,

Nông thôn mới

Hàng nghìn nông dân vùng cao được đào tạo nghề

Chương trình đào tạo nghề cho người nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang đã giúp hàng nghìn người có nghề, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nông dân ở huyện Lâm Bình học hỏi được nhiều kiến thức, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Đào Thanh.

Thực hiện tiểu dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 - 2023, huyện Lâm Bình đã mở được 26 lớp hỗ trợ, đào tạo nghề cho gần 700 học viên tham gia.

Tham gia các lớp đào tạo nghề, học viên được học các kiến thức về sửa chữa xe ô tô; phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã; gắn với nhu cầu thị trường, hỗ trợ thúc đẩy và phát triển các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn thuộc Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Bình cho biết, công tác đào tạo nghề cho người lao động đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện, giúp chuyển đổi cơ cấu lao động, phục vụ tích cực cho việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Anh Quan Văn Vẩn ở thôn Tống Pu, xã Bình An, huyện Lâm Bình sau khi học được các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi tại lớp dạy nghề nuôi dê do huyện tổ chức đã đầu tư mô hình nuôi dê trên diện tích vườn đồi của gia đình. Nhờ có kiến thức đã được học, đàn dê của gia đình anh không bị bệnh tật, lớn nhanh.

Anh Vẩn cho biết, trước kia xem truyền hình thấy nhiều người nuôi dê đem lại thu nhập cao nhưng chưa dám nuôi vì không biết kỹ thuật chăm sóc. Từ khi tham gia lớp học nghề anh đã tự tin hơn hẳn bởi các khâu phòng bệnh, chăm sóc dê đều nắm rất rõ. Ngay cả cách làm chuồng cho dê phải đảm bảo nền thoáng, sạch sẽ có khe hở và không đọng nước cũng được giáo viên hướng dẫn rất tỷ mỉ, cẩn thận. Từ 5 con dê ban đầu, đến nay gia đình anh đã co 21 con dê.

Từ đầu năm đến cuối tháng 10/2023, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã phối hợp với các đơn vị đào tạo nghề cho 525 nông dân, lao động nông thôn các xã, thị trấn trên địa bàn. Các lớp đào tạo nghề về nấu ăn, hướng dẫn viên du lịch, mây tre đan, trồng trọt, chăn nuôi…

Thế mạnh về nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được phát huy tốt hơn thông qua chương trình đào tạo nghề tại huyện Lâm Bình. Ảnh: Đào Thanh.

Trước khi mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình đã phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành rà soát nhu cầu học viên và mở lớp đào tạo nghề phù hợp với thế mạnh phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Từ đó giúp các học viên phát triển nghề đã học để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Tham gia lớp học nghề cho lao động nông thôn, bà Lộc Thị Loan - chủ cơ sở dịch vụ du lịch homestay Triệu Cường ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích, quan trọng về kỹ năng từ giao tiếp với khách đến chế biến, trang trí các món ăn truyền thống của dân tộc mình để phục vụ khách du lịch.

Bà Loan cho biết, từ ngày được tham gia các lớp học nghề về áp dụng vào thực tiễn, du khách đến nghỉ dưỡng tại homestay của bà đánh giá tốt hơn về chất lượng dịch vụ cũng như thái độ thân thiện. Đặc biệt, khi nhiều du khách đến, sản phẩm thổ cầm truyền thống của người Tày quê bà bán được nhiều hơn, điều này khiến người dân trong làng ai cũng vui, vì văn hóa của quê hương được nhiều miền của tổ quốc biết đến.

Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giai đoạn tiếp theo, huyện Lâm Bình tiếp tục triển khai kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thông qua các chương trình đào tạo nghề, sẽ trang bị cho người nông dân kiến thức, kỹ năng làm nghề nông tốt hơn; trang bị khả năng kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương.

nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục