,

Dịch bệnh

Khoanh vùng nhanh, dập dịch sớm, thiệt hại nhỏ

Dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại Tuyên Quang, nhưng nhờ các địa phương khoanh vùng nhanh, dập dịch sớm nên thiệt hại được khống chế ở mức nhỏ nhất.

Thực hiện tốt các biện pháp thú y góp phần quan trọng giúp phòng, chống hiệu quả dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, từ đầu năm đến nay, địa bàn tỉnh ghi nhận 303 con lợn bị mắc dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP). Cụ thể, DTLCP xuất hiện tại 96 hộ dân/19 thôn của các xã Khuôn Hà, Thượng Lâm, Lăng Can, Phúc Yên của huyện Lâm Bình và xã Tân An của huyện Chiêm Hóa.

Do có kinh nghiệm dập DTLCP từ những năm trước, nên khi nhận được thông tin trên địa bàn có dịch, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các địa phương chủ động khoanh vùng sớm tại những khu vực xảy ra dịch bệnh.

Đồng thời, cung cấp 119 lít hóa chất và 40 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng. Triển khai đồng bộ các biện pháp cấp bách ngăn ngừa dịch xâm nhập vào địa bàn như: Kiểm tra, kiểm soát, phun thuốc khử trùng tất cả các phương tiện và cấm phương tiện vận chuyển lợn vùng dịch đi vào địa bàn. Tuyên truyền, vận động người dân phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột vệ sinh chuồng trại chăn nuôi hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Tịnh, tổ dân phố Làng Chùa, thị trấn Lăng Can có 8 con lợn bị DTLCP. Ông Tịnh cho biết, dịp tháng 7 vừa rồi, đàn lợn của gia đình ông có biểu hiện bỏ ăn, ho rồi chết. Ngay sau khi lợn chết gia đình ông đã báo cho cơ quan chức năng và thực hiện các biện pháp tiêu hủy, vệ sinh khử khuẩn chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y, đảm bảo hạn chế tối đa được dịch bệnh lây sang các hộ chăn nuôi khác.

Hiện nay, tình hình DTLCP ở huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang về cơ bản được khống chế. Trong đó tại các xã Khuôn Hà, Thượng Lâm, Phúc Yên 2 tháng nay không phát hiện thêm ổ dịch mới.

Tại thị trấn Lăng Can tính đến đầu tháng 8 có 42 con lợn bị DTLCP, gồm 9 con lợn nái, 1 con lợn đực và 32 con lợn thương phẩm. Do chủ động các phương án phòng trừ dịch bệnh và kiểm soát giết mổ, kể từ ngày 18/8 đến nay, trên địa bàn chưa thấy phát sinh ổ dịch mới.

Chăn nuôi có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của nông dân Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Quan Văn Phùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, phòng chống DTLCP và các dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến cáo hộ chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng triệt để những biện pháp phòng chống dịch.

Chủ động thông báo khi nghi ngờ đàn lợn nhiễm bệnh để kịp thời xử lý. Ngành chuyên môn cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát dịch tại các chợ đầu mối, khu vực trung chuyển gia súc, gia cầm để ngăn chặn, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn.

Song song với công tác phòng chống DTLCP, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng phối hợp với các địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi.

Từ đầu năm đến nay, các huyện, thành phố rải rác xuất hiện các bệnh tụ huyết trùng, ký sinh trùng, chướng bụng đầy hơi, sán lá gan (đàn trâu, bò), tiêu chảy, lép tô, phân trắng lợn con (đàn lợn), newcastle, cầu trùng… (đối với đàn gia cầm).

Trong đó, số con đã được nhân viên thú y phát hiện, điều trị khỏi trên 3.000, gồm 438 con trâu, bò và hơn 2.600 con lợn. Đã có hơn 3.900 con trâu, bò, lợn và gia cầm bị chết. Trong đó có 1 con trâu chết do mắc bệnh tụ huyết trùng, 84 con lợn chết do mắc bệnh tiêu chảy, viêm phổi, phù đầu, còn lại là gia cầm.

Ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và các địa phương chú trọng thực hiện việc kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh. Thực hiện nghiêm theo cơ chế Một cửa.

Các đơn vị đã kiểm tra, cấp trên 1.700 giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển hơn 153.000 con gia súc, gia cầm, 16 tấn sữa tươi nguyên liệu và 40 tấn sản phẩm động vật chế biến làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi đi các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hà Giang, Nam Định...

Tại các Trạm Kiểm dịch động vật, thường xuyên duy trì thực nhiện, trong đó, các trạm đã kiểm tra 958 lượt phương tiện vận chuyển đủ thủ tục. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố duy trì công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn, đã kiểm tra, đóng dấu trên 1.100 con trâu, bò; 30.000 con lợn...

nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục