,

Nông thôn mới

Tuyên Quang xây dựng nông thôn mới: Nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua

Những năm qua, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc xây dựng nông thôn mới đang gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa.

 

Sở Lao động - TB và XH tỉnh Tuyên Quang cùng nhân dân xã Hà Lang trồng hoa và dọn vệ sinh đường phố

Nhiều khó khăn, thách thức

Đến nay, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, trong đó có 54 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 08 xã đang được các ngành chức năng thẩm định để đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 18 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 83 vườn đạt chuẩn vườn mẫu NTM.

Dù những kết quả đạt được là đáng mừng, nhưng thẳng thắn nhìn nhận, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới theo “Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025” có nhiều chỉ tiêu tăng thêm và yêu cầu cao hơn khiến các địa phương, nhất là những địa phương miền núi như Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Theo đó, trong giai đoạn này, để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các xã phải đạt 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016- 2020. Mức độ đạt chuẩn các tiêu chí cũng được nâng cao như: Tiêu chí số 10 về thu nhập năm 2023 phải đạt ≥42 triệu đồng trở lên/người và tăng theo từng năm đến năm 2025 là ≥48 triệu đồng; tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo mới quy định hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống, cao hơn gấp 2 lần chuẩn cũ là từ 700.000 đồng/người/tháng trở xuống nên nhiều xã tỷ lệ nghèo tăng cao và tiêu chí nghèo đa chiều đối với xã đạt chuẩn NTM là dưới 13%, đối với xã đạt chuẩn NTM nâng cao là dưới 8%; chỉ tiêu 13.3 (thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương), đối với chỉ tiêu này Tuyên Quang quy định là  ≥1; chỉ tiêu 15.4 (Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử) phải đạt từ 50% trở lên. Hay như chỉ tiêu 17.1 về (tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn), yêu cầu phải có ít nhất 10% hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung, trong khi đó hầu hết các xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung dẫn đến khó thực hiện.

Vì vậy, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không duy trì được một số tiêu chí, chỉ tiêu. Theo kết quả rà soát, tính đến tháng 3/2023, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 15,12 tiêu chí, giảm 0,39 tiêu chí/xã so với cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, theo quy định Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, các xã khu vực III, khu vực II sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ được xác định là xã khu vực I và không còn được hưởng các chế độ ưu đãi, dễ dẫn đến việc khó duy trì được một số tiêu chí. Mặt khác, một bộ phận người dân và cán bộ tại địa phương cũng không muốn phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, vì e ngại mất đi các cơ hội được đầu tư, hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia khác cũng như các chế độ trợ cấp như: Bảo hiểm y tế, hỗ trợ bán trú cho học sinh, phụ cấp lương cho cán bộ, giáo viên công tác tại địa bàn khó khăn, hỗ trợ phát triển sinh kế, cho vay ưu đãi người nghèo khu vực đặc biệt khó khăn. Một số địa phương vẫn còn lúng túng trong triển khai thực hiện, nhất là đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Phiên giao dịch việc làm lần thứ nhất năm 2023

Quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của phần lớn người dân, lôi cuốn họ vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực đưa phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển sôi động. Hệ thống hạ tầng nông thôn Tuyên Quang đổi thay mạnh mẽ, điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Năm 2023, Tuyên Quang đặt mục tiêu phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 09 xã nông thôn mới nâng cao, 05 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, có thêm huyện Sơn Dương và huyện Hàm Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn lên 3/7 huyện thành phố. Bình quân mỗi xã trên địa bàn tỉnh đạt 17 tiêu chí.

Bên cạnh chủ động tạm ứng, cân đối nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng, UBND tỉnh Tuyên Quang còn chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sức dân để chung tay thực hiện các tiêu chí. Năm 2023, dự kiến tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM là khoảng 3.537.047 triệu đồng, cụ thể: Vốn ngân sách nhà nước: 1.747.070 triệu đồng, trong đó: (Vốn đầu tư phát triển: 1.487.769 triệu đồng; Vốn sự nghiệp: 259.302 triệu đồng) Vốn đề nghị các cơ quan bộ, ngành Trung ương hỗ trợ huyện Sơn Dương: 316.388 triệu đồng; Vốn tín dụng: 1.200.000 triệu đồng; Vốn huy động từ doanh nghiệp: 99.014,0 triệu đồng; Vốn nhân dân đóng góp: 174.575 triệu đồng.

Có thể thấy, sự thay đổi và nâng cao mức chuẩn của một số tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 là phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn và để xây dựng nông thôn mới thực sự bền vững, đi vào chiều sâu, đáp ứng ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân sống ở khu vực nông thôn. Và, những khó khăn, lúng túng khi mới triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là điều khó tránh khỏi.

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, ngoài nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa khắc phục những khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng hiệu quả thực hiện các hạng mục, tiêu chí. Có như thế mới đảm bảo hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo lộ trình tỉnh đã đề ra.

Có thể thấy, Tuyên Quang đã, đang nhận diện đúng thực tế, quyết liệt ngay từ đầu để phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Tin rằng, từ kinh nghiệm đã có và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân và doanh nghiệp, Tuyên Quang sẽ hoàn thành thắng lợi kế hoạch xây dựng NTM năm 2023 đồng thời tạo động lực, tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng NTM trong cả giai đoạn 2021-2025./.

Lê Thiệu Tân/Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

Tin cùng chuyên mục