,

Trồng trọt-BVTV

Tuyên Quang đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ mùa năm 2023

Hiện nay toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành thu hoạch vụ xuân, tập trung sản xuất vụ mùa 2023. Năng suất lúa bình quân ước đạt 60 tạ/ha, ngô ước đạt 46,2 tạ/ha. Tính sơ bộ, sản lượng lúa ước đạt trên 110.000 tấn, ngô 38.000 tấn, đạt 100% so với kế hoạch...

Để sản xuất kịp thời vụ, tạo tiền đề cho sản xuất vụ Đông - Xuân năm 2023, ngay sau khi thu hoạch lúa Xuân, gia đình ông Lã Văn Thường, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) đã tập trung làm đất gieo mạ, đến nay gia đình ông đã hoàn thành gieo cấy trên 2.000 mét vuông diện tích lúa mùa, hiện gia đình đang tập trung bón phân cho cây lúa, đồng thời thường xuyên thăm đồng giữ mực nước cho cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần đẩy nhanh tiến độ làm đất.

Có mặt tại thị trấn Lăng Can, đi trên các cánh đồng, đâu đâu cũng rền vang tiếng máy làm đất. Ông Nguyễn Trần Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, địa phương đang tập trung đưa cơ giới hóa đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy lúa mùa. Đến thời điểm này, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình đã tăng cường công tác chỉ đạo nhằm đảm bảo gieo cấy lúa vụ mùa theo đúng khung lịch thời vụ với các giải pháp được tập trung chỉ đạo để triển khai thực hiện cụ thể như: Chỉ đạo chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ sản xuất vụ Mùa như: Giống, phân bón, công tác thủy lợi... theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời với thiên tai, nhất là mưa lớn, lũ có thể xảy ra nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất. Quan điểm chỉ đạo của địa phương là phải hoàn thành công tác làm đất trước ngày 30/6 và cấy xong trước ngày 10/7. Vì vậy máy làm đất đến đâu, bà con vệ sinh ruộng ngay đến đó, thời vụ gấp gáp khiến ai cũng bận mải. Ông Nguyễn Văn Chướng - Một chủ máy ở Tổ dân phố Làng Chùa cho biết: Gia đình đã cho máy xuống đồng hơn ba tuần nay. Trước khi vào vụ, máy móc đã được sửa chữa, bảo dưỡng nên rất yên tâm phục vụ bà con.

Vụ mùa này tỉnh Tuyên Quang gieo cấy trên 24,586 ha lúa, trong đó lúa lai 9,022 ha, lúa thuần 15,546 ha, tính đến ngày 15/6/2023 diện tích làm đất đạt trên 13 nghìn ha. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương: Từ tháng 6 - 8/2023, cường độ nắng nóng có khả năng gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất thuận gây ra, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương thu hoạch cây trồng vụ xuân, triển khai sản xuất vụ mùa.  

Hiện nay các ngành chức năng và các địa phương đang tập trung đôn đốc nhân dân tập trung nhân lực, máy móc đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ đảm bảo kịp tiến độ gieo cấy vụ mùa đúng khung thời vụ, nhất là đối với diện tích trà lúa mùa sớm để trồng cây vụ đông. Tập trung cấy trà lúa mùa sớm xong trước ngày 20/6; trà lúa mùa chính vụ cấy xong trước ngày 10/7; trà lúa mùa muộn cấy xong trước ngày 20/7 (áp dụng đối với diện tích thường xuyên bị ngập úng, ven sông, ven suối). Chuẩn bị đủ lượng giống lúa ngắn ngày như: KM18, Thiên ưu 8, Đài thơm 8,... để dự phòng gieo cấy bổ sung cho những diện tích có khả năng bị ngập úng khi mưa lớn xảy ra làm mạ và lúa bị chết. Rà soát những diện tích gieo cấy lúa kém hiệu quả, những diện tích thường xuyên thiếu nước để chỉ đạo, hướng dẫn chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đôn đốc nhân dân tập trung chăm sóc cho mạ và lúa mới cấy. Bón lót phân chuồng hoai mục, phân lân, phân NPK hoặc phân phức hợp trước khi bừa cấy lần cuối. Khi thời tiết nắng nóng xảy ra cần giữ nước ngập chân ruộng mạ, không bón đạm cho mạ; giữ nước ngập mặt ruộng cấy; trên diện tích lúa sạ duy trì mực nước ngập xăm xắp mặt ruộng. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng; hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp; tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, buôn bán giống, vật tư nông nghiệp trên địa bàn quản lý; đảm bảo có đủ nguồn giống, phân bón, thuốc BVTV đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ sản xuất; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ban Quản lý công trình thủy lợi cơ sở, các Hợp tác xã thường xuyên kiểm tra, tu sửa các công trình thủy lợi; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tích nước vào các hồ chứa; tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn nước, điều tiết nước tiết kiệm, hợp lý đảm bảo tưới, tiêu hiệu quả. Đề xuất phương án, giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai phù hợp với địa phương, đơn vị, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão.

Với sự chỉ đạo sâu sát, sự quan tâm kịp thời của các ngành và địa phương cùng với đó là tinh thần hăng say lao động của bà con là tiền đề Tuyên Quang hướng tới một vụ mùa thắng lợi.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục