,

Bộ trưởng BNN&PTNT

Ghi chép từ diễn dàn nông nghiệp toàn cầu

 

Thế giới quả là rộng lớn, và có rất nhiều việc phải làm.

“Hằng hà sa số” những điều chưa biết, những điều mới lạ.

Mỗi một chuyến đi là thêm một cơ hội tiếp cận những điều cần tìm hiểu, những điều cần học hỏi, “nhiều như số cát sông Hằng”.


Tham dự Diễn đàn quốc tế về nông nghiệp tại Ấn Độ thực sự là cơ hội để được hiểu nhiều hơn về những điều thế giới đang quan tâm, những sáng kiến đang được thảo luận, đề xuất, những thành tựu khoa học, đổi mới sáng tạo đang được thực hiện, ứng dụng. Ngay từ chủ đề diễn đàn, đã gợi mở suy nghĩ về các vấn đề mang tính gắn kết toàn cầu: “One Earth - One Family - One Future”, “Một Trái đất - Một Gia đình - Một Tương lai”.

Diễn đàn đa phương thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức, nhiều đối tác, nên thời lượng phát biểu của mỗi đại biểu chỉ giới hạn trong vài phút. Do đó, một lúc khó mà hình dung được hết những gì mọi người đang làm, sẽ làm, nhưng vẫn có thể mường tượng những cách tiếp cận khá mới mẻ, sát thực.

Thế giới rộng lớn vô cùng với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nước chủ nhà đã trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, diện tích chiếm hầu hết một tiểu lục địa. Song, dù là quốc gia giàu nhất hay có điều kiện khó khăn nhất, đã phát triển hay vẫn đang trên đường phát triển, đông dân nhất hay ít dân nhất, đều đối mặt với hàng loạt thách thức chung, liên quan đến: an ninh lương thực, mất cân bằng dinh dưỡng và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bất ổn cục bộ xảy ra nơi này nơi kia…

Thế mới hiểu, vì sao một diễn đàn dành riêng cho nông nghiệp, trong bối cảnh thế giới còn quá nhiều việc cần tập trung giải quyết, vẫn luôn thu hút sự quan tâm, tham gia tích cực. Thế mới hiểu, dù thịnh vượng đến mức nào, hùng mạnh đến đâu, đã tiến vào kỷ nguyên công nghiệp hoá, kinh tế số đến cấp độ nào, thì lương thực, thực phẩm vẫn luôn là mối bận tâm hàng ngày trong mỗi gia đình, mỗi đất nước, và cả hành tinh.

Thế mới hiểu, thế giới ngày càng “phẳng” và nối kết hơn, nhưng mỗi quốc gia đều xác lập vị thế và tìm kiếm cơ hội của riêng mình, đồng thời, luôn cần đến nhau, học hỏi lẫn nhau, để chung tay giải quyết những vấn đề cấp thiết và cùng tiến về phía trước theo nguyên tắc “win-win”: các bên cùng có lợi, cùng thắng.

Có lẽ thông điệp của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong phiên khai mạc đã nói lên tất cả: “Nông nghiệp là trái tim của văn minh nhân loại và sẽ tiếp tục là tương lai của loài người”.

Điều nhận ra đầu tiên là nông nghiệp tất cả quốc gia đều đang đối mặt với những thách thức gần tương tự nhau: diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, biến đổi khí hậu, khủng hoảng nguồn nước, dịch bệnh có tính phổ biến, chi phí đầu vào gia tăng do khan hiếm nguyên liệu và gián đoạn, đứt gãy chuỗi logistics, khủng hoảng đầu ra do thương mại toàn cầu bị chi phối bởi các chính sách bảo hộ, chuyển đổi xu thế tiêu dùng theo hướng dinh dưỡng, sức khỏe, xanh…

Những thách thức đó tác động trực tiếp đến nông nghiệp, nhất là những nông hộ quy mô nhỏ. Những nhóm cộng đồng nông dân dễ bị tổn thương đó, lại chính là những người góp phần quan trọng đảm bảo cho an ninh lương thực cho cả thế giới.

Những nhóm đối tượng trực tiếp canh tác, sản xuất đó cần được tiếp cận khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, để nâng cao khả năng chống chịu với những bất trắc hàng ngày, vượt qua những rủi ro mỗi mùa vụ.

Tiếp đến, đã có những chương trình cấp độ quốc gia, cùng sự tài trợ, tư vấn của những tổ chức quốc tế, đưa những phát kiến mới, những giải pháp khoa học công nghệ, thông qua cách thức tổ chức khuyến nông cộng đồng để người nông dân dễ học, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Các quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp đa dạng, phù hợp, đồng bộ, để chuyển đổi phương thức canh tác có thể làm thay đổi tích cực cuộc sống, hỗ trợ người nông dân điều kiện, kiến thức, kỹ năng cần thiết, tham gia một cách chủ động hơn vào chuỗi giá trị. Mỗi sản phẩm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, dù lớn dù nhỏ, đều không tách rời những nhu cầu thiết thân của hàng triệu nông dân quy mô nhỏ.

Một điểm khá thú vị là đã có nhiều sáng kiến giúp phụ nữ và thanh niên nông thôn tiếp cận những chương trình khởi sự lập nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều quốc gia xem đó là chính sách ưu tiên để hình thành những nhóm làm nông mới, trở thành cầu nối đưa khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp về với nông thôn xa xôi.

Cách tiếp cận của quốc tế là giúp các nhóm nông dân nâng cao năng lực thích ứng với công nghệ, để thay đổi cách làm trồng trọt, chăn nuôi, hình thành hệ sinh thái công nghệ cho cộng đồng dân cư nông thôn, giảm thiểu những tác động, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng cao hay thay đổi đột biến...

Một điều ghi nhận là phúc lợi cho nông dân luôn được quan tâm, nhưng không phải chỉ bằng các chính sách giảm nghèo giản đơn. Phúc lợi cho nông dân chính là xoay quanh các giải pháp đồng hành, giúp người nông dân làm chủ công nghệ, tiếp cận với nhà khoa học, lực lượng khuyến nông, để xử lý những tình huống thực tiễn phát sinh trên ruộng đồng.

Thật ấn tượng trước hình ảnh người nông dân xuất hiện với nụ cười tràn đầy hạnh phúc trên những tấm pa-nô giới thiệu, quảng bá. Càng ấn tượng hơn, khi trong không gian giới thiệu thành tựu khoa học công nghệ nông nghiệp, hình ảnh người nông dân ngồi giữa cánh đồng, kết nối bằng kênh radio, thiết bị thông minh, để nhận được tư vấn từ cơ quan khuyến nông địa phương.

Và cảm xúc làm sao, khi phía trên các gian hàng trưng bày đều thống nhất gửi gắm thông điệp “Empowering Farmers” - có thể hiểu là “Tạo vị thế, nâng cao năng lực cho người nông dân”.

Những sản phẩm nghiên cứu hỗ trợ người nông dân bằng những thiết bị đơn giản như bộ test kit giúp phân tích chất lượng đất, để đưa ra cách thức cải thiện dinh dưỡng cho đất. Những thiết bị không người lái tích hợp cảm biến có thể xác định những thông số về dịch hại, phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định phun tưới phân thuốc chính xác, tránh gây lãng phí.

Những nghiên cứu tạo ra nhiều dòng sản phẩm đa dạng từ một loại nông sản chủ lực, như: mỹ phẩm, dược phẩm từ hoa, thân, nhánh, lá, rễ của một loại cây trồng. Những thử nghiệm thay đổi gen để tạo nên hạt gạo chuyên biệt, phù hợp từng đối tượng người tiêu dùng.

Những sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đều đáp ứng sát nhu cầu và hướng tới người nông dân, theo đúng chiến lược “Empowering Farmers” - “Tạo vị thế, nâng cao năng lực cho người nông dân”.

Chuyến thăm và trao đổi với Hội đồng Nghiên cứu Nông nghiệp mở ra nhiều suy nghĩ về cách thức tổ chức khoa học công nghệ.

Ngay nội hàm “Nghiên cứu nông nghiệp” đã cho thấy sứ mạng, sự bao quát, đồng bộ của tổ chức này. Yêu cầu phát triển lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ là khoa học kỹ thuật, tích hợp công nghệ, mà còn bao hàm các yếu tố kinh tế, xã hội học nông thôn và chính sách phúc lợi nông dân.

Trong khoa học công nghệ đã tích hợp giải pháp từ nhiều bộ môn: dinh dưỡng đất, giống và công nghệ lai tạo, quy trình sản xuất, các giải pháp tưới tiêu, hạn chế dịch hại; công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; hữu cơ và an toàn thực phẩm; ứng dụng nền tảng dữ liệu bằng công nghệ số; giáo dục nông nghiệp, huấn luyện nông dân; chế tạo máy móc, thiết bị giúp nông dân cải thiện năng suất, sản xuất, chế biến nông sản hiệu quả hơn.

Hội đồng được tổ chức liên thông gồm nhiều tổ chức khoa học nông nghiệp, định hướng những nghiên cứu đều phải phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp của đất nước. Sự liên thông giữa các tổ chức khoa học, tư duy tích hợp giữa các chuyên ngành, giúp cho hoạt động nghiên cứu đồng bộ theo chuỗi ngành hàng và tạo ra hiệu quả, giá trị cho xã hội.

Cơ cấu của Hội đồng gồm các Viện nghiên cứu liên kết chặt chẽ với các Đại học và các Trung tâm khoa học nông nghiệp cấp huyện, tạo nên hệ sinh thái nghiên cứu và phát triển nông nghiệp đồng bộ, lấy mục tiêu chính là thúc đẩy đổi mới sáng tạo nông nghiệp, phục vụ cho nông dân quy mô nhỏ.

Cơ cấu liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức khoa học với nhau là cần thiết vì không một tổ chức nào hội đủ nguồn lực để có thể tạo ra một giải pháp đồng bộ bao gồm các yếu tố: kỹ thuật chuyên ngành, công nghệ, máy móc thiết bị, tính kinh tế và thị trường hoá…

Suy nghĩ sâu hơn, đó chính là tinh thần hợp tác của những tổ chức nghiên cứu khoa học. Cơ chế nối kết giữa các viện, trường với các Trung tâm khoa học cấp địa phương để những sản phẩm nghiên cứu có tính ứng dụng cao, lan toả và tạo ra giá trị thực sự.

Điều đó thể hiện tinh thần sẵn sàng chia sẻ giá trị nghiên cứu khoa học tạo ra giá trị cho cuộc sống. Phải chăng, tư duy hợp tác nghiên cứu và tư duy chia sẻ giá trị làm nên tinh thần khoa học?

Một nguyên lãnh đạo Bộ NN-PTNT từng trăn trở, các nghiên cứu của chúng ta nếu không được định hướng, sẽ xa rời Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Những giá trị cốt lõi của Chiến lược là: giảm chi phí, tăng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm chế biến; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ tăng trưởng đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị. Chiến lược hướng đến nền nông nghiệp xanh, sinh thái, tuần hoàn, tái sinh, giảm phát thải… 

Những cách tiếp cận từ Chiến lược phải được luận chứng trong từng hoạt động nghiên cứu khoa học, giải pháp công nghệ. Đồng thời, những đề tài nghiên cứu khoa học, những giải pháp hữu ích cần được phát huy trong không gian rộng và lan toả giá trị đến doanh nghiệp, nông dân.

Những thách thức, rủi ro đối với nông nghiệp đều tương tự nhau ở các đất nước, dù có thể khác nhau về cấp độ. Công nghiệp hoá, đô thị hoá tạo ra xung đột trong quá trình phát triển. Người dân nông thôn tập trung về các đô thị, để lại nông thôn chỉ còn những người yếu thế, dễ bị tổn thương.

Vấn đề là tìm ra giải pháp thích ứng, thay vì than vãn, đổ lỗi. Khi gặp khô hạn, nắng nóng, với quan điểm xác định tích nước tưới tiêu không phải giải pháp duy nhất, Ấn Độ đã nghiên cứu lai tạo ra hàng ngàn loại giống thích ứng điều kiện thiếu nước, chịu nhiệt. Chi phí đầu vào tăng, thì nghiên cứu giải pháp công nghệ để tiết kiệm lượng giống, phân thuốc. Dịch hại, thì nghiên cứu thay đổi gen, hình thành nhiều giống kháng đa bệnh, tận dụng tri thức địa phương, nhằm hạn chế tác hại của côn trùng.

Bối cảnh phức tạp, khó lường càng cho thấy: không có gì là bất biến. Sự thay đổi linh hoạt, chủ động thích ứng luôn là động lực để mỗi tổ chức, mỗi đất nước tiến lên. Những gì tồn tại quá lâu thường được xem như hoàn hảo, nhưng cũng cần ý thức về “quán tính”, về sự bị động trước những thay đổi nhanh chóng, không ngừng đang diễn ra trên khắp thế giới. Trước mỗi khó khăn, thách thức, đều có giải pháp. Người thành công tìm kiếm giải pháp, người thất bại tìm cách biện minh.

Buổi làm việc với một doanh nghiệp hàng đầu về giống đem đến không ít bất ngờ. Cách thức mở đầu bài thuyết trình, người trình bày không giới thiệu ngay về tiềm năng của doanh nghiệp, mà giới thiệu tổng quan về Chiến lược nông nghiệp của đất nước, trong đó, có những thành tựu nghiên cứu về công nghiệp giống.

Kế đến mới trình bày những thông tin sơ lược về năng lực và thành tựu nghiên cứu, công nghệ của doanh nghiệp. Song song đó, nội dung trình bày còn phân tích việc áp dụng công nghệ tích hợp, công nghệ số dần trở nên phổ biến, để tạo ra sản phẩm công nghệ tối ưu cho nông dân sử dụng. Việc hình thành các câu lạc bộ doanh nghiệp tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp có thể vươn xa, khai mở, từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Rời Diễn đàn nông nghiệp toàn cầu, tạm biệt đất nước hình kim cương, vẫn mang theo cảm xúc với hình ảnh người nông dân được giới thiệu trang trọng trên các pa-nô dọc theo các tuyến đường phố. Đúng là “nông dân là chủ thể”, là mục tiêu hướng tới trong xây dựng chính sách, hoạt động khoa học công nghệ gắn với nông nghiệp. Đặc biệt, thông điệp xuyên suốt trong các phát biểu đều hướng về nông nghiệp quy mô nhỏ, những người nông dân dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau.

Lại nhớ về câu: “Tôi sinh ra ở nông thôn và bố mẹ tôi là nông dân”.

nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục