,

Thủy sản

Nghề cá xứ Tuyên [Bài cuối]: Cú hích nào để thủy sản bứt phá?

Tiềm năng thủy sản ở Tuyên Quang khá lớn, tuy nhiên vẫn cần những cú hích để thủy sản bứt phá, nâng tầm vị thế trong cơ cấu kinh tế của địa phương.

Ngành thủy sản của tỉnh Tuyên Quang đang có bước chuyển mình rõ nét nhưng vẫn cần những cú hích để bứt phá. Ảnh: Đào Thanh.

Vượt rào cản để thủy sản bứt phá

Ngành thủy sản Tuyên Quang những năm qua đã có những dấu ấn nhất định. Địa phương này bước đầu đã định hình được cơ cấu những giống cá có giá trị kinh tế cao và thích ứng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; số lượng các tổ chức, hộ gia đình tham gia nuôi cá lồng và việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cũng được thực hiện tốt hơn…

Giai đoạn 2011 - 2015, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh Tuyên Quang là hơn 11.400ha; số lượng lồng nuôi là 960 lồng; sản lượng nuôi trồng là hơn 9.200 tấn. Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.250 lồng cá, trong đó, trên hồ thủy điện 1.700 lồng, trên sông 555 lồng, với tổng sản lượng cá thu hoạch khoảng 2.000 tấn cá/năm.

Tỉnh Tuyên Quang đã có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP; có 2 cơ sở nuôi cá lồng được Bộ NN-PTNT đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch.

Tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình đồng thời thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai các chính sách như: Nghị quyết số 02 của HĐND tỉnh Tuyên Quang năm 2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn.

Theo Nghị quyết này thì doanh nghiệp có dự án nông nghiệp thuê quyền sử dụng mặt nước của các hộ gia đình, cá nhân sẽ được Nhà nước hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ vay vốn với lãi xuất ưu đãi. Cùng với đó, Quyết định 273 năm 2019, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng thực hiện phê duyệt đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2019 - 2025; Kế hoạch 80 năm 2021 về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Tỉnh Tuyên Quang đã triển khai một số chính sách để thúc đẩy thủy sản phát triển. Ảnh: Đào Thanh.

Các chính sách khuyến khích này đã giúp nhiều tổ chức, hộ gia đình đầu tư phát triển nghề thủy sản có hiệu quả. Anh Vi Ngọc Anh, hộ nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang cho biết, từ các chủ trương khuyến khích phát triển nghề thủy sản, gia đình anh được hỗ trợ vốn vay ưu đãi 600 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay này, anh đã đầu tư phát triển lồng nuôi cá đặc sản và xây dựng nhà hàng nổi phát triển du lịch kết hợp với thủy sản. Số tiền vay là điểm tựa để những hộ dân như gia đình anh phát triển có hiệu quả nghề nuôi cá lồng đặc sản.

Khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển nghề thủy sản, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai các dự án, đề tài như: Dự án lưu giữ, sinh sản nhân tạo một số loài cá bản địa quý hiếm, gồm cá anh vũ, cá bỗng, cá chiên, cá lăng… để lưu giữ, bảo tồn nguồn gen và phát triển công nghệ sản xuất giống cá đặc sản tại cơ sở sản xuất giống đủ điều kiện thuộc Trung tâm Thủy sản; Đề tài nghiên cứu, tiếp nhận các quy trình kỹ thuật sản xuất giống đối với các loài có giá trị kinh t

ế cao; Dự án nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

Trong đó, từ năm 2015 Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang đã nghiên cứu, sản xuất nhân giống thành công nhiều loài cá đặc sản bán ra thị trường. Nổi bật nhất là cá chiên, hằng năm trung tâm này bán ra thị trường hơn 1 vạn con cá chiên giống. Ngoài ra là các loại cá đặc sản khác như lăng, dầm xanh, tầm… cũng được trung tâm sản xuất thành công và bán ra thị trường.

Nuôi cá lồng đặc sản trên sông, hồ đã góp phần cải thiện đời sống của người dân Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Công tác liên kết phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm được chú trọng. Từ năm 2018 đến nay đã có 7 doanh nghiệp, 4 HTX và 156 hộ dân thực hiện liên kết nuôi trồng và tiêu thụ sản phẩm cá đặc sản, cá thương phẩm trên địa bàn các huyện Sơn Dương, Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên. Các mô hình liên kết này đã góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản; giúp người chăn nuôi tìm được đầu ra ổn định và yên tâm gắn bó lâu dài với nghề cá.

Tiềm năng lớn thách thức nhiều

Tuyên Quang có nguồn nước mặt rất lớn, gấp 10 lần nhu cầu nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hiện nay. Lượng mưa hàng năm khá lớn cùng với nguồn nước từ lưu vực sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy, nhiều con suối và với gần 2.000 ha ao, hồ nhỏ quanh năm có nước, đã tạo cho tỉnh nguồn tài nguyên nước phong phú, vào khoảng 5,5 tỷ m3/năm. Trung bình cứ một ha đất tự nhiên có tới 9m sông suối và 9.375m3 nước.  

Cá trên các dòng sông ở Tuyên Quang khá đa dạng và phong phú. Nơi đây có tới 29 giống đa loài (chiếm 40,28%), trong đó có nhiều giống có từ 5 - 7 loài như Botia, Schistura (họ Cobitidae), Balitora (họ Balitoridae), Glytothorax (họ Sisorridae) và Ctenogobius (họ Gobiidae). Có nhiều loài đặc trưng cho vùng núi và vùng nước chảy xiết. Cá ở hệ thống sông Lô, Gâm có tới 99 loài cá giống với cá ở sông Hồng (61%) và sự khác biệt có tới 61 loài (38%).

Tuyên Quang có hệ thống sông hồ dày đặc là tiềm năng lớn để ngành thủy sản phát triển. Ảnh: Đào Thanh.

Tiềm năng lớn là thế, tuy nhiên trong những năm qua ngành thủy sản Tuyên Quang vẫn chưa có nhiều bứt phá. Cụ thể, giá trị kinh tế của ngành thủy sản Tuyên Quang vẫn còn khá khiêm tốn trong bức tranh cơ cấu kinh tế nông, lâm, thủy sản của tỉnh. Trong đó năm 2021, giá trị sản xuất thủy sản đạt 488 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp của tỉnh. Năm 2022, giá trị sản xuất của ngành này là 491 tỷ đồng, chiếm 29% cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp.

Ông Đào Duy Quý, Chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang cho biết, dù đã có bước phát triển, nhưng ngành thủy sản Tuyên Quang vẫn gặp nhiều khó khăn. Như việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản các vùng nuôi tập trung còn hạn chế, chưa đáp ứng được việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Các cơ sở sản xuất giống nhân tạo đã được xây dựng và đầu tư thiết bị, tuy nhiên đối với công nghệ sản xuất các loài cá bản địa, các giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao các cơ sở sản xuất này chưa đáp ứng được.

Trong tiến trình phát triển, hiện nay ngành thủy sản ở Tuyên Quang vẫn còn những khó khăn, rào cản nhất định. Ảnh: Đào Thanh.

Cùng với đó diện tích các vùng nuôi thủy sản hiện nay còn manh mún, nhỏ lẻ, phát triển chưa tuân thủ theo quy hoạch; chưa có vùng nuôi thủy sản tập trung được đầu tư đồng bộ nên gây khó khăn cho công tác quản lý về môi trường và dịch bệnh; chưa hình thành được các vùng nuôi an toàn, chưa tạo ra được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao. Các hộ nuôi trồng thủy sản chưa đầu tư nhiều cho sản xuất do thiếu vốn. Các chính sách khuyến khích ưu đãi cho vay vốn để phát triển sản xuất thủy sản còn có những rào cản. Do đó việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua trang thiết bị, con giống, thức ăn chăn nuôi thủy sản của các hộ nuôi còn thiếu đồng bộ...

Tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu đến năm 2025, số lồng nuôi cá trên hồ thủy điện ở Tuyên Quang được duy trì ổn định là 2.360 lồng, trong đó, huyện Na Hang 1.200 lồng, huyện Chiêm Hóa có 405 lồng, huyện Lâm Bình 135 lồng, huyện Yên Sơn 280 lồng, huyện Hàm Yên 336 lồng… Năng suất bình quân lồng tròn Na Uy công nghệ cao đạt 50 tấn/lồng; 5,7 tấn/lồng 108m3, 0,4 tấn/lồng 9-12m3. Tỉnh phấn đấu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 11.200 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao đạt 995 tấn.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục