,

Nước sạch - VSMT

Bảo vệ công trình cấp nước ­sinh hoạt nông thôn

­Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 227 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang hoạt động, cung cấp nguồn nước cho trên 15 nghìn hộ dân khu vực nông thôn. Các công trình đã thiết thực phục vụ cuộc sống cho người dân, nhưng không ít công trình cấp nước bị chính người dân xâm lấn, đấu nối thậm chí phá hủy đường ống..., làm ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước và làm thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, cộng đồng.

Nhiều công trình bị xâm lấn, phá hoại

Công trình cấp nước sinh hoạt khu trung tâm xã Thượng Lâm (Lâm Bình) được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho 443 hộ dân, cơ quan, trường học trên địa bàn xã. Tuy nhiên, từ tháng 12-2020 đến nay tình trạng thiếu nước, nước bị ô nhiễm diễn ra thường xuyên khiến những hộ dân sử dụng nước bức xúc. Ông Chẩu Văn Bích, thôn Bản Chợ cho biết, trước đây khi công trình cấp nước mới đi vào hoạt động, nước rất sạch, người dân sử dụng thoải mái, nhưng từ năm 2020 đến nay, nguồn nước không những bị ô nhiễm mà cạn kiệt dần.

Biên bản kiểm tra của Ban Quản lý công trình cấp nước sạch nông thôn - Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại khu vực thượng lưu phía đập thu nước đầu nguồn của công trình cho thấy,  các hộ dân tự ý xâm lấn xây đập thu nước và lắp đặt 17 đường ống nhựa HDPE lấy nước về sử dụng, đây là nguyên nhân nguồn nước của công trình ngày một cạn kiệt.

Tại xã Ninh Lai (Sơn Dương), Ban Quản lý công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh cũng đang phải “tranh chấp” với một số hộ dân để cung cấp nguồn nước phục vụ cho cộng đồng. Theo Ban Quản lý công trình, ngày 24-5-2019, UBND tỉnh đã cấp Giấy phép số 21/GP-UBND cho đơn vị khai thác, sử dụng nước mặt tại suối Thai Hang để lấy nước phục vụ người dân trên địa bàn xã. Mặc dù đã được cấp phép khai thác sử dụng song một số hộ dân ngang nhiên, tự ý xâm lấn đấu nối đường ống để tranh chấp nguồn nước. Điều đáng nói là việc người dân tự ý đấu nối dẫn nước về sử dụng rất lãng phí, gây thất thoát nguồn nước, trong khi nhiều người trong khu dân cư đang thiếu nước để sử dụng.

Cùng với xâm lấn vào công trình nước sạch, tình trạng phá hoại làm hư hại công trình cũng diễn ra. Báo cáo của Ban Quản lý công trình nước sạch nông thôn, ngày 4-5-2023 đã xảy ra sự cố mất nước sinh hoạt tại thôn Yên Khánh, Tân Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn). Qua kiểm tra phát hiện đường ống HD100 thuộc công trình cấp nước sinh hoạt thôn Yên Khánh và Tân Quang, xã Hoàng Khai có 4 vị trí bị thủng (nghi do tác động từ vật nhọn, cưa). Trước đó, tại đập đầu nguồn thu nước của công trình này, một số hộ dân đã chăn thả gia súc, làm ô nhiễm nguồn nước.

Mới đây nhất, ngày 17-7-2023, công trình nước sạch Nhữ Khê - Nhữ Hán với tổng vốn đầu tư xây dựng trên 10 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho gần 800 hộ dân ở 2 xã Nhữ Khê, Nhữ Hán cũng bị phá hoại.

Đường ống dẫn nước bị băm chặt không thương tiếc và nước bị thất thoát vì hành vi phá hoại của một số đối tượng.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổ trưởng tổ quản lý công trình cho biết, đường ống chính lấy nước từ đầu nguồn thác Ba Vách về đã bị một số đối tượng đốt cháy làm hư hại 2 mét ống dẫn. Chưa dừng lại ở đó, các đối tượng còn dùng vật sắc nhọn băm, chặt ở 5 vị trí trên cùng đường ống gây hư hại tài sản, thất thoát lượng nước lớn. Để minh chứng, Tổ trưởng tổ quản lý công trình cấp nước Nguyễn Xuân Lợi dẫn chúng tôi đến tận hiện trường. Theo quan sát, đường ống dẫn nước chính từ nguồn chảy về được sử dụng loại ống nhựa chất lượng cao, có độ dày 10 mm, tuy nhiên đối tượng dùng vật sắc băm, chặt.

Đây chỉ là những công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý bị xâm lấn, phá hoại. Còn đối với các công trình nước sạch nông thôn được đầu tư từ các nguồn vốn di dân, vốn chương trình mục tiêu quốc gia giao cho cộng đồng quản lý “cha chung không ai khóc” thì tình trạng bị xâm lấn, phá hại càng nhiều.

Đây là nguyên nhân của việc nhiều công trình nước sạch nông thôn dù được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của người dân nhưng không phát huy được hiệu quả. Kết quả rà soát của ngành chức năng toàn tỉnh có 383 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, trong đó 114 công trình không hoạt động được, chưa kể một số công trình hoạt động kém bền vững.

Cộng đồng gánh chịu

Ông Phùng Văn Huấn, cán bộ Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khẳng định, những hành vi xâm lấn, phá hoại công trình cấp nước đã gây hậu quả trực tiếp đối với cộng đồng. Ông Huấn dẫn chứng, công trình cấp nước sạch nông thôn xã Hoàng Khai (Yên Sơn), ngay sau khi hành vi phá hoại xảy ra, nước dẫn theo đường ống về đã bị thất thoát, không thể vào được bể lọc.

Điều hiển nhiên là toàn bộ hộ dân sử dụng nước của công trình ở 2 thôn Yên Khánh, Tân Quang không có nước để phục vụ sinh hoạt. Trong quá trình chờ khắc phục sự cố từ hành vi phá hoại của một số đối tượng, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã phải sử dụng xe bồn chở nước từ ngoài thành phố đưa vào để phục vụ nhu cầu của người dân.

Tương tự, tại công trình cấp nước sinh hoạt Nhữ Khê - Nhữ Hán, hành vi phá hoại của một số đối tượng đã làm gián đoạn việc cấp nước cho gần 800 hộ dân của 2 xã và gây tổn hại cho Nhà nước. Thực tế để khắc phục sự cố đoạn ống bị đốt cháy của công trình và 5 vị trí bị băm, chặt tại công trình cấp nước sinh hoạt Nhữ Khê - Nhữ Hán, Ban quản lý đã phải báo cáo và xin ý kiến từ cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn kinh phí dự phòng hàng chục triệu đồng nhanh chóng khắc phục sự cố. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổ trưởng tổ quản lý công trình cho rằng, việc khắc phục sẽ không bền vững bởi về lâu dài, quá trình vận hành, tác động của thời tiết sẽ kéo theo hỏng hóc từ các vị trí đó.

Hành vi xâm lấn, phá hoại vào công trình cấp nước sẽ còn gây tác hại vô cùng lớn, làm ô nhiễm chất lượng nguồn nước tác động rất xấu đến sức khỏe con người, đặc biệt là các bệnh về đường ruột, da liễu, mắt... Thậm chí nếu nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng, hóa chất có thể gây ra các bệnh ung thư.

Các biện pháp bảo vệ

Đồng chí Trần Trung Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Trưởng Ban Quản lý khai thác các công trình nước sạch nông thôn tỉnh cho biết, khi phát hiện các hành vi phá hoại công trình, đơn vị đã lập biên bản báo cáo chính quyền sở tại, cấp trên đồng thời đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc sớm có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ công trình.

Theo đồng chí Phạm Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn, ngay khi nhận được báo cáo của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn UBND huyện đã có Công văn số 1165/UBND-NLN ngày 8-5-2023 về việc xử lý sự cố công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tân Quang - Yên Khánh, xã Hoàng Khai.

Cán bộ Ban Quản lý khai thác công trình nước sạch nông thôn kiểm tra hệ thống bể lọc công trình nước Nhữ Khê - Nhữ Hán (Yên Sơn).

UBND huyện đã giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, UBND xã Hoàng Khai và các cơ quan, đơn vị liên quan điều tra, làm rõ các tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại công trình cấp nước sinh hoạt thôn Yên Khánh - Tân Quang, xã Hoàng Khai. Quan điểm của huyện là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, giáo dục không để tái diễn dẫn đến gây mất đoàn kết nội bộ, an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Đồng chí Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cho biết, sau khi cơ quan công an vào cuộc tình hình phá hoại đường ống của công trình cấp nước sạch nông thôn xã đã chấm dứt. Xã cũng đã có công văn gửi đến các thôn tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm, trong việc quản lý, sử dụng công trình cấp nước sinh hoạt, tuyệt đối không thả gia súc trên khu vực đập thu nước. Sau 3 tháng xảy ra sự việc, công trình cấp nước đã hoạt động trở lại bình thường phục vụ nhu cầu của các hộ dân trên địa bàn.

Hành vi phá hoại đường ống của công trình cấp nước xã Nhữ Khê - Nhữ Hán cũng được công an xã nắm bắt, răn đe kiên quyết không để tình trạng này tái diễn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngay sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, hành vi phá hoại công trình cấp nước sinh hoạt ở khu vực nông thôn đã được ngăn chặn.  Nhưng hành vi xâm lấn vào nguồn nước đã được cấp phép của công trình rất khó để ngăn chặn. Thực tế, tại các công trình cấp nước sạch nông thôn Thượng Lâm (Lâm Bình), Trung Hà (Chiêm Hóa), Ninh Lai (Sơn Dương)... bị xâm lấn, Ban đã phối hợp với chính quyền các xã, huy động lực lượng dân quân tháo dỡ đường ống để đảm bảo ổn định nguồn nước cấp cho cả cộng đồng.

Nhưng việc tháo dỡ chỉ có hiệu quả trong vài tiếng đồng hồ, khi cán bộ, lực lượng chức năng về, các hộ lại tiếp tục đắp nước, đấu nối đường ống dẫn nước cho riêng mình mà không chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Riêng đối với công trình nước xã Trung Hà (Chiêm Hóa) được đầu tư từ nguồn vốn của Nhà nước, do không thể tranh chấp mãi với một số hộ dân, Ban Quản lý công trình đã phải di dời đường ống tìm nguồn nước khác đảm bảo việc cấp nước ổn định phục vụ nhân dân.

Đồng chí Trần Trung Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Trưởng Ban Quản lý khai thác các công trình nước sạch nông thôn tỉnh cho rằng, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương là chưa đủ. Để ngăn chặn hành vi xâm lấn, phá hoại, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ công trình, bởi không ai khác chính người dân là người hưởng lợi. Cùng với đó là sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên nước để chia sẻ cơ hội được cho nhiều người trong cộng đồng.

                                                                                                                                 


Đồng chí Nguyễn Hữu Phương
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn

Nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân 

Hiện nay trên địa bàn huyện đa số các công trình nước sạch đã đầu tư đang phát huy được hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn có một số công trình nước sạch chưa phát huy được hết công năng, hoạt động chưa hiệu quả; nguyên nhân là do các công trình này bị hư hỏng, xuống cấp do ảnh hưởng bởi thời tiết, thiên tai; ngoài ra còn có  nguyên nhân do bị một số đối tượng xấu làm hư hại, hoặc do thiếu hiểu biết vô tình tác động xấu đến công trình. Để kịp thời xử lý các vi phạm này, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã rà soát, thường xuyên kiểm tra thực trạng các hạng mục công trình để kịp thời khắc phục, sửa chữa, đảm bảo cung cấp nước cho người dân; đồng thời tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao ý thức người dân về tầm quan trọng, ý thức bảo vệ tài sản chung của cộng đồng, không lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăn thả gia súc nơi đầu nguồn nước và quan trọng là phát huy vai trò giám sát của người dân trong quản lý, bảo vệ công trình nước sạch.


Ông Hoàng Văn Tập
Trưởng Ban quản lý công trình nước sạch nông thôn xã Đông Lợi (Sơn Dương)

Làm tốt công tác quản lý, vận hành

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Nhà Xe và khu trung tâm xã Đông Lợi được khởi công xây dựng từ 2012, với tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng, công suất thiết kế 287 m3/ngày đêm, hiện cung cấp nước sạch cho 1.289 hộ dân trên địa bàn 14 thôn của xã. Nhờ quản lý, vận hành tốt, công trình luôn phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu cấp nước sinh hoạt cho người dân. Mỗi khi có sự cố, hư hỏng đều được xử lý kịp thời, bảo đảm phát huy hiệu quả việc cấp nước cho nhân dân. Để công trình duy trì hoạt động bền vững, ngoài việc thường xuyên kiểm tra hệ thống máy móc, đường ống, đồng hồ… Ban quản lý công trình nước sạch nông thôn xã còn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ công trình trong khi đi kiểm tra, ghi chỉ số tiêu thụ nước hoặc thu tiền lệ phí sử dụng ở các hộ gia đình. 


Đồng chí Ma Công Khâm
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thượng Lâm (Lâm Bình)

Ngăn chặn tình trạng xâm lấn

Hiện nay trên địa bàn xã có 5 công trình nước sinh hoạt tập trung cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Trong đó có 1 công trình có tình trạng người dân xâm lấn do 7 hộ bắc đường ống nước bên trên đầu thu nước công trình nước sạch tập trung thuộc quản lý của Ban Quản lý nước sạch nông thôn xã Thượng Lâm, làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hơn 500 hộ dân trên địa bàn thôn Nà Tông, Nà Liềm, Bản Chợ... Để bảo vệ nguồn nước, xã Thượng Lâm đã vận động người dân dỡ bỏ và di chuyển các công trình xâm lấn. Đến nay vẫn còn 3 hộ dân chưa tiến hành tháo dỡ công trình, UBND xã tiếp tục phối hợp với thôn vận động các hộ sớm dỡ bỏ các công trình, trả lại hiện trạng để công trình hoạt động ổn định. 


Ông Lâm Quang Chư
Thôn Nhân Thọ 2, xã Yên Nguyên (Chiêm hóa)

Công trình là tài sản của Nhà nước

Công trình cấp nước là tài sản của Nhà nước, nhưng người dân là người trực tiếp hưởng lợi. Bởi vậy, mỗi chúng ta cần tự ý thức và trách nhiệm trong việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các công trình cấp nước sạch tập trung. Đồng thời, có trách nhiệm thanh toán tiền nước đầy đủ để duy tu, bảo dưỡng, vận hành công trình cấp nước bền vững.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không vứt rác bừa bãi hoặc có hành vi làm ô nhiễm nguồn nước, hạn chế tối đa sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, trong quá trình sử dụng, chúng ta phải tiết kiệm, tắt vòi nước khi không sử dụng, kiểm tra, bảo dưỡng đường ống tránh dò rỉ làm cạn kiệt nguồn nước.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục