,

Lâm nghiệp

Cây Di sản - Báu vật nghìn năm tuổi giữa núi rừng Na Hang

Vùng rừng núi Na Hang có hàng nghìn cây nghiến cổ thụ được ví như “kho vàng”. Có cây sống lâu bằng cả mấy đời người. Trong những ngày đầu năm mới, cùng với với khí thế tưng bừng, rộn ràng khắp các bản làng. Chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Na Hang càng vui mừng và tự hào hơn khi có 2 cây nghiến cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Trời vừa sáng, chúng tôi gấp rút lên đường theo đoàn của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng kiểm lâm huyện Na Hang (Tuyên Quang) đi đến vị trí cây nghiến cổ thụ tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương để tổ chức Khánh thành gắn biển bia Cây di sản Việt Nam. Vượt qua những dốc đá cheo leo, những con đường mòn thăm thẳm, trước mắt chúng tôi hiện ra cánh rừng xanh ngút mắt với hàng trăm cây nghiến cổ thụ. 

PGS.TS. Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Hội đồng Cây Di sản Việt Nam (đi đầu) cùng Kiểm lâm huyện Na Hang trên đường đến vị trí cây nghiến nghìn năm tuổi.

Qua trăm năm thẩm thấu nắng mưa, những cây nghiến vỏ xù xì đầy rêu mốc, rễ luồn lách qua từng kẽ đá đâm sâu vào lòng đất như để minh chứng cho sức sống bền bỉ. Có những cây cả mấy cán bộ kiểm lâm ôm không hết.

Nghiến được xếp vào gỗ quý nhóm 2A. Đây là loài cây có độ cứng cao, chịu nước rất tốt. Một m3 gỗ nghiến có trọng lượng khoảng 1 tấn, độ ẩm trong gỗ chỉ khoảng 15%.

Ông Ma Thanh Khiết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang cho biết: Đã là gỗ nghiến thì đều quý, nhưng nghiến núi đá thì là cực phẩm. Bởi trong điều kiện khó khăn nên cây lớn rất chậm. Nhưng chính cái sự chậm lớn ấy lại làm nên giá trị của nó. Nghiến núi đá cây nào cũng cứng, chắc và rất bền.

Cây nghiến nghìn tuổi vỏ xù xì, rễ luồn lách qua từng kẽ đá đâm sâu vào lòng đất.

Trên địa bàn huyện Na Hang hiện có trên 21 nghìn ha rừng đặc dụng, hơn 22 nghìn ha rừng phòng hộ, nghiến là cây thuộc nhóm 2A đặc biệt quý hiếm. Để có hệ thực vật phong phú như hiện nay, các lực lượng bảo vệ rừng đã vận dụng tri thức bản địa, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Lực lượng chức năng lập ra rất nhiều chốt bảo vệ rừng; đào rãnh xung quanh làm đường cản lửa phòng, chống cháy rừng; đặc biệt luôn ghi nhớ tên từng loài cây và loài cây ấy thuộc nhóm gỗ nào, giá trị của từng loài ra sao và ở đâu có thú rừng sinh sống để có phương án bảo vệ cụ thể…

Cây Nghiến nghìn tuổi trong đại ngàn rừng nguyên sinh tại thông Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang, Tuyên Quang) được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Bao năm qua, rừng chở che, tạo lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để rừng mãi xanh, ngoài trách nhiệm, ở những người bảo vệ rừng còn có tình yêu thiên nhiên, yêu núi rừng hùng vĩ. Chuyện giữ rừng đối với họ là mệnh lệnh và mệnh lệnh đó luôn xuất phát từ trái tim…

Chính từ mệnh lệnh trái tim mà bao đời nay, cùng với các đơn vị chức năng của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, người dân cũng đã có ý thức bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.

Ông Lục Văn Thiên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Thanh Tương, huyện Na Hang cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn thôn Bản Bung, về phía Trạm Kiểm lâm thường xuyên chỉ đạo cho kiểm lâm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền đến bà con nhân dân trên địa bàn, tích cực phối hợp tham gia thực hiện tuần tra, kiểm tra, cũng như quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, khi 2 cây nghiến được công nhận là Cây Di sản Việt Nam, công tác tuyên truyền cũng như thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch và thường xuyên báo cáo kịp thời các vụ việc trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo, phối hợp với các lực lượng liên quan để giải quyết các vụ việc theo quy định.

Ông Lục Văn Thiên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Ông Triệu Thế Hải, Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang, Tuyên Quang) cho biết: “Hôm nay, được đoàn của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng Hạt Kiểm lâm huyện lên bản công nhận 2 cây Di sản khiến bà con trong bản chúng tôi rất phần khởi. Tới đây, chúng tôi tiếp tục vận động người dân, cùng nhau chung tay để bảo vệ 2 cây Di sản này cũng như các cây cổ thụ khác. Bởi Bản Bung là vùng lõi rừng đặc dụng rồi nên những năm qua, người dân cũng rất có ý thức bảo vệ. Với truyền thống tôn thờ những “cụ” thụ mộc, những người lớn tuổi ở bản còn thường dặn lớp trẻ mỗi lần đi ngang qua cây đều phải giữ im lặng, cúi đầu tôn kính như một cách để cảm tạ thần rừng”.

Hai cây nghiến trên có tuổi đời hơn 1.000 năm tuổi, có chu vi trên 6m, cao 36m, 1 cây nằm tại khu rừng Khau Ngọm và 1 cây nằm tại khu rừng Nàng Phia Đén đều thuộc thôn Bản Bung, được nhân dân bảo vệ, giữ gìn từ nhiều đời nay.

Việc công nhận 2 cây gỗ nghiến là cây Di sản Việt Nam là niềm tự hào không chỉ đối với chính quyền và người dân xã Thanh Tương mà còn là niềm vui chung của huyện Na Hang. Việc xác định là cây Di sản để có chính sách bảo vệ. Bởi ngoài giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, cây Di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.

Đoàn công tác Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cùng Hạt Kiểm lâm huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

TS. Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường (VACNE) cho biết: Tuyên Quang là tỉnh có độ che phủ rừng vào loại cao nhất của cả nước, điều đó chứng tỏ rằng ở đây người dân đã biết giữ gìn cái vốn quý của đất nước, của dân tộc dành cho địa phương của mình. Tại Tuyên Quang cũng có rất nhiều cây Di sản thuộc chủng loại khác nhau và điều đó nói lên sự phong phú, đa dạng của vùng đất linh thiêng này.

Cũng theo TS. Nguyễn Ngọc Sinh, việc công nhận 2 cây nghiến cũng như các cây khác là cây Di sản Việt Nam mang rất nhiều ý nghĩa. Trước tiên là về mặt đa dạng sinh học, sinh thái, môi trường… Nhưng luôn luôn, những cây Di sản với tuổi đời hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm gắn liên với các yếu tố về lịch sử, văn hoá, dân tộc, thậm chí cả những yếu tố về cách mạng, đời sống,… Chính vì những điều đó, bảo vệ cây di sản không chỉ là việc làm để tri ân thế hệ đi trước mà còn có giá trị thời đại. Bởi cây Di sản nếu biết bảo tồn và phát huy tốt những giá trị hiện có thì sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc biệt, vô cùng hấp dẫn. Cây Di sản sau khi bảo tồn có giá trị về phát triển du lịch…

Trong đêm khai mạc Lễ hội "'Hương sắc Na Hang 2024" diễn ra vào ngày 2/3/2024, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công bố Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây nghiến nghìn năm tuổi tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Lãnh đạo Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao Quyết định công nhận Cây Di sản Việt Nam đối với cây nghiến nghìn năm tuổi tại thôn Bản Bung, xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Trong khuôn khổ Lễ hội, du khách và nhân dân được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ nổi tiếng trình diễn mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Na Hang, cùng trải nghiệm các hoạt động như: thưởng thức trà Shan Tuyết Na Hang; tham quan cây di sản Việt Nam, hang Bó Kim, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương; các hoạt động văn hóa, thể thao, trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương; trải nghiệm tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam; tham quan làng văn hóa du lịch Khâu Tràng; trải nghiệm các vườn lê, thưởng thức ẩm thực dân tộc và tìm hiểu văn hóa dân tộc Dao Tiền tại xã Hồng Thái. Du khách cũng được dịp tham quan, trải nghiệm quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Danh lam thắng cảnh Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình...

Na Hang là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, là nơi có điều kiện tự nhiên đặc biệt, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Truyền thống văn hóa, lịch sử và thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng tạo cho Na Hang địa thế độc đáo, là nơi hội tụ, giao thoa sắc thái văn hóa các dân tộc thiểu số. Huyện Na Hang phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế; đón trên 350.000 lượt khách du lịch, doanh thu xã hội từ du lịch đạt hơn 430 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng hơn 5.600 lao động.

Tạp chí điện tử Thiên nhiên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục