,

Nông thôn mới

Chuyện nuôi cá suối và bài học đoàn kết ở thôn Chuông

Người dân trong thôn góp tiền mua cá giống thả xuống suối. Câu chuyện khó tin nhưng có thật ở thôn Chuông, xã Hà Lang (Chiêm Hóa). Chuyện thả cá giống xuống suối không phải vì mục đích kinh tế, mà cốt lõi để bảo vệ môi trường, chống lại nạn kích điện tận diệt các loài thủy sinh, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ môi trường, hồi sinh dòng suối Ba. ­

Từ chuyện thả cá xuống suối

Thôn Chuông cách UBND xã Hà Lang chừng 1 km. Nhân dân trong thôn sinh sống dọc dòng suối Ba. Theo người dân thôn Chuông kể lại, khi xưa, dòng suối nhiều cá vô kể. Hễ hôm nào không có thức ăn, người dân chỉ cần ra suối quăng lưới một lượt là được bữa ngon cho cả nhà. Dòng suối chính là mạch nguồn để nuôi dưỡng cả dân bản. Thế nhưng, xã hội ngày phát triển cũng kèm theo môi trường ngày càng xuống cấp, dòng suối Ba đang chết dần vì nạn xung điện, ô nhiễm do rác thải. Cá to, cá nhỏ, tôm tép đều lần vượt vắng bóng. Dòng suối không còn trong xanh, mát lành như xưa nữa.

Để hồi sinh dòng suối, một số hộ dân trong thôn đã bảo nhau mang cá từ ao nhà mình ra thả xuống suối, đồng thời góp thêm tiền mua cá giống ở các trại cá giống về để đem thả. Lúc đầu chỉ vài ba hộ làm, dần dần xây dựng thành Câu lạc bộ (CLB) “Bảo vệ môi trường gắn với phát triển thủy sản” có sự chung tay góp sức của bà con cả thôn tham gia. CLB hình thành đến nay cũng ngót chục năm.

Ông Hoàng Thế Miên, Chủ nhiệm CLB “Bảo vệ môi trường gắn với phát triển thủy sản” thôn Chuông, chia sẻ: CLB hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Hội Nông dân xã. Hiện nay, CLB có 22 thành viên là trưởng thôn, trưởng các tổ chức đoàn thể thôn, những người có tâm huyết phát triển chăn nuôi thủy sản ở địa phương và hộ dân sống dọc 2 bên bờ dòng suối Ba. Các thành viên trong CLB có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, giám sát, nếu phát hiện đối tượng kích điện bắt cá, thông báo ngay cho chính quyền địa phương xử lý.

Cán bộ UBND xã Hà Lang và Nhân dân thôn Chuông thả cá xuống dòng suối Ba.

Nói rồi ông Miên đưa tay nhẩm đếm: Từ ngày đi vào hoạt động, CLB cũng phát hiện, báo cáo chính quyền địa phương xử lý 4 - 5 trường hợp kích xung điện đánh bắt cá”. Hằng năm, người dân trong thôn Chuông cùng nhau góp tiền mua các loại cá giống về thả xuống dòng suối Ba đúng ngày 23 tháng Chạp. Bình quân mỗi năm thôn thả từ 40 đến 50 kg cá giống các loại.

Ngày thả cá trở thành một ngày hội của bà con Nhân dân trong thôn. Ai cũng háo hức mong muốn được tự tay bắt những con cá xinh xắn thả xuống dòng suối trong mát. Ngoài việc thả cá xuống suối, Nhân dân thôn Chuông tự nhắc nhở nhau không vứt rác thải, nước thải xuống suối gây ô nhiễm nguồn nước. Hàng tháng, bà con cùng nhau tổng vệ sinh, khơi thông dòng suối sạch sẽ, trả lại cảnh quan trong xanh cho dòng suối.

Anh Quan Văn Sỹ, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Chuông chia sẻ: Ngày hè, ra ngắm dòng suối trong mát với đàn cá lội tung tăng, chúng tôi thấy việc làm của mình thật ý nghĩa. Câu chuyện thả cá xuống suối tưởng như ngược đời nhưng lại hiện hữu ở thôn Chuông và đang được bà con thực hiện rất hiệu quả. Thông qua việc thả cá, đã giúp người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên nước, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, đồng thời có thể tham gia ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện trái phép.

Đến câu chuyện đoàn kết

Thôn Chuông có gần 600 nhân khẩu với 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc Tày chiếm trên 85%. Đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Quan Văn Sỹ phấn khởi nói: những năm qua, các hộ dân thôn Chuông thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa, gìn giữ vệ sinh môi trường...

Nhân dân thôn Chuông phát triển mô hình cây chanh leo cho hiệu quả kinh tế cao.

Rồi anh Sỹ lại kể tiếp cho chúng tôi nghe về chuyện bắt cá suối làm bữa cơm đại đoàn kết. Anh bảo: “Thôn có quy định Nhân dân vẫn được bắt về ăn, bởi đó là cá tự nhiên, nhưng chỉ dùng chài lưới, tuyệt đối cấm sử dụng xung điện. Đặc biệt, vào Ngày đại đoàn kết 18-11 hàng năm, bà con cả thôn cùng nhau xuống suối kéo lưới bắt cá về nấu bữa cơm đại đoàn kết. Vui và rất ấm cúng. Nhân dân chỉ bắt những con cá to, còn cá bé thả lại để tiếp tục phát triển”.

Việc thả cá dưới suối và bắt cá làm bữa cơm đại đoàn kết đã gắn kết bà con trong thôn xích lại gần nhau hơn. Và câu chuyện ngày đại đoàn kết không chỉ xoay quanh việc bảo vệ dòng suối, vệ sinh đường làng, ngõ xóm ngày một sạch đẹp, bà con còn rôm rả chuyện trò cách làm kinh tế, chia sẻ cho nhau kinh nghiệm nuôi con gì, trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, thôn Chuông luôn là một trong những thôn đi đầu với các mô hình kinh tế, như: trồng ớt, dưa bao tử; chăn nuôi dê, trồng chanh leo... Đời sống tinh thần, vật chất người dân ngày càng nâng cao, với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm. Hàng năm thôn đều đạt thôn văn hóa. Riêng năm 2023, thôn có 98% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Chia tay thôn Chuông với những người dân hồn hậu, chất phác, chúng tôi đi qua dòng suối Ba, dưới dòng nước suối trong xanh, từng đàn cá to nhỏ như những con thoi bơi lội tung tăng, thật thanh tịnh và vui mắt. Chúng tôi cảm nhận được màu xanh tươi mới căng tràn nhựa sống đang hiện hữu trong đời sống của bà con nơi đây.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục