,

Thủy sản

Bảo đảm an toàn thủy sản mùa mưa bão

Trong mùa mưa bão, một trong những mối lo của người nuôi thủy sản là nguy cơ thất thoát sản phẩm khi xảy ra tình huống thiên tai. Vì vậy ngành Nông nghiệp, các địa phương và nhất là người dân đang tích cực triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có mưa bão xảy ra, bảo đảm an toàn vùng nuôi thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Gia đình ông Hoàng Duy Tới là một trong những hộ có ao nuôi thủy sản lớn ở thôn Núi Cẩy, xã Hoàng Khai (Yên Sơn). Ông Tới cho biết, gia đình có hơn 5 ha ao nuôi thủy sản với các loại cá chép, mè, trôi và trắm cỏ. Do địa hình thôn Núi Cẩy thấp, nằm cuối xã nên khi mưa lũ, dòng nước đổ về rất nhiều, để bảo đảm an toàn cho ao nuôi cá, gia đình đã chủ động kiểm tra bờ bao, gia cố thêm các điểm xung yếu cho chắc chắn; bổ sung vitamin và khoáng chất nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Ngoài ra ông còn chuẩn bị lưới sẵn sàng quây quanh bờ để giữ cá nếu mưa nhiều gây tràn bờ, giảm thiệt hại...

Các hộ nuôi cá lồng ở xã Vân Sơn (Sơn Dương) kiểm tra, vệ sinh lưới lồng tạo sự thông thoáng cho lồng nuôi.

Đồng chí Triệu Hồng Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Khai cho biết, bước vào mùa mưa bão, địa phương đã xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn nhân lực và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó hiệu quả với mưa bão. Đối với các hộ nuôi thủy sản, xã chỉ đạo người dân kiểm tra và tu bổ bờ ao chắc chắn; phát quang cành cây xung quanh ao và khơi thông mương, rãnh, tạo đường thoát nước...

Do ảnh hưởng của đợt mưa lớn vào tháng 5-2022, nhiều hộ nuôi cá tại xã Vân Sơn (Sơn Dương) bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Rút kinh nghiệm năm trước, ngay từ khi bắt đầu bước vào mùa mưa bão năm nay, các hộ nuôi cá ở Vân Sơn đã triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi cá. Ông Hoàng Minh Đô, thôn Mãn Sơn cho biết, để bảo vệ 30 lồng cá, ông đã chủ động kiểm tra, gia cố lại lồng bè, chuẩn bị sẵn sàng lưới quây để chống thất thoát cá khi có mưa lớn. Ngoài ra, ông Đô cũng chuẩn bị sẵn sàng máy bơm nước, máy khuấy tạo ô - xy để sử dụng khi cần điều tiết nước, điều hòa ô - xy trong nước cho cá; đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp thu hoạch, bảo vệ kịp thời, tránh thất thoát cá trong lồng ra ngoài.

Hiện nay, xã Vân Sơn có hơn 10 hộ nuôi với trên 70 lồng nuôi cá trên sông Lô. Đồng chí Âu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: “Năm 2022, do ảnh hưởng của mưa lớn vào tháng 5 đã gây thiệt hại nhiều lồng cá của người dân. Do vậy, năm 2023, để bảo vệ các lồng cá khi mùa mưa bão đến, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã có văn bản gửi đến các thôn, đồng thời tuyên truyền, cảnh báo người dân cần bố trí, sắp xếp vị trí lồng cá, không để lồng cá ở các nơi nước lũ chảy xiết; gia cố lại trụ cột, thay mới những tấm lưới cũ, rách; hướng dẫn người nuôi thủy sản thu hoạch trước mùa mưa, lũ nếu cá đạt kích cỡ thương phẩm nhằm hạn chế thất thoát, thiệt hại kinh tế khi bão, lũ xảy ra”.

\

Người dân xã Vân Sơn (Sơn Dương) chăm sóc, bổ sung thức ăn cho thủy sản nuôi ao.

Không chỉ hai huyện trên, hiện nay, các hộ nuôi trồng thủy sản trong toàn tỉnh đều đang tích cực triển khai các biện pháp bảo vệ thủy sản nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra. Bên cạnh sự chủ động của người dân, ngành chức năng tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp.

Đồng chí Đào Duy Quý, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 3.097 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 2.435 lồng cá, tập trung ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn. Để chủ động ứng phó cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro cho các hộ nuôi thủy sản mùa mưa lũ, trước mùa mưa bão, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã có công văn gửi các huyện về thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo cán bộ chuyên môn tại các huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát ao nuôi, lồng nuôi có nguy cơ xảy ra ngập lụt để tuyên truyền bà con thực hiện biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản.

Ngành Nông nghiệp khuyến cáo, các hộ nuôi trồng thủy sản thường xuyên kiểm tra ao, hồ, lồng, bè, gia cố lại lưới, hệ thống dây neo, các trang thiết bị bảo đảm an toàn và có biện pháp bảo vệ tránh thất thoát thủy sản. Khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng cần khẩn trương thu hoạch các đối tượng nuôi đã đạt kích thước thương phẩm, di chuyển lồng, bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ. Trong thời gian bão, áp thấp nhiệt đới cần giảm hoặc dừng cho cá ăn, khi có mưa lớn tiến hành xả nước tầng mặt; sau mưa, bão cần bổ sung khoáng chất, men tiêu hóa cho đối tượng nuôi và sử dụng chế phẩm sinh học cho ao nuôi...

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục