,

Trồng trọt-BVTV

Chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 1 (bão Talim) và tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Mùa, vụ Hè Thu năm 2023

Bão số 1 (bão Talim), dự báo trong 24h tới sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Từ sáng ngày 18/7/2023, vùng ven biển từ Quang Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13, khu vực sâu đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia:

- Từ tháng 7- 9/2023, nắng nóng tiếp tục xảy ra chủ yếu ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; nhiệt độ trung bình trong thời kỳ từ tháng 7-9/2023 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) và có xu hướng cao hơn so với TBNN trong thời kỳ từ tháng 10-12/2023; tổng lượng mưa (TLM) khu vực Bắc Bộ thời kỳ từ tháng 7-9/2023 phổ biến thấp hơn TBNN khoảng từ 5-15%, từ tháng 10-12/2023 TLM có xu hướng cao hơn so với TBNN. 

- Bão số 1 (bão Talim), dự báo trong 24h tới sẽ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, cường độ cấp 11-12, giật cấp 15. Từ sáng ngày 18/7/2023, vùng ven biển từ Quang Ninh đến Nam Định gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9-10, giật cấp 13, khu vực sâu đất liền phía Đông Bắc Bộ cấp 6-7, giật cấp 9. Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Bộ từ đêm 17/7/2023 đến ngày 19/7/2023 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 350mm, cục bộ có nơi trên 500mm.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão Talim, ngày 17/7/2023, UBND tỉnh, Cục Trồng trọt đã có văn bản chỉ đạo về phòng chống bão lũ. Để hạn chế tối đa thiệt hại do cơn bão Talim và hiện tượng thời tiết bất thường gây ra, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao,

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1.1. Về phòng chống cơn bão Talim

Thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UNND tỉnh tại Văn bản số 3196/UBND-KT ngày 17/7/2023 về việc chủ động ứng phó mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 1-TALIM; đồng thời khẩn trương tập trung thực hiện các nội dung sau:

- Chủ động tiêu cạn nước đệm trên hệ thống kênh mương nội đồng, giữ nước nông mặt ruộng; huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy trên các kênh mương, kiểm tra tôn cao bờ vùng, bờ thửa, bờ kênh tiêu đảm bảo tiêu nước nhanh gọn cho các vùng có nguy cơ ngập úng.

- Khoanh vùng có nguy cơ mưa lũ lớn, lũ quét để có các phương án xử lý nhanh. Chủ động huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh để cứu lúa và hoa màu vùng bị ngập.

- Trường hợp khi có mưa bão, lũ quét, ngập úng xảy ra, cần nhanh chóng áp các biện pháp xử lý, khắc phục, khô phục sản xuất, cụ thể như sau:

(1) Đối với diện tích lúa bị ngập úng, bồi lấp

+ Điều chỉnh mực nước tiêu thoát phù hợp để cây lúa không bị đổ rạp trên mặt nước, dọn sạch cỏ rác trên ruộng và té nước rửa dong rêu, bùn đất bám trên lá.

+ Trường hợp ruộng lúa chết mất khoảnh ít có thể khắc phục, cấy giặm bằng mạ dự phòng hoặc tỉa san từ các khóm lúa đẻ nhiều dảnh trên ruộng.

+ Trường hợp ruộng lúa bị chết nhiều không thể khắc phục được, khẩn trương thu dọn ruộng, tranh thủ bừa đất và cấy lại bằng mạ dự phòng hoặc gieo thẳng bằng các giống ngắn ngày như: KM18, Thiên ưu 8, GS55,... kết thúc gieo cấy trước ngày 05/8.

+ Diện tích lúa bị ngập úng, lúa cấy giặm, cấy lại nếu cây sinh trưởng kém khi lúa đã cứng cây khẩn trương bón thúc lần 1 theo đúng kỹ thuật bón cân đối tỷ lệ NK, không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã. Có thể sử dụng các chế phẩm sinh học như: KH, ET, Siêu lân, Pennac P,... để phun giúp lúa phục hồi nhanh.

+ Kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nhân dân phun phòng trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, thối thân thường phát sinh gây hại sau các đợt ngập, úng, bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như sau: Sasa 20WP, Anti-xo 200 WP, Xantocin 40 WP,...

(2) Đối với các loại rau màu

+ Khẩn trương thu hoạch sản phẩm ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch trước thời điểm mưa bão.   

+ Khơi rãnh trên ruộng để nước thoát nhanh, hạn chế nước úng lâu trong ruộng làm thối rễ cây.

+ Khi ruộng khô xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và chăm sóc, bón phân để cây nhanh phục hồi. Có thể sử dụng các chế phẩm sinh học như: Pennac P, Siêu lân, ... để phun, tưới cho cây nhanh phục hồi.

+ Những diện tích bị ảnh hưởng nặng không có khả năng phục hồi, khẩn trương thu dọn, vệ sinh đồng ruộng để làm đất trồng lại vụ mới bằng các giống phù hợp.

+ Thường xuyên kiểm tra, theo dõi đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ sớm đối với các sinh vật gây hại phát sinh sau các đợt mưa, bão, ngập úng (đặc biệt các loại bệnh do nấm, vi khuẩn gây hại).

(3) Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm

 + Tập trung hoạch nhanh gọn đủ tuổi thu hoạch. Cắt, tỉa tán, dọn vệ sinh tạo thông thoáng cho vườn cây công nghiệp, cây ăn quả; vệ sinh kết hợp đào bổ sung hệ thống mương thoát nước trên vườn đề phòng mưa lớn gây lũ, ngập  úng.

+ Huy động cây, que làm cột chống cho vườn cây ăn quả (cam, bưởi, ổi,...) để hạn chế đổ cây, gãy cành khi có gió bão xảy ra.

- Trường hợp mưa, bão gây thiệt hại cho sản xuất, khẩn trương rà soát thống kê diện tích, mức độ thiệt hại và tổ chức hỗ trợ theo đúng quy định. Báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai và kết quả hỗ trợ khắc phục gửi Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

1.2. Về tiếp tục đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Mùa, vụ Hè Thu

-  Đối với cây lúa:  Đôn đốc nhân dân đẩy nhanh tiến độ gieo cấy diện tích lúa mùa còn lại; hướng dẫn nhân dân tăng cường dưỡng nước duy trì đủ ẩm cho mạ và lúa cấy; kịp thời bón phân thúc để cây lúa đẻ nhánh sớm, tập trung. Trên diện tích lúa sạ nên bơm ngập nước vào ban ngày, tháo cạn vào ban đêm.

- Đối với cây ngô, cây màu khác: Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng cây ngô, cây màu trên soi bãi trong khung thời vụ tốt nhất.

- Tiếp tục tổ chức tốt chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 1037/SNN-TL ngày 26/5/2023 về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp; Văn bản số 1154/SNN-TTBVTV ngày 07/6/2023 về việc đôn đốc thu hoạch cây trồng vụ xuân, triển khai sản xuất vụ Mùa năm 2023.

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và dự báo tình hình dịch hại cây trồng của cơ quan chuyên môn để chủ động triển khai các phương án phòng chống hạn hán, bão lũ; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch hại kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có thiên tai và dịch hại xảy ra. Lưu ý một số đối tượng sâu, bệnh gây hại như: Rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, ốc bươu vàng, chuột, bệnh nghẹt rễ, ... trên lúa; sâu keo mùa thu trên ngô (ngay từ khi cây ngô có 1-2 lá).

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, buôn bán giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý; đảm bảo có đủ nguồn giống, phân bón, thuốc BVTV đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ sản xuất; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

2. Các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT

2.1. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

- Theo dõi sát diễn biến của cơn bão Talim, điều kiện thời tiết trong thời gian tới, chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân phòng, chống bão lũ, khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất.

- Làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo tình hình phát sinh, phát triển dịch bệnh hại cây trồng; kịp thời thông báo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc địa phương tổ chức phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra các lô giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất trên địa bàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ theo quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

2.2. Trung tâm Khuyến nông

- Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chỉ đạo cán bộ bám sát địa bàn, tập trung hướng dẫn nhân dân phòng chống mưa bão, ngập úng, chăm sóc cây trồng đúng kỹ thuật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), tăng cường sử dụng phân hữu cơ sinh học, vi sinh, các chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học,...chủ động phòng chống sâu bệnh hại cây trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, tăng hiệu quả sản xuất.

- Chủ động phối hợp với Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh hại cây trồng; biện pháp phòng chống hạn hán, bão lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng và Bản tin khuyến nông.

2.3. Chi cục Thủy lợi, Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang

- Thường xuyên theo dõi diễn biến của mưa bão, của thời tiết để chủ động tham mưu triển khai các phương án phòng, chống thiên tai; hạn chế thấp nhất thiệt hại khi mưa bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất,... xảy ra.

- Chỉ đạo các Ban Quản lý công trình thủy lợi cơ sở, các Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra, tu sửa các công trình thuỷ lợi; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tích nước vào các hồ chứa; tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn nước, điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý đảm bảo tưới, tiêu hiệu quả. Đề xuất phương án, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với địa phương, đơn vị, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão.

Đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời thông tin về Sở Nông nghiệp và PTNT để phối hợp giải quyết./.

Tin cùng chuyên mục