác xã nông lâm nghiệp thuỷ sản, tăng 13 hợp tác xã so với năm 2010, các HTX đã cơ bản được củng cố, chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Luật Hợp tác xã năm 2012, năm 2014 có 28,3% HTX xếp loại hoạt động từ khá trở lên, điển hình có những HTX đạt doanh thu từ 2 đến 3 tỷ đồng (HTX nông nghiệp Ỷ La, HTX NLN Nhữ Hán, HTX Phong Thổ...). Đến tháng 10/2015, toàn tỉnh có 351 trang trại, tăng 249 trang trại so năm 2010, các trang trại hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, có những trang trại đạt doanh thu từ 2 đến 3 tỷ đồng/năm; thành lập trên 550 tổ hợp tác. Đây sẽ là tiền đề và là hạt nhân để thực hiện có hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nhất là giao thông, thủy lợi, nước sạch... Toàn tỉnh hiện có trên 2.700 công trình thuỷ lợi có năng lực tưới từ 1 ha trở lên, đảm bảo tưới chắc cho trên 17 nghìn ha lúa Đông Xuân và trên 19 nghìn ha lúa vụ Mùa, đến nay đã kiên cố hóa được trên 2.000 km kênh mương, đảm bảo tưới chắc cho 82,64% diện tích gieo cấy cả năm, tăng 2,8% so với năm 2011. Tập trung đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, đưa tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh năm 2015 là 75%. Đầu tư xây dựng mới trên 20 km đường ô tô vận chuyển lâm sản. Từ 2011 đến nay đã di chuyển các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm được 1.354 hộ.

Phong trào xây dựng nông thôn mới được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện; đã tạo được sự lan tỏa rộng trong các tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình và tích cực hưởng ứng. Thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để tập trung phát triển sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, bê tông hóa đường giao thông nông thôn (toàn tỉnh đã thực hiện được trên 2.750 km), chương trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 10 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (Tân Trào, Mỹ Bằng, An Khang, Thượng Lâm, Kim Bình, Năng Khả, Bình Xa, Tràng Đà, Yên Nguyên, Hoàng Khai), tăng 03 xã so với mục tiêu đề ra; trung bình đạt 10,1 tiêu chí/xã, tăng 7,3 tiêu chí so với năm 2011.

6. Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững, tập trung một số sản phẩm chủ lực (giai đoạn 2015-2020)

Giai đoạn này, “Phát triển nông lâm nghiệp hàng hóa hiệu quả, bền vững” tập trung một số sản phẩm chủ lực được tỉnh xác định là 1 trong 3 khâu đột phá nhiệm kỳ 2015-2020. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025 để tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững.

Trong giai đoạn 2015-2020 kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, duy trì năm sau cao hơn năm trước, bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 4,17%/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, hữu cơ gắn với chế biến và thị trường.

An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng ổn định trên 34 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người đạt trên 400kg/người/năm. Coi trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, khuyến khích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ… mời gọi doanh nghiệp đầu tư liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tập trung xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng hàng hóa chủ lực theo các vùng sinh thái: Vùng lạc diện tích 4.565 ha tại huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình; vùng chè là 8.588 ha (diện tích chè lai, chè đặc sản chiếm trên 60%; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 102ha và nông nghiệp bền vững là 702ha. Ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây chè được 21,94ha), năng suất chè tăng 3,4%/năm, trong đó diện tích chè đặc sản 2.269 ha, sản lượng búp tươi đạt trên 71.700 tấn/năm. Vùng Cây ăn quả chủ yếu là  cam và bưởi: Cây cam ước năm 2020 đạt 8.601 ha (Hiện có 772 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; diện tích cam hữu cơ chuyển đổi 33ha ), sản lượng trên 90.000 tấn quả; cây bưởi trên 4.600 ha. Năm 2018 bưởi Xuân Vân được Viện Sở hữu Trí Tuệ Quốc tế và Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam bình chọn đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng.

Phương thức chăn nuôi đã chuyển dịch dần sang chăn nuôi tập trung theo hướng gia trại, trang trại an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, chăn nuôi, tập trung phát triển theo lợi thế của địa phương. Sản lượng thịt hơi tăng bình quân 5,4%/năm; xây dựng, thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi giá trị, đã đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ chăn nuôi; đã xây dựng nhãn hiệu trâu Chiêm Hóa và trâu ngố Tuyên Quang.

Giai đoạn 2015-2020 phát triển sản xuất lâm nghiệp đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Thực hiện cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC diện tích 25.366 ha; rà soát, thay thế nguồn giống kém bằng giống chất lượng cao, đầu tư thâm canh rừng trồng bằng giống nuôi cấy mô, giống nhập ngoại; nâng năng suất rừng trồng từ 74m3/ha/chu kỳ năm 2015 lên bình quân 82m3/ha/chu kỳ 7 năm; diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu đến năm 2020 có trên 140.700 ha; giá trị thu nhập trên 1 ha đất rừng sản xuất đạt trên 60 triệu đồng/chu kỳ 7 năm, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng và thu nhập cho người làm nghề rừng.

Phát huy lợi thế, tiềm năng diện tích mặt nước các loại hình ao, hồ nhỏ, sông, hồ thủy lợi, hồ thủy điện để đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản. Năm 2020 ước sản lượng đạt 8.729 tấn (tốc độ tăng bình quân 5%/năm), tổng số lồng nuôi cá 2.200 lồng (tăng 915 lồng so với năm 2015); trong đó số lồng nuôi cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao chiếm 50% tổng số lồng nuôi; sản lượng cá đặc sản tăng bình quân 44%/năm.

Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng được chú trọng, 5 năm qua đã thực hiện 44 đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KHCN). Đến nay, hoàn thành nghiên cứu 23 đề tài, dự án KHCN; một số kết quả là: Ứng dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp phòng trừ hiệu quả rầy nâu, rầy lưng trắng hại lúa; chuyển giao, làm chủ quy trình sản xuất giống và chăn nuôi lợn rừng lai; nhân nhanh giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô; xây dựng kỹ thuật phòng, trừ một số bệnh ở cá Chiên hiệu quả ... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo các tiêu chuẩn được công nhận, gắn với đăng ký nhãn hiệu, truy suất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu (772 ha cam, 102 ha chè, 20 lồng cá với sản lượng trên 120 tấn/năm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 702 ha chè tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN); 33 ha cam theo hướng hữu cơ (PGS); trên 25.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng FSC; 01 cơ sở chăn nuôi bò sữa đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP; có 03 cơ sở chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAHP ).

Các chính sách giai đoạn này được tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, liên kết sản xuất hàng hóa theo các tiêu chuẩn được công nhận. Toàn tỉnh có 47 nhãn hiệu nông sản hàng hóa, có nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài, như: sản phẩm chè khô xuất khẩu vào các thị trường như Nga, Pakistan, Đài Loan và một số nước châu Âu; sản phẩm gỗ xuất khẩu sang châu Âu; sản phẩm đường kính, lạc củ, chuối xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Từ năm 2015  đến nay đã thu hút 26 dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông lâm sản, với tổng số vốn đăng ký trên 9.000 tỷ đồng, một số dự án lớn, như: Tổ hợp sản xuất giống của Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam; Trang trại bò sữa của Công ty cổ phần Hồ Toản, quy mô 1.000 con bò sữa; Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam, công suất 200.000 tấn SP/năm; Đặc biệt là đầu tư 03 nhà máy chế biến gỗ (Cụm công nghiệp chế biến gỗ xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn 150.000 m3/năm; Nhà máy chế biến gỗ Chiêm Hóa 50.000 m3/năm; Nhà máy sản xuất viên gỗ nén 3.000 tấn/năm tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn), nâng tổng số lên 8 nhà máy chế biến gỗ; đây là nền tảng phát triển chuỗi nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, từng bước xây dựng trung tâm chế biến gỗ lớn tại Tuyên Quang. Toàn tỉnh hiện có 25 nhà máy, cơ sở chế biến lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm thủy sản.

Kết cấu hạ tầng nông nghiệp được quan tâm đầu tư. Lồng ghép chính sách của Trung ương, chính sách của tỉnh, các chương trình, dự án để tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Từ năm 2015 đến nay đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 248 công trình thủy lợi (trong đó sửa chữa, nâng cấp 232 công trình; đầu tư xây dựng mới 16 công trình), kiên cố hóa trên 1.000 km kênh mương (trong đó thực hiện kiên cố hóa theo Nghị quyết số 03/2016/NQ-HĐND ngày 13/7/2016 gồm 944,8 km) nâng tổng số kênh được kiên cố hóa toàn tỉnh lên 2.852 km. Kết quả tưới chắc cho lúa năm 2019 đạt trên 85% theo kế hoạch gieo cấy.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện chủ động, quyết tâm, sáng tạo và hiệu quả được nhân dân đồng tình, ủng hộ; cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tiếp tục được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Dự kiến đến hết năm 2020 có 46 xã/124 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã (HTX), chú trọng nâng cao năng lực cho các HTX; hỗ trợ HTX phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 838 trang trại, 280 HTX nông lâm nghiệp thủy sản (trong đó 136 HTX tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa; có 91 HTX thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm).

III. THÀNH TÍCH CỦA NGÀNH NÔNG TỈNH TUYÊN QUANG ĐẠT ĐƯỢC TRONG 75 NĂM QUA

Trong 75 năm xây dựng và phát triển, tập thể cán bộ, CNVCLĐ  ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với những thành tích đã đạt được ngành đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng các danh hiệu cao quý.

- Năm 1975: Huân chương Lao động hạng Ba cho cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức  ngành Lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang.

- Năm 1980, 1983: 02 Huân chương Lao động hạng Ba.

- Năm 1985: Huân chương Lao động hàng Nhì cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức ngành Thuỷ lợi tỉnh Hà Tuyên.

- Năm 1995: Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức  ngành Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang.

- Năm 2000: Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức  ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang.

- Năm 2010: Huân chương Lao động hạng Nhì cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức  ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang.

- Năm 2015: Chính phủ tặng cờ thi đua cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang.

- Năm 2016: Huân chương Lao động Hạng Nhất cho tập thể cán bộ, công nhân viên chức ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang.

- Năm 2018: Bằng khen Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2013 - 2018.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ THÀNH TÍCH CỦA NGÀNH

 NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT TUYÊN QUANG ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC

 

Năm 2000, Sở Nông nghiệp và PTNT được Chủ tịch nước

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương lao động hạng Ba

 

Đ/c Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang

 trao Huân chương lao động hạng Nhì cho Sở Nông nghiệp và PTNT

 

Đ/c Nguyễn Hữu Hoan - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; Đ/c Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh

trao cờ thi đua của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ngành Nông nghiệp và PTNT có thành tích trong 5 năm

đoàn kết, xây dựng, đổi mới và phát triển

 

Các đồng chí Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với tập thể Lãnh đạo ngành

 qua các thời kỳ tại Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành nông nghiệp & PTNT

(14/11/1945 - 14/11/2010) và đón nhận Huân chương lao động Hạng Nhì

 

Đ/c Nguyễn Thành Lệ - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và PTNT

 trao cờ thi đua của Chính phủ và tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT

cho Sở Nông nghiệp và PTNTtỉnh Tuyên Quang  

 

 

Đ/c Nguyễn Thành Lệ - Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Nông nghiệp và PTNT

 trao cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho đơn vị xuất sắc năm 2015

 

Đ/c Chẩu Văn Lâm - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy trao

 Huân chương lao động hạng Nhất cho ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang