,

Nông nghiệp tốt

Xứ Tuyên có gần 400 hộ trồng cam hữu cơ, VietGAP

Những đồi cam sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP đã chín vàng trên các vùng đồi của huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), hứa hẹn cho nông dân thu nhập cả trăm triệu đồng.

Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết, năm 2007, huyện Hàm Yên xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cam sành. Năm 2014, sản phẩm cam sành Hàm Yên đã được công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1973.2007 và TCVN1873.2014… Từ đó đến nay, sản phẩm cam Hàm Yên đã trở thành cây ăn quả liên tục đạt top trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Tỉnh Tuyên Quang có gần 300 hộ dân sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Ảnh: Đào Thanh.

Để cây cam phát triển bền vững trước tình hình sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, những năm qua, huyện Hàm Yên đã mở rộng phát triển mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP. Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Yên có 198 trang trại, trong đó 172 trang trại trồng cam. Tổng doanh thu hàng năm bình quân đạt trên 1 tỷ đồng/trang trại.

Huyện đã xây dựng được 20 tổ, nhóm sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, tổng diện tích trên 806ha với 380 hộ tham gia. Diện tích sản xuất cam hữu cơ của huyện Hàm Yên hiện có 15,8ha của 12 hộ tại 4 nhóm sản xuất trên địa bàn các xã Tân Thành, Nhân Mục và thị trấn Tân Yên, trong đó có 13,8ha đã được cấp chứng nhận và 2ha cam đang chuyển đổi.

Đầu năm 2017, gia đình ông Đặng Đình Khuê ở thôn 2, xã Tân Thành (huyện Hàm Yên) đã quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất truyền thống sang trồng cam hữu cơ.  Nhờ vậy, vườn cam hữu cơ hơn 2ha của gia đình đều khỏe, xanh tốt, cho quả ngọt đậm. Đến khi thu hoạch, giá cam bán cao gấp 2 đến 3 lần so với cam trồng theo cách truyền thống, thị trường tiêu thụ khá ổn định.

Ông Khuê cho biết, trồng cam theo tiêu chuẩn hữu cơ giúp cho sức khỏe của những người làm vườn như ông được tốt hơn. Năm nay, ngay khi cam bắt đầu cho thu hoạch, nhiều thương lái, đầu mối của các siêu thị lớn đã đến đặt hàng và thu mua.

Theo rà soát của Phòng NN-PTNT huyện Hàm Yên, đến năm 2023, diện tích cam của địa phương này đạt khoảng 5.100ha. Trong đó diện tích cây cam sành là 4.030ha, chiếm 79%. Các giống cam khác như cam chanh, cam Vinh, cam V2, cam C36… trên 1.070ha, chiếm 21%. Diện tích cam cho thu hoạch là 4.819ha, năng suất bình quân ước đạt 140 tạ/ha, sản lượng thu hoạch khoảng 67.700 tấn, dự kiến doanh thu đạt từ 600 đến 620 tỷ đồng.

Sản xuất cam theo hướng nông nghiệp tốt là cơ hội để sản phẩm vươn tới các thị trường khó tính. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, so với những giống cam khác trên cả nước, cam sành Hàm Yên được đánh giá có vị ngọt thanh, hương thơm dịu và hấp dẫn hơn cả. Để giữ vững và phát triển thương hiệu cam sành Hàm Yên, việc nâng cao chất lượng, sản xuất cam an toàn, hữu cơ là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, cùng với việc tạo ra giống cây sạch bệnh, công tác chăm sóc cây cam cần luôn được chú trọng.

Nhiều năm qua, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang và chính quyền huyện Hàm Yên đã cùng vào cuộc với nông dân xây dựng vùng cam sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn, hưỡng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cam theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ.

Huyện Hàm Yên những năm qua cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị như Viện Bảo vệ thực vật, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam… triển khai thực hiện nhiều dự án, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để những đồi cam khỏe mạnh, phát triển bền vững.

nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục