,

Thủy sản

Nghề cá xứ Tuyên Bài 2: Không trọn giấc vì canh... cá đẻ

Năm nay thời tiết nắng nóng, việc nuôi ương, nhân giống của cá chiên khiến cán bộ của Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang cũng lao đao theo thời tiết.

 

Giám đốc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang Phạm Mạnh Thông (bên phải) kiểm tra môi trường nuôi ương của cá đặc sản. Ảnh: Ngọc Tú.

Cuộc họp khẩn cấp trong đêm

Anh Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang là con “nhà nòi” làm nghề thủy sản. Bố anh có cả cuộc đời gắn bó với nghề cá tại Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang. Còn Thông, từ bé đã mày mò với con cá, con tôm. Chính tình yêu nghề của bố đã khiến Thông lựa chọn Đại học Thủy sản ở Nha Trang để học tập.

Đi học ở miền Nam đầy tiềm năng và nhiều cơ hội việc làm phù hợp với nghề thủy sản Thông học, nhưng anh chọn về núi rừng quê mình để nối nghiệp cha tiếp tục nghiên cứu con cá, con tôm ở miền núi. Thông luôn nuôi ước mơ nhân giống thật nhiều loài cá quý, vừa để bảo tồn giống vừa phát triển nghề nuôi cá đặc sản. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, Thông xin về làm việc tại Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang.

Năm 2015, Thông được điều động về công tác tại Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang. Khi ấy, tại Trung tâm các chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản I đang triển khai dự án nghiên cứu nhân giống cá chiên đặc sản trên sông Lô. Mất hơn 1 năm trời, bao lần mày mò nghiên cứu, rút kinh nghiệm tưởng sắp thành công nhưng đến phút cuối lại thất bại. Những con cá mẹ lấy trứng xong chết một cách uổng phí. Những cuộc họp trên bàn giấy xen lẫn cuộc nói chuyện trong bữa ăn… vẫn chưa thể tìm ra nổi nguyên nhân.

Thấy con trai mặt mày ủ rũ về chuyện của đàn cá, bố Thông gợi ý: "Từ bao đời nay loài cá chiên quen sống với sông Lô đoạn có nước chảy xiết, nguồn nước sạch sẽ, hàm lượng ô xy cao, thử nghiên cứu theo hướng đấy”.

Câu gợi mở của người cha khiến anh bừng tỉnh. Một cuộc họp đặc biệt với các chuyên gia và các anh em trong Trung tâm diễn ra trong đêm. Mọi phân tích của Thông về đặc tính sinh trưởng của loài cá khiến mọi cái đầu đều tỉnh ngủ, khiến bao kiến thức được vỡ ra. Khát vọng nhân thành công giống cá chiên đặc sản được nhen nhóm hy vọng gieo vào đầu mỗi người. 

Môi trường nước sạch sẽ là yếu tố quan trọng trong quá trình nuôi ương, nhân giống cá chiên. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Thông chia sẻ: “Sau cuộc họp trong đêm ấy, anh em trong nhóm nghiên cứu thực hiện điều chỉnh nguồn nước; tạo môi trường nuôi sạch sẽ, tạo dòng chảy nhẹ nhàng để cá nở. Lúc mới đẻ trứng thì dòng nước cần độ mạnh để trứng bung ra, tuy nhiên sau đó phải điều chỉnh môi trường nuôi cho phù hợp. Nhiều quy trình chăm sóc được thực hiện lại, những mớ rối dần được tháo gỡ. Sau mấy tháng chăm sóc, cuối năm 2015 mẻ cá chiên giống đầu tiên với hơn 200 con đã được Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang nhân giống thành công".

Gần 8 năm kể từ ngày nhân giống thành công cá chiên, loài cá đặc sản này trở thành một thương hiệu, trở thành “cần câu cơm” chính cho nguồn thu đối với Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang xuất ra thị trường hàng vạn con cá chiên giống, cao điểm nhất là 10 vạn con/năm.

Ngoài cá chiên, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang cũng đã nhân giống thành công các giống cá đặc sản khác như dầm xanh, anh vũ, lăng, bỗng, tầm… Bán cá giống cho thị trường Yên Bái, Lạng Sơn, Bắc Kạn…

Một năm buồn của ngành giống cá đặc sản

Suốt từ tháng 5 đến đầu tháng 6, anh Ngô Văn Quang, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang không đêm nào được ngủ trọn giấc vì mải canh cá đẻ. Đã khoảng 7 năm nay, vụ cá đẻ nào anh cũng tất bật như thế.

Trung bình mỗi năm, Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang xuất ra thị trường hàng vạn con cá chiên giống. Ảnh: Ngọc Tú.

Năm nay hạn hán. Con sông Lô vốn rộng mênh mông, nước cuồn cuộn chẩy đẩy đôi bờ xa cách cả nghìn mét nay nhiều đoạn người ta có thể xắn quần lội qua được. Nước cạn trơ đáy, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ của nước ấm lên đúng vào mùa sinh sản của loài cá chiên khiến trứng trong những con cá mẹ bị đào thải hỏng rất nhanh. Những con cá giống bố mẹ được lấy về từ sông Lô đều được cán bộ trung tâm vội vã xử lý lấy trứng, tinh dịch để kịp trước khi chúng bị thoái hóa, gây khó khăn cho quá trình nhân giống.

Dù nhà cách Trung tâm khoảng mấy trăm mét nhưng những ngày cá đẻ rồi nuôi ương, cả tháng Quang không được ngủ ở nhà một lần bởi còn mải ngủ… với cá. Mải miết với cá, nhiều đêm Quang cùng anh em ở Trung tâm về đến giường vừa chợp mắt đã thấy ngày mới bắt đầu. Thời gian dành cho việc ăn, uống cũng trở nên tằn tiệm.

Quang chia sẻ, những gian khổ đêm hôm vượt trên cái nóng như nướng thịt, vượt qua cả những hôm vợ chồng lục đục vì nhiều ngày không ngủ ở nhà, không chăm được con không đáng sợ. Mà điều đáng sợ nhất với Quang và anh em Trung tâm là khi nhìn những con cá bé xíu trong bể thoi thóp rồi chết dần mà mình thì bất lực, bởi thời tiết khắc nghiệt phụ công con người.

Con cá chiên bố mẹ được Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang lựa chọn nhân giống. Ảnh: Ngọc Tú.

Những hôm như thế, nhiều đêm liền anh em ở Trung tâm không ai ngủ được. Đã có những giọt nước mắt rơi lặng lẽ lẫn vào trong từng suy nghĩ, trăn trở. Bởi những mẻ cá ấy còn gồng gánh nồi cơm của bao gia đình cán bộ, công nhân viên của Trung tâm; nuôi sống ước mơ học tập của bao đứa trẻ nhỏ, trong đó có 2 đứa con của vợ chồng Quang một đứa học lớp 10, một đứa học lớp 3.

Giám đốc Trung tâm Thủy sản Phạm Mạnh Thông dẫn chúng tôi đi thăm những bể nuôi ương cá giống. Vụ trước vào dịp này, những con cá đã đầy các bể chứa, lớn bằng ngón tay, chuẩn bị được xuất bán. Còn năm nay, nhiều bể nuôi phải bỏ không, khô khốc. Những bể có cá thì cá chỉ lớn bằng ruột bút bi. Số lượng cá giống ít, anh em cán bộ công nhân viên ở trung tâm thất thu nhiều.   

Anh Thông giọng buồn rầu: "Năm nay nóng quá trứng cá chiên chuyển giai đoạn nhanh. Trung tâm nhân giống chỉ đạt 1 vạn cá giống trong khi những năm trước đạt từ 5 đến 10 vạn cá, coi như một vụ nhân giống cá chiên đặc sản thất bại".

Hệ thống hạ tầng cũ, xuống cấp là một trong những khó khăn cản trở quá trình nuôi ương, nhân giống cá đặc sản ở Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang hiện có 34 cán bộ, công nhân viên. So với làm nông nghiệp hay cầy cấy lúa thì làm thủy sản vất vả hơn. Bởi làm thủy sản không thực hiện làm việc theo giờ hành chính, nhất là trong mùa hè nắng nóng. Nếu kéo cá lên sẽ không đảm bảo sức khỏe, do đó anh em phải chờ những lúc trời mát mới làm cá, phải bì bõm đêm hôm. Đó là với các giống cá thông thường, còn với nhân giống cá đặc sản thì khó khăn gấp nhiều lần.

Trăn trở lớn nhất của Giám đốc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang Phạm Mạnh Thông cùng anh em đó là bộ máy văn phòng hiện nay không có biên chế, do đó không có nguồn để đào tạo, bồi dưỡng cho tương lai. Cơ sở hạ tầng của Trung tâm ngày một lạc hậu nhưng thiếu các chương trình dự án hỗ trợ đầu tư nâng cấp.

Trong khi đó, vì phải tự chủ nên thu nhập của anh em cán bộ công nhân viên còn thấp… Những bộn bề lo toán ấy vẫn phải vượt qua, giống như cách họ đã vượt qua cái khó khăn để việc nhân giống thành công các loài cá đặc sản quý hiếm.

👉 <span class="emoji-sizer emoji-outer null" contenteditable="false" data-name="👉" id="input_part_4" style="user-select: all; display: inline-flex; overflow: hidden; letter-spacing: 50px; color: transparent; text-shadow: none; width: 22px; height: 22px; font-family: SegoeuiPc, " segoe="" ui",="" "san="" francisco",="" "helvetica="" neue",="" helvetica,="" "lucida="" grande",="" roboto,="" ubuntu,="" tahoma,="" "microsoft="" sans="" serif",="" arial,="" sans-serif;="" background-size:="" 5100%;="" background-repeat:="" no-repeat;="" -webkit-user-drag:="" none;="" background-image:="" url("assets="" emoji-md.6fa8afb705db684e87d22868d5d85557.png?v="20222710&quot;);" background-position:="" 28%="" 65%;="" margin:="" -1px;="" pointer-events:="" none;"="">👉

 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục