,

Thị trường nông sản

Tuyên Quang: Phát huy thế mạnh nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển

Tuyên Quang có đất sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 90% diện tích với điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm khai thác thế mạnh, góp phần đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch sát thực tiễn

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình sản xuất chả cá của Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp, thủy sản Sơn Nga
, xã Đại Phú, Sơn Dương (Ảnh: Báo Tuyên Quang).

Tuyên Quang là một tỉnh thuộc vùng trung du miền núi phía Bắc, nằm giữa Đông Bắc và Tây Bắc có đất sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 90% diện tích với điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi để phát triển kinh tế ngành nông nghiệp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 11.348 tỷ đồng, tăng bình quân hơn 4%/năm; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2020; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là hơn 68%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2-2,5%/năm.

Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, trước bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức song Tuyên Quang luôn phấn đấu để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Tỉnh đã cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Nhiều nghị quyết mang tính đột phá về lĩnh vực nông nghiệp được ban hành phù hợp với thực tế, khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực của tỉnh, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần đưa nông nghiệp Tuyên Quang khởi sắc, khẳng định vị trí là trụ đỡ của nền kinh tế Tuyên Quang.

Trên thực tế có thể thấy, giai đoạn 2015-2020, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn gắn với chế biến để nâng cao giá trị gia tăng tại Tuyên Quang chưa nhiều. Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít. Sản phẩm nông nghiệp chưa chú trọng tới chỉ dẫn địa lý và chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.

Trước thực trạng đó, trên cơ sở những kết quả đạt được, cùng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ nhiều nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp trên địa bàn đã được ban hành. Với quan điểm các cơ chế chính sách phải xuất phát từ người nông dân, vì người nông dân đã mở ra sự phát triển với những kỳ vọng mới. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành 14 nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện khâu đột phá với nhiều cơ chế chính sách hiện nay đang thực hiện khá hiệu quả trong đó có Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Tuyên Quang về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (Nghị quyết số 03). Nghị quyết này chính là sự kế thừa, tích hợp từ nhiều nghị quyết được ban hành trước đây, đồng thời phát huy kết quả, tháo gỡ được những bất cập trong thực tiễn, hỗ trợ người dân hiệu quả, thiết thực hơn, tạo ra một luồng gió mới, tạo đà mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn của Tuyên Quang bứt phá.

Tạo đà mạnh mẽ để nông nghiệp, nông thôn của Tuyên Quang bứt phá

Người dân xã Kim Quan (Yên Sơn) được hỗ trợ nuôi trâu sinh sản
từ Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh Tuyên Quang (Báo Tuyên Quang).

Nghị quyết số 03 được ban hành đã thật sự mang lại nhiều khởi sắc cho địa phương trong phát triển nông nghiệp. Với những quy định mới, những nội dung được bổ sung phù hợp với tình hình thực tế đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong đó , Nghị quyết này đã có nhiều sự điều chỉnh nâng lên về mức hỗ trợ đảm bảo có sự khuyến khích cao đối với các đối tượng được thụ hưởng. Nghị quyết số 03 quy định chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng hỗ trợ hợp tác xã nông, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chủ trang trại, hỗ trợ nuôi cá đặc sản, cá chủ lực, hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Nghị quyết cũng quy định nhóm chính sách hỗ trợ về vật tư, giống cây trồng, vật nuôi trong ghép cải tạo giống vườn cây ăn quả, thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò, nuôi lợn đực giống để khai thác tinh, hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng tập trung, làm giàu rừng tự nhiên sản xuất.

Bên cạnh đó, Nghị quyết này cũng quy định chính sách hỗ trợ sản xuất nông sản xuất khẩu, hỗ trợ cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, điều chỉnh chính sách hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Đặc biệt, lần đầu tiên Nghị quyết số 03 quy định chi tiết các chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại, trong đó có hỗ trợ chi phí tư vấn, hỗ trợ điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm, gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP, hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới; hỗ trợ xây dựng đường giao thông ngõ, xóm, hỗ trợ cải tạo vườn đối với hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu nông thôn mới”; xây dựng thôn đạt chuẩn “Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”…

Có thể thấy, nếu như tại Nghị quyết số 10/2014/NQ-HĐND khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trước đây, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 500 triệu đồng/ trang trại thì đến Nghị quyết số 03 đã nâng lên 1 tỷ đồng/trang trại với thời gian hỗ trợ lãi suất cũng cụ thể hơn.

Chính sách hỗ trợ nuôi cá đặc sản, cá chủ lực cũng được quy định chi tiết và mở rộng thêm đối tượng nuôi tại các lồng, bể chứ không chỉ nuôi trong ao, hồ nhỏ. Trước đây, người nuôi cá đặc sản chỉ được hỗ trợ đánh giá và cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap thì tại Nghị quyết số 03, người nuôi cá đặc sản, cá chủ lực được hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay, mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 1 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân.

Đối với chính sách nuôi trâu, bò sinh sản, trước đây tại Nghị quyết số 12 chỉ hỗ trợ 70% lãi suất tiền vay đối với hộ cận nghèo thì đến Nghị quyết số 03, hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay để nuôi trâu, bò sinh sản; tổng mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa trước đây là 50 triệu đồng/cá nhân thì đến Nghị quyết số 03 đã nâng lên 100 triệu đồng/cá nhân….

Từ thực tế triển khai có thể thấy, Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng trưởng bền vững, ổn định. Từ nghị quyết, nhiều hộ dân đã được thụ hưởng thật sự, góp phần đưa nông, lâm nghiệp, thủy sản của Tuyên Quang bứt phá mạnh mẽ. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, người dân đã chuyển đổi từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tư duy sản xuất theo chuỗi hàng hóa liên kết, đa giá trị, nâng cao sức cạnh tranh trong sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm sản phẩm OCOP. Bình quân, mỗi năm, tỉnh hỗ trợ trên 2,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao theo Nghị quyết số 03, tương đương diện tích trên 2 nghìn ha rừng. Hiện toàn tỉnh có trên 2.200 lồng nuôi cá trên sông, hồ thủy điện, trong đó có 50% số lồng nuôi cá đặc sản và 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận nuôi trồng thủy sản VietGap.

Có thể nói, chính những cơ chế chính sách kịp thời, hợp lòng dân đã phát huy hiệu quả tích cực ngay khi đưa vào triển khai. Từ này cho tới hết nhiệm kỳ, với kết quả đã đạt được và những kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn, chắc chắn Nghị quyết trên sẽ còn mang lại nhiều bứt phá hơn nữa cho nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của Tuyên Quang, góp phần đưa Tuyên Quang sớm trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.

Nguồn: dangcongsan.vn/

Tin cùng chuyên mục