,

Trồng trọt-BVTV

Liên kết xanh hóa đồng ruộng: Việc phải làm ngay

Khi sản xuất sạch đang trở thành xu hướng, việc xây dựng các chuỗi liên kết theo hướng xanh hóa đồng ruộng, trong đó có xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất lúa hữu cơ, được ngành nông nghiệp và các địa phương đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, để mô hình này được duy trì và mở rộng, không dừng lại ở khuyến khích, hướng dẫn, mà cần có kế hoạch, lộ trình và bước đi cụ thể...

Mọi thứ đều tốt, chỉ khó duy trì

Vụ mùa năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại thôn Từ Lưu, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) trên diện tích 5 ha. Để có được diện tích này để thực hiện mô hình, người dân ở đây phải mất 6 tháng chuyển đổi. Diện tích được chọn cũng là diện tích ruộng nằm phía đầu nguồn nước, xa khu dân cư, xa nghĩa trang... và nhiều điều kiện khắt khe khác của sản xuất hữu cơ.

Người dân thăm mô hình lúa hữu cơ thực hiện tại xã Hoàng Khai (Yên Sơn) vụ mùa năm 2023.

Ông Lê Công Chàm, Trưởng thôn Từ Lưu, 1 trong những hộ tham gia mô hình cho biết, việc sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ có nhiều ưu điểm, trong đó ưu điểm lớn nhất là môi trường được trong lành, sức khỏe người sản xuất được đảm bảo. Ông Chàm chia sẻ, trước kia mỗi vụ sản xuất, nhiệm vụ phun thuốc ông đều phải đảm nhiệm, có những ngày phun thuốc về, gặp gió, người lâng lâng lảo đảo đến vài ngày. Khi sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều là thuốc sinh học... việc sản xuất nhẹ nhàng và đảm bảo sức khỏe hơn rất nhiều. Thêm vào đó, nhờ chế độ chăm sóc đặc biệt như vậy mà chất lượng gạo cũng thơm ngon, đậm đà hơn so với sản xuất truyền thống.

Từ hiệu quả mô hình, Trung tâm khuyến nông tỉnh khuyến khích, hướng dẫn xã Hoàng Khai tiếp tục nhân rộng mô hình ra trong vụ xuân năm nay.

Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai, vụ xuân này, Hoàng Khai không những không nhân rộng được diện tích, mà 5 ha sản xuất hữu cơ của vụ mùa năm trước cũng đã... quay về lối sản xuất cũ.

Chị Lưu Thị Thương, cán bộ khuyến nông xã cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến diện tích lúa sản xuất hữu cơ không duy trì được, là do mặc dù phải tuân thủ rất nhiều quy trình ngặt nghèo của sản xuất hữu cơ, nhưng giá bán sản phẩm so với sản xuất thông thường không có sự chênh lệch. Một số hộ gia đình, như gia đình trưởng thôn Lê Công Chàm, muốn duy trì sản xuất theo hướng hữu cơ, nhưng vì diện tích ruộng manh mún, nằm xen giữa diện tích ruộng của bà con, nên việc chỉ một nhà áp dụng tiêu chuẩn hữu cơ giữa hàng chục hộ gia đình phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân hóa học là bất khả thi.

Không riêng gì Hoàng Khai, năm 2023, xã Minh Hương (Hàm Yên) cũng triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại thôn 7 Minh Quang. Tuy nhiên, diện tích này cũng không duy trì được.

Hướng đi bền vững

Minh Thanh (Sơn Dương) là một trong số ít địa phương xây dựng mô hình và còn duy trì được diện tích lúa sản xuất hữu cơ. Hiện xã này đã có sản phẩm gạo hữu cơ được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hứa, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thanh, diện tích sản xuất lúa được chứng nhận hữu cơ trên địa bàn xã là hơn 3 ha. Đặc trưng của mô hình sản xuất này là sử dụng hoàn toàn nước suối để sản xuất, quy trình áp dụng hoàn toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ, nhờ thế sản phẩm thơm ngon, đậm đà hơn hẳn lúa sản xuất ở nơi khác. Hiện xã đang hướng dẫn hợp tác xã các thủ tục để tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ, tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ lên trên 5 ha. Đồng thời khuyến khích người dân học tập, chuyển đổi dần sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu thị trường.  

Theo bà Nguyễn Thị Kim, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, sản xuất lúa hữu cơ hiện đang được nhiều địa phương nhân rộng, nhất là khi việc giảm phát thải khí nhà kính đang được nước ta ưu tiên thực hiện. Mỗi năm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đều cố gắng xây dựng 1 - 2 mô hình sản xuất lúa hữu cơ để vừa làm điểm, vừa tuyên truyền, khuyến khích nhân dân áp dụng.

Cái khó của việc sản xuất lúa hữu cơ hiện nay là diện tích ruộng manh mún. Khi tiêu chuẩn hữu cơ bắt buộc nhiều điều kiện, trong đó có những điều kiện về nguồn nước, không gian sản xuất... Để khuyến khích sản xuất hữu cơ, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 06 về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Trong đó có các cơ chế hỗ trợ chuyển đổi, hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và chứng nhận sản phẩm, hỗ trợ đầu tư nhà xưởng, hạ tầng, máy móc trang thiết bị và đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn...

 Theo bà Kim, để việc sản xuất lúa hữu cơ ngày càng được quan tâm và mở rộng diện tích, đảm bảo các điều kiện về môi trường, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc quy hoạch các khu sản xuất tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển các vùng sản xuất hữu cơ gắn với thị trường trong nước, xuất khẩu.

Đồng thời, thực hiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển liên kết giữa các hộ với các hợp tác xã; giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả trong sản xuất hữu cơ. Hỗ trợ, đào tạo nâng cao nâng lực quản lý cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, xác định các hợp tác xã, tổ hợp tác là nhân tố, mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất hữu cơ.

Làm nông nghiệp thời kinh tế xanh đang trở thành xu hướng, hướng đi bền vững. Đặc biệt, những mô hình sản xuất lúa hữu cơ, bán tín chỉ các bon đang được nhiều tỉnh thành phía Nam áp dụng thành công. Như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định: Không sớm thì muộn, nhãn sinh thái là bắt buộc phải có trên sản phẩm mới được đưa lên kệ hàng của những trung tâm tiêu dùng, chứ không chỉ là nâng cao chất lượng. Do đó, ai  thức tỉnh sớm sẽ về đích sớm.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục