,

Nông thôn mới

Mùa quả chính trên sườn Núi Bắng

Núi Bắng nằm dọc bờ phía tây nơi hợp lưu giữa sông Lô và sông Gâm thuộc địa phận xã Thắng Quân, nay sáp nhập đổi tên thành thị trấn Yên Sơn. Khu vực này còn có nhiều tên gọi khác như: Ngã Ba Luồng, Cửa Sông, Hòn Lau, Hòn Vang. Nơi đây, ở dưới sông thì có nhiều vực xoáy, trên núi địa hình lại hiểm trở, độ dốc cao, đi lại rất khó khăn; trước kia cả hai bờ sông là những đám lau sậy, cây bụi, dây leo rậm rạp chạy dài lên cả sườn núi Bắng. Chính khu vực này cách đây hơn 70 năm, quân và dân ta đã bắn chìm hai tàu chiến và một ca nô của quân Pháp trong Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947.

Đổi mới “Làng lên phố”

Thực hiện Nghị quyết số 1262/NQ-UBTVQH14, ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thắng Quân, Tứ Quận, Lang Quán và thành lập thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn), toàn bộ khu núi Bắng nằm tiếp giáp địa bàn của 3 tổ dân phố đó là Văn Lập, Thắng Quân và Địa danh “Khe Lau” nổi tiếng ngày ấy bây giờ thuộc tổ dân phố Hồng Thái, thị trấn Yên Sơn.

Mảnh đất lịch sử nơi đây, trước kia hiểm trở, hoang vu mà nay đã trở thành một vùng trồng cây ăn quả có múi trù phú, tốt tươi với cả một vạt sườn Đông dãy núi được phủ màu xanh của cả hàng ngàn cây cam, cây bưởi; điểm xuyến trong tán lá là những chùm quả chín vàng, mọng nước toả mùi thơm man mát của vị bưởi, hương cam càng tạo động lực hăng say làm việc cho người lao động và tăng thêm sự phấn khích đối với các thương lái đến mua và tiêu thụ sản phẩm, góp phần làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương lịch sử.

Dấu ấn người khai nghiệp

Vào những năm 2006-2007, khi những mảnh đất màu mỡ phù hợp với trồng cây cam, cây quýt tại huyện Hàm Yên ngày càng trở nên khan hiếm, do phong trào trồng cây ăn quả trên vùng đất này được mở rộng quá nhanh; trong khi đối với cây cam, quýt nếu trồng lại luân kỳ 2 trên cùng mảnh đất đó sẽ phải đầu tư chi phí nhiều mới hy vọng cây trồng cho thu nhập. Từ những khó khăn trên cùng với kinh nghiệm qua nhiều năm trồng cây ăn quả có múi trên vùng đất Cam sành Hàm Yên, anh Trần Quốc Quân cư trú tại xã Trung Môn, huyện Yên Sơn đã có công lớn trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng, mạnh dạn đưa cây cam, cây bưởi lên trồng tại khu vực sườn Đông núi Bắng. Với bao vất vả, vui buồn từ lúc chỉ có duy nhất gia đình anh lên đây khai đất trồng cam, để đến nay núi Bắng không những là khu địa danh lịch sử chiến thắng “Khe Lau” mà còn trở thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi chất lượng cao của thị trấn Yên Sơn.

Anh Trương kiểm tra độ chín của cam  trước khi thu hoạch

Kết quả ngọt ngào

Trải qua hơn 15 năm kể từ thời điểm gia đình anh Trần Quốc Quân lên núi Bắng khai nghiệp đến nay đã có thêm gần 40 hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia trồng cây ăn quả trên hầu hết diện tích sườn Đông của núi Bắng, tạo thành vùng chuyên canh cây ăn quả có múi với sản lượng thu hoạch niên vụ 2022-2023 ước đạt cả nghìn tấn quả các loại có chất lượng tốt được thị trường ưa chuộng, đem lại giá trị kinh tế rất cao, trong đó có khá nhiều hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/vụ.     

Điển hình là hộ gia đình anh Trần Văn Trương, sinh năm 1969 và chị Trần Thị Tuyết, sinh năm 1976 cùng cư trú tại tổ dân phố Văn Lập, thị trấn Yên Sơn. Anh Trương cho biết, mặc dù xuất phát điểm khá muộn nhưng được tận mắt thấy sự thành công của trồng cây ăn quả đem lại cùng sự động viên của gia đình anh trai Trần Quốc Quân nên năm 2013, anh bàn với vợ cùng quyết tâm lên núi phát triển kinh tế gia đình trên phần diện tích gần 3 ha đất do gia đình anh trai cho tặng. Những năm đầu gia đình anh tập trung trồng 400 gốc cam Vinh và 200 gốc cam sành để chăm sóc, do hợp chất đất cùng với sự cần cù lao động làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh hại nên sau gần 4 năm vườn cây của gia đình anh sinh trưởng, phát triển nhanh và bắt đầu cho quả bói; nhìn thấy có hy vọng, năm 2017 anh tiếp tục đầu tư giống trồng thêm 500 gốc cam Vinh và 200 gốc cam V2 với mục đích thu hoạch quả dải vụ và thuận lợi cho việc gối chuyển trồng cây ở luân kỳ 2 sau này.

Từ vụ quả năm 2018 đến 2020 gia đình anh thu hoạch trung bình từ 50-60 tấn/vụ, năm 2021 bán được khoảng hơn 80 tấn quả thu về trên 600 triệu đồng, niên vụ 2022 -2023 gia đình anh dự kiến thu hoạch trên 100 tấn quả trong đó khoảng 75 tấn cam Vinh, 25 tấn cam sành và vài ba tấn cam V2, với giá cả thị trường ổn định trung bình trong dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão khoảng 10.000 đồng/kg bán giao tại vườn, thì năm nay vợ chồng anh, chị cũng thu về khoảng 700 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Trương cho biết thêm, ngay sau khi có sản phẩm cam bán ra thị trường, với phương châm sản xuất ra sản phẩm phải an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp lao động sản xuất và khách hàng sử dụng thì sản phẩm làm ra mới có uy tín, thương hiệu bền vững. Với những suy nghĩ như trên anh Trương đã cùng một số hộ sản xuất trên núi Bắng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quốc Quân; cùng với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và địa phương, sản phẩm cam của Hợp tác xã đã được Ủy ban nhân tỉnh Tuyên Quang cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao với tên thương hiệu của sản phẩm “Cam Thắng Quân”. Qua trao đổi, ông Nguyễn Đức Quyến Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Sơn cho biết: Khu vực sườn Đông núi Bằng xưa kia hiểm trở là thế, nay đã trở thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả có múi chất lượng cao của thị trấn Yên Sơn và đem lại thu nhập cao cho bà con nông dân trực tiếp canh tác trên mảnh đất này. Ngày 10/12/2021 UBND huyện Yên Sơn đã ban hành Quyết định số 650/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện Yên Sơn, giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030” trong đó có tua du lịch trải nghiệm đi qua khu vực sườn Đông núi Bắng để thăm các mô hình trồng trọt, Di tích lịch sử “Khe lau” và Thủy điện Sông lô 8B… bởi thế, tương lai nơi đây sẽ trở thành điểm sáng vể mô hình phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm trên địa bàn huyện Yên Sơn để cùng chung tay xây dựng nông thôn đổi mới./.

Nguyễn Mạnh Tường - TTKN

Tin cùng chuyên mục