,

Lâm nghiệp

Phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2024

Những năm qua, trồng rừng nguyên liệu đã góp phần tích cực giúp người dân trong tỉnh tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhiều hộ vươn lên làm giàu. Thời điểm này, bà con các địa phương, các cơ quan, đơn vị nhà nước, các công ty, doanh nghiệp… trong tỉnh đang tập trung mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện trồng mới 10.500 ha rừng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 40 đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đang hăng hái thi đua gieo trồng, chăm sóc cây giống để đảm bảo cung ứng phục vụ trồng rừng theo kế hoạch. Năm 2024, toàn tỉnh dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu cây giống, trong đó có hơn 20 triệu cây phục vụ nhu cầu trồng rừng trên địa bàn tỉnh, số còn lại cung ứng cho người trồng rừng tại các tỉnh lân cận. Đến thời điểm hiện tại, các cơ sở đã gieo ươm được trên 7 triệu cây giống đủ tiêu chuẩn.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Hàm Yên kiểm tra cây giống trước khi đem trồng

Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm nguyên liệu giấy huyện Hàm Yên là một trong những đơn vị cung ứng cây giống lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, Theo Ông Hà Thế Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Mỗi năm, đơn vị chủ động sản xuất trên 1 triệu cây keo lai mô để phục vụ kế hoạch trồng rừng trên địa bàn. Hiện nay, đơn vị dùng giá thể màu tự tiêu siêu nhẹ để làm bầu cây giống, không phải bóc bầu khi trồng, giảm việc vỡ bầu, dẫn đến cây chết; chỉ trong vòng 25-40 ngày sau khi trồng, vỏ bầu tự phân hủy sẽ không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và môi trường. Keo lai mô có ưu điểm thân dẻo, kháng bệnh tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của Tuyên Quang nên tỷ lệ chết thấp.

Huyện Chiêm Hóa là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn của tỉnh, với 9.135,3, ha rừng đặc dụng, 18.072,5 ha rừng phòng hộ, 62.348,8 ha rừng sản xuất…, những năm gần đây, trồng rừng đã giúp người dân trên địa bàn huyện có thu nhập, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững. Năm 2023, huyện Chiêm Hoá trồng được hơn 2.250 ha rừng, đạt 134 % kế hoạch; tỷ lệ che phủ rừng đạt 67 %. Năm 2024, huyện có kế hoạch trồng mới 1.700 ha rừng trong đó, trồng rừng tập trung là 1.620 ha, trồng cây phân tán 80 ha. Để đạt kế hoạch trồng rừng đề ra, thời gian này, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân về mục đích, ý nghĩa trồng cây; vai trò, lợi ích của việc trồng cây, trồng rừng và bảo vệ rừng; tổ chức kế hoạch trồng cây hằng năm gắn với việc chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng. Các đơn vị tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, xây dựng kế hoạch trồng cây xanh gắn với phát triển nông nghiệp, phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Để chuẩn bị nguồn giống trồng rừng, Công ty TNHH Lâm nghiệp Chiêm Hóa đã thực hiện gieo ươm 900.000 cây keo, trong đó keo Tai tượng 880.000 cây, keo lai giâm hom 20.000 cây, phục vụ trồng 500 ha rừng vụ xuân năm 2024 và cung cấp cho các hộ gia đình có nhu cầu trên địa bàn huyện. Các khâu sản xuất giống được thực hiện nghiêm ngặt, đúng kỹ thuật. Hàng ngày, công nhân các vườn ươm của công ty đã tập trung chăm sóc, kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển của cây giống, chuẩn bị các điều kiện để ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết đặc biệt là ảnh hưởng của các đợt rét đậm, sương muối. Qua đó, đảm bảo nguồn giống chất lượng, sạch bệnh, giảm tối đa chi phí đầu tư cây giống khi đưa vào trồng rừng.

Xã Tân Mỹ có trên 5.000 ha rừng sản xuất, là xã có diện tích rừng lớn nhất huyện Chiêm Hóa. Trong đó 1.817 ha đã được cấp chứng chỉ FSC. Hiện nay UBND xã đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng cấp chứng chỉ FSC cho diện tích rừng đạt tiêu chuẩn. Phấn đấu khoảng 75 % diện tích rừng của xã có chứng chỉ FSC. Vì thế việc trồng rừng được người dân quan tâm, nhất là khâu chọn giống, kỹ thuật trồng để đáp ứng được chất lượng theo chứng chỉ FSC. Gia đình chị Ma Thị Đức, thôn Pắc Có, có 18,3 ha rừng trồng mới. Hơn một tháng trước, chị đã thuê người làm đất, cuốc hố để khi có mưa thì tiến hành trồng cây.

Cán bộ và nhân dân tham gia “Tết trồng cây” Xuân Giáp Thìn năm 2024

Tại huyện Sơn Dương Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương được tỉnh giao trồng mới 400 ha rừng. Ngay sau khi được giao kế hoạch, Công ty đã có văn bản hướng dẫn cho các hộ dân đăng ký trồng rừng. Hiện đã hoàn thành việc thiết kế để người dân chủ động trong công tác xử lý thực bì kịp thời vụ trồng rừng. Việc thiết kế đảm bảo đúng lô, đúng đối tượng, đúng diện tích, hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc phát dọn thực bì, đào hố, nghiệm thu sơ bộ hiện trường. Đến thời điểm này, công ty đã chuẩn bị đất trồng rừng được 200 ha đạt 50 % kế hoạch, gieo ươm được 480 nghìn cây giống (keo lai hom, keo hạt, bạch đàn mô,…)

Xã Tú Thịnh có trên 1.037 ha rừng sản xuất trồng rừng nguyên liệu bằng loài cây keo, sản lượng gỗ đạt bình quân từ 70 đến 80 m3/ha/chu kỳ 7 năm. Đến nay, toàn bộ diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ rừng, thời gian tới, xã tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng. Hàng năm, xã kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Rà soát, bổ sung phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Năm 2024, xã được giao trồng mới 35 ha rừng sản xuất, duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64 %.

Cùng với xã Tú Thịnh, ở các cơ quan, đơn vị và 31 xã, thị trấn của huyện Sơn Dương đồng loạt tổ chức phát động ra quân trồng cây trong dịp Tết, phấn đấu năm 2024, toàn huyện trồng 1.835 ha rừng tập trung, đến nay một số xã đã hoàn thành phần xử lý thực bì, đang đào hố để trồng rừng. Để công tác trồng rừng đảm bảo về diện tích theo kế hoạch, hiện nay các vườn ươm trong huyện đã tổ chức sản xuất được gần 3 triệu cây giống các loại.

Để đảm bảo công tác trồng rừng đạt kết quả, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ nguồn gốc giống khi đưa vào gieo ươm, nâng cao tỷ lệ giống sản xuất từ công nghệ nuôi cấy mô. Đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao hiệu quả rừng trồng. Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, khuyến nông kiểm tra, hướng dẫn các hộ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây rừng đúng quy trình kỹ thuật; khuyến cáo nhân dân chỉ mua cây giống tại những cơ sở có uy tín, được cơ quan nhà nước cấp giấy phép sản xuất và kinh doanh cây giống; hướng dẫn các cơ sở sản xuất tăng tỷ lệ sử dụng giống cây mô, hom, cây rừng bản địa, cây đa tác dụng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu kết hợp dưới tán rừng, ưu tiên ươm giống cây có năng suất, chất lượng cao phục vụ trồng rừng sản xuất quy mô lớn, trồng rừng gỗ lớn. Cùng với sự chủ động của doanh nghiệp, người dân thì những cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp việc trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân hiệu quả hơn.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh về hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao trồng rừng sản xuất trong thời gian qua đã và đang thể hiện rõ những hiệu quả thiết thực. Năm 2024, hệ thống kiểm lâm đã phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu đăng ký hỗ trợ giống cây lâm nghiệp theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh. Đến nay, các địa phương đã đăng ký gần 4.000 ha.

Phát huy truyền thống tốt đẹp "Mùa xuân là Tết trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày càng xuân" và Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang luôn xác định trồng cây xanh là việc làm quan trọng không chỉ cho hôm nay mà cho cả thế hệ mai sau, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện của tỉnh. Trồng cây, trồng rừng đã góp phần quan trọng trong việc chủ động phòng, chống thiên tai, điều hoà khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, làm đẹp thêm cảnh quan thiên nhiên, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tỉnh đã tổ chức 150 điểm phát động “Tết trồng cây”, với tổng số 19.054 người tham gia, trồng được 235.772 cây Keo, Mỡ, Bạch đàn và một số loài cây bản địa, tương đương diện tích 198,84 ha./.

Vũ Ngọc Tuyên - TTKN

Tin cùng chuyên mục